Đảm bảo nguồn lực nhà thầu
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi vừa ký báo cáo bổ sung, làm rõ một số nội dung, ý kiến đối với Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM.
Tại báo cáo này, ông Phan Văn Mãi đã giải trình trước lo ngại về tác động của việc sử dụng vốn đầu tư công để triển khai cùng lúc nhiều dự án hạ tầng trong tình hình lạm phát, khả năng giải ngân, hấp thụ vốn và khả năng cân đối, hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, thi công.
Sơ đồ tuyến đường Vành đai 3 TPHCM
Theo ông Phan Văn Mãi, Chính phủ đã cân đối nguồn lực tổng thể trong phát triển nền kinh tế, trong đó có đầu tư kết cấu hạ tầng để đảm bảo hạn chế lạm phát, khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, nguồn nhân lực.
Trong khi đó, hiện khu vực Đông Nam Bộ chỉ có dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, sân bay Long Thành đang được thi công, dự án Biên Hòa - Vũng Tàu đang được chuẩn bị đầu tư nên việc triển khai đường Vành đai 3 không bị ảnh hưởng nhiều.
“Đây là các dự án trọng điểm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Đầu tư các dự án này sẽ là động lực phát triển kinh tế, ảnh hưởng của các dự án tới lạm phát của khu vực không lớn so với tác động tích cực của các dự án mang lại” - ông Mãi khẳng định.
Đồng thời, theo lãnh đạo TPHCM, việc đầu tư các dự án kết nối giao thông liên vùng cùa Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng góp phần cân đối lại phân bổ đầu tư cho khu vực kinh tế năng động này để vùng tiếp tục là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước.
Với các cơ chế đặc thù đã đề xuất Quốc hội như cơ chế chia dự án thành 8 dự án thành phần, cơ chế về nguồn vốn, nguồn vật liệu…, cùng “quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc”, ông Mãi tin tưởng dự án đảm bảo tiến độ giải ngân vốn như đã cam kết.
Về nguồn lực nhà thầu, ông Phan Văn Mãi dẫn số liệu của Bộ Xây dựng cho biết, hiện cả nước có khoảng 344 nhà thầu có Chứng chỉ năng lực thi công công trình giao thông hạng 1, là những nhà thầu đáp ứng năng lực thi công các dự án cao tốc.
Hiện nay, đối với các dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (654 Km) và dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (23 Km) có khoảng 48 nhà thầu đang tham gia thi công. Theo tiến độ yêu cầu, các dự án này phải hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2022 và 2023. Do đó, với phạm vi, quy mô Dự án Vành đai 3 khoảng 76,34 Km được triển khai thi công tập trung chủ yếu trong khoảng thời gian từ năm 2024 – 2026, ông Mãi cho rằng, số lượng nhà thầu tham gia xây dựng hoàn toàn đáp ứng được, bảo đảm hoàn thành Dự án theo tiến độ yêu cầu.
Dự án đường Vành đai 3 TPHCM có quy mô 8 làn xe cao tốc. Ảnh minh hoạ
Lãnh đạo TPHCM cũng khẳng định cam kết về tiến độ và chất lượng dự án theo ý kiến của UBTVQH tại Thông báo sô 983/TB-TTKQH ngày 15/5/2022.
Giá vé sẽ phù hợp
Đề cập đến phương thức đầu tư dự án, Chủ tịch Phan Văn Mãi thông tin, quá trình nghiên cứu Dự án Chính phủ đã xem xét các phương thức đầu tư đối tác công - tư PPP (Hợp đồng BOT) với các kịch bản: Đầu tư PPP toàn tuyến, bao gồm giải phóng mặt bằng (GPMB), đường song hành, hồ trợ nhà nước tối đa 50% TMĐT; Đầu tư PPP phần đường cao tốc, không bao gồm GPMB & đường song hành, hỗ trợ nhà nước tối đa 50% TMĐT cho từng đoạn tuyến; Đầu tư PPP phần đường cao tốc & đường song hành, không bao gồm GPMB, hỗ trợ nhà nước tối đa 50% tổng mức đầu tư (TMĐT).
Tuy nhiên, theo ông Mãi, các kịch bản nêu trên đều không khả thi. Với kịch bản 4, được coi là khả thi nhất, đầu tư theo hình thức PPP đối với phần đường cao tốc, không bao gồm GPMB & đường song hành, hỗ trợ nhà nước tối đa 50% đối với phần vốn đầu tư PPP. Ở kịch bản này, thời gian hoàn vốn là 29 năm, như thế khó hấp dẫn nhà đầu tư.
Phân tích tiếp, ông Mãi chỉ ra, với kịch bản vừa nêu, vốn do nhà đầu tư huy động là 13.545 tỷ đồng (chỉ chiếm tỷ lệ 18% TMĐT dự án), vốn nhà nước đóng góp là 61.833 tỷ đông (chiếm khoảng 82% TMĐT dự án), là không phù hợp với quy định của Luật PPP, tính khả thi rất thấp.
Nêu rõ Vành đai 3 TPHCM là đường vành đai đô thị, đi qua các khu vực đô thị, khu dân cư và định hướng trong tương lai phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị mới, các trung tâm logictics, hệ thống cảng biển..., ông Mãi nhìn nhận, việc đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công, nhà nước tổ chức thu phí không có tính chất hoàn vốn đầu tư dự án như đầu tư theo hình thức PPP (không tính lợi nhuận cho nhà đầu tư, không tính lãi vay...) sẽ chủ động về thời gian và giá vé cũng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội cũng như khả năng chi trả của doanh nghiệp, người dân khi tham gia giao thông.
Liên quan phương án thu hồi vốn đầu tư, Chủ tịch TPHCM cho biết, sau khi hoàn thành, dự án sẽ tổ chức thu hồi vốn để hoàn trả vào Ngân sách Trung ương và Ngân sách địa phương. UBND 4 địa phương có đường vành đai đi qua sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu chi tiết trong bước tiếp theo của Dự án và báo cáo Chính phủ chấp thuận phương án thu hồi vốn trước khi thực hiện. Theo đó, dự kiến phần đường song hành sẽ do các địa phương quản lý, phần đường cao tốc giao Bộ Giao thông - Vận tải quản lý và thu phí hoặc ủy quyền cho TPHCM, các tỉnh quản lý và thu phí.
Thời gian thu phí và tỷ lệ phân chia nguồn thu cho Ngân sách Trung ương và Ngân sách địa phương theo phương án thu hồi vốn cho Dự án được Chính phủ phê duyệt. Quá trình thực hiện tổ chức thu phí sẽ áp dụng công nghệ hiện đại (không dừng, thu kín) nhằm đảm bảo công khai, minh bạch nguồn vốn thu được.
Đường Vành đai 3 TPHCM là đường vành đai cao tốc đô thị, là điểm đầu tất cả các tuyến cao tốc trong vùng (TPHCM - Long Thành - Dầu Giây; TPHCM - Trung Lương; Bến Lức - Long Thành; TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và TPHCM - Mộc Bài), kết nối với các Quốc lộ hướng tâm như Quốc lộ 1, 13, 22, Xa lộ Hà Nội và một số trục đường tỉnh hướng tâm. Việc xây dựng khép kính Vành đai 3 TPHCM, theo ông Phan Văn Mãi, có tác dụng phân bổ các luồng giao thông hướng tâm, hạn chế ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô, phát triển không gian đô thị, do đó cần thiết phải xây dựng toàn tuyến để đảm bảo mục tiêu đầu tư.