Đường Vành đai 3 TPHCM: Nhà nước đầu tư toàn bộ, thu phí hoàn vốn khó khả thi

Thứ Sáu, 27/05/2022 09:43

|

(CAO) Khi huy động vốn BOT với giá trị 13.806 tỷ đồng (50% giá trị đường cao tốc không bao gồm GPMB và đường đô thị), dự án cần tới 28 năm để thu hồi vốn. Như vậy, khi nhà nước đầu tư 100% với tổng số vốn là 75.378 tỷ đồng (gấp hơn 5 lần) thì việc thu phí để hoàn vốn là khó khả thi.

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 3 TPHCM, là một công trình quan trọng quốc gia được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 đang diễn ra.

Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến là 76,34 km, bao gồm TPHCM 47,5 km; Đồng Nai 11,26 km; Bình Dương 10,76 km; Long An 6,8 km. Theo tờ trình của Chính phủ, dự án được đề xuất đầu tư công, với sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 75.378 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

Sơ đồ tuyến đường Vành đai 3 TPHCM

Tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (BCNCTKT), đơn giá trung bình dự kiến đền bù đất dân cư để thực hiện dự án trên địa bàn TPHCM trong khái toán cao gấp 1,7 lần đơn giá đất thương mại dự kiến đấu giá. Cụ thể, TPHCM sẽ tổ chức bán đấu giá các khu đất dọc theo dự án với giá dự kiến 15 triệu đồng/m2, trong khi giá đền bù đất dân cư trong công tác GPMB là 26 triệu đồng/m2 (10.040 tỷ đồng/38,5 ha).

Còn tại Bình Dương, diện tích đất dân cư tính toán đền bù tại địa phương này cao hơn diện tích trong thuyết minh BCNCTKT là 11,2 ha và làm tăng chi phí GPMB lên 1.677 - 3.920 tỷ đồng. Diện tích tính toán đền bù là 30 ha trong khi diện tích trong BCNCTKT là 18,78 ha, giá đền bù tính toán tại Bình Dương là 15 – 35 triệu đồng/m2.

Ngoài ra, giá đền bù đất nông nghiệp tại Bình Dương đang được xác định trong BCNCTKT cao gấp 6 lần các địa phương lân cận (trung bình giá đền bù đất nông nghiệp tại TP.HCM là 3,3 triệu/m2, Long An là 2,1 triệu/m2; Đồng Nai là 2,9 triệu/m2).

Từ phân tích trên, KTNN đề nghị Chính phủ chỉ đạo UBND hai địa phương nói trên rà soát lại khái toán chi phí GPMB để đảm bảo chính xác và phù hợp với thực tế.

Đề cập đến phương án huy động nguồn vốn và cân đối vốn, cơ quan kiểm toán thông tin, dù HĐND các địa phương đã có Nghị quyết cam kết bố trí vốn cho dự án, theo Văn bản số 622/UBND-DA ngày 1/3/2022 của UBND TPHCM thì nguồn vốn địa phương lại chủ yếu được đến từ việc khai thác quỹ đất dọc hai bên tuyến đường của dự án.

“Theo tiến độ bố trí vốn thì nguồn vốn địa phương tập trung nhiều trong năm 2023-2024 trong khi thời điểm này khó có thể tổ chức đấu giá đất thành công hoặc đấu giá thành công với mức giá thấp do dự án đang trong giai đoạn thi công” – KTNN lưu ý.

Vì lẽ trên, để đảm bảo nguồn vốn và khả năng cân đối vốn NSĐP một cách kịp thời, theo KTNN, cần có các giải pháp cụ thể, chủ động hơn (tờ trình số 206/TTr-CP ngày 23/5/2022 mới chỉ xác định trong trường hợp cần thiết báo cáo Chính phủ về việc phát hành trái phiếu địa phương để đảm bảo nguồn vốn của dự án).

So sánh với dự án đường vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội (cũng được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này), KTNN chỉ ra vấn đề cần làm rõ trong hình thức đầu tư.

Dẫn tờ trình, KTNN cho biết, Chính phủ trình Dự án Vành đai 3 TPHCM sử dụng 100% vốn đầu tư công do theo tính toán trong phương án tài chính để thu hồi vốn cho nhà đầu tư BOT (13.806 tỷ đồng, tương ứng với 50% giá trị đường cao tốc không bao gồm chi phí GPMB và xây dựng đường song hành) mất 28 năm và được đánh giá là không khả thi.

Tại dự án Vành đai 4 – Vùng thủ đô Hà Nội, KTNN phản ánh, suất đầu tư cao hơn 1,2 lần (Dự án vành đai 4 trung bình 513 tỷ đồng/km; dự án vành đai 3 trung bình 442 tỷ đồng/km) và lưu lượng phương tiện dự kiến chỉ bằng 0,8 lưu lượng vành đai 3 (dự kiến đến năm 2040 lưu lượng phương tiện trung bình của vành đai 4 là 50.000 CPU/ngày/đêm; vành đai 3 là 62.500 CPU/ngày/đêm) nhưng phương án tài chính tính toán khả thi với thời gian thu phí 21 năm.

KTNN đề nghị Chính phủ chỉ đạo UBND TPHCM rà soát lại phương án tài chính đảm bảo lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp.

Liên quan đến cơ chế đặc thù, Chính phủ đề xuất, sau khi Dự án đưa vào khai thác sử dụng sẽ tổ chức thu phí để thu hồi vốn đầu tư cho NSĐP và NSTW tương ứng với phần vốn góp. Song theo nội dung Báo cáo NCTKT, khi huy động vốn BOT với giá trị 13.806 tỷ đồng (50% giá trị đường cao tốc không bao gồm GPMB và đường đô thị), Dự án cần tới 28 năm để thu hồi vốn. Như vậy, khi nhà nước đầu tư 100% với tổng số vốn là 75.378 tỷ đồng (gấp hơn 5 lần) thì việc thu phí để hoàn vốn là khó khả thi.

Nêu rõ đến nay chưa có quy định cụ thể về thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư để làm cơ sở triển khai thực hiện, KTNN đề nghị Chính phủ cần xem xét, xây dựng phương án thu phí cụ thể và có cơ chế phân chia nguồn thu phù hợp giữa Trung ương và địa phương (vì vốn đầu tư bao gồm nguồn vốn NSTW và NSĐP) để đảm bảo tính khả thi, thu hồi hoàn trả vốn đầu tư.

Về tiến độ của dự án, KTNN lưu ý Chính phủ cần đưa ra mốc thời hạn hoàn thành từng nội dung của dự án và các bên tham gia thực hiện dự án phải cam kết thực hiện đúng thời hạn quy định tương tự như Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông đã thực hiện.

Nội dung này, hiện tờ trình xác định thời gian chuẩn bị dự án là năm 2022-2023; GPMB, tái định cư: từ quý III/2022 – hoàn thành vào quý II/2024; xây lắp khởi công quý IV/2023; cơ bản hoàn thành đường cao tốc năm 2025 hoàn thành toàn dự án năm 2026.

Bình luận (0)

Lên đầu trang