Thanh tra theo kế hoạch khó ngăn chặn vi phạm

Thứ Năm, 26/05/2022 18:08  | Hải Triều

|

(CATP) "Chúng ta làm công văn gửi đơn vị, thông báo thời gian sẽ tiến hành thanh tra (TT) họ. Rõ ràng điều này không thực tế, không thực sự ngăn chặn được vi phạm" - đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) chỉ ra bất cập.

Giữ nguyên thanh tra cấp huyện

Trình Quốc hội (QH) dự luật TT (sửa đổi) sáng qua (26-5), Tổng thanh tra Chính phủ (TTCP) Đoàn Hồng Phong cho biết, tổ chức, chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan TT được phân theo cấp hành chính. Đáng chú ý, sau khi nhận được nhiều ý kiến góp ý, Ban soạn thảo dự luật đã giữ nguyên quy định về TT huyện.

"Cơ quan TT hiện nay không chỉ thực hiện chức năng TT mà còn có trách nhiệm giúp UBND thực hiện quản lý nhà nước về công tác TT, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống (PC) tham nhũng, tiêu cực" - ông Phong lý giải. Mặt khác, theo Tổng TTCP, nếu không tổ chức TT huyện thì TT tỉnh cũng phải tăng thêm biên chế và tổ chức thêm các phòng chuyên môn phụ trách TT địa bàn các huyện khi có yêu cầu, nên thực tế việc tinh giản bộ máy cũng không đáng kể.

Nêu quan điểm về sửa đổi Luật TT tại phiên thảo luận tổ vào chiều cùng ngày, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ thông tin, qua phân tích, đánh giá nhiều ý kiến trong cơ quan của QH, Thường vụ QH, tổ chức bộ máy TT không những giữ 3 cấp mà còn tập trung tăng cường năng lực cho cấp huyện, vì cấp này là cấp gần dân nhất, nhiều việc nhất.

"Đây là quan điểm mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ cũng thống nhất" - Chủ tịch QH cho biết và lưu ý, cần PC tiêu cực ngay trong hoạt động TT và cơ quan TT, đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch, đảm bảo không ai can thiệp được vào hoạt động này.

Bày tỏ sự tán thành việc duy trì TT cấp huyện, ĐB Nguyễn Sỹ Quang (TPHCM) lập luận: Trong phòng ngừa, xử lý sai phạm luôn luôn đặt ra phòng ngừa là chính, vì thế việc TT phát hiện kịp thời ngay tại cơ sở để xử lý từ thấp tới cao là rất quan trọng. "Phải có cơ quan TT cấp huyện để giúp cho cơ quan quản lý, ở đây là UBND cấp huyện, phát hiện ngay, chấn chỉnh, xử lý kịp thời" - ĐB Quang phân tích. Theo Phó giám đốc Công an TPHCM, nếu bỏ TT cấp huyện thì việc sẽ dồn lên TT cấp tỉnh, dẫn đến quá tải. "Chúng ta đã chủ trương kiện toàn bộ máy hiệu lực, hiệu quả nên bộ máy TT cấp tỉnh sẽ tinh gọn lại, nếu đầu việc nhiều thì không thể đi xuống cấp huyện, nhất là vùng sâu vùng xa, có thể khiến việc ngăn chặn sai phạm (nếu có) thiếu kịp thời" - ĐB Quang nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Quang thảo luận tại tổ

Cần cơ chế quản lý chặt chẽ đoàn thanh tra

Ủng hộ việc tổ chức TT theo hệ thống hành chính như hiện nay, bao gồm việc giữ nguyên TT cấp huyện, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: "Tôi đã từng có thời kỳ làm TT, có ít nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này". Theo ông, chúng ta đang nói việc phân cấp, giao quyền rất lớn cho các địa phương nhiều nội dung của quản lý nhà nước, do vậy cần có bộ máy để kiểm tra, đôn đốc...". Vẫn theo lãnh đạo Nhà nước, việc quản lý đoàn TT rất quan trọng. "Tại sao TT không giải quyết được một số việc?" - ông nêu câu hỏi và trả lời: "Vì đoàn TT quá dễ dãi trong việc tiếp xúc với các đối tượng TT". Khẳng định nếu không có cơ chế quản lý chặt chẽ đoàn TT thì khó thể phát hiện ra những vấn đề lớn của TT, Chủ tịch nước nhấn mạnh quản lý đoàn TT là vấn đề rất lớn.

"Khi làm Thủ tướng, tôi đã nói với anh Khái (nguyên Tổng TTCP) phải tăng cường cái này thì mới làm được nhiệm vụ của đoàn TT. Quyết định của đoàn TT rất quan trọng, Trưởng đoàn TT thay mặt Nhà nước kết luận trước khi Chánh TT, Tổng TT kết luận, trình Chủ tịch UBND và Thủ tướng. Đoàn TT lỏng lẻo, đơn giản, tự do giao du, đơn giản trong quản lý thì không được" - Chủ tịch nước phân tích.

Với 10 năm giữ cương vị Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, ĐB Phạm Khánh Phong Lan nhận thấy lực lượng TT y tế cấp sở ở TP chỉ đủ để TT nội bộ PC tham nhũng, "lâu lâu mới có một vài vụ việc đề xuất". "Có những phòng mạch, cơ sở y tế, nhà thuốc hai mấy năm chưa bao giờ thấy TT, bởi vì với số lượng đó không bao giờ làm nổi" - ĐB Lan phản ánh...

Nhận xét lực lượng TT quận, huyện cũng rất mỏng, ĐB Lan cho biết "trông chờ nhiều vào mô hình TT liên ngành". Thế nhưng, TT liên ngành lại có những hạn chế lớn về mặt chuyên môn do không được đào tạo kỹ về nghiệp vụ TT này.

Trong khi đó, theo nữ ĐB, "Thanh tra theo kế hoạch là điều hết sức phi lý”. "Chúng ta làm công văn gửi đơn vị, thông báo thời gian sẽ tiến hành TT họ. Rõ ràng điều này là không thực tế, không thực sự ngăn chặn được vi phạm" - ĐB Lan chỉ ra.

Chưa hết, chủ trương "mỗi đơn vị chỉ TT 1 lần trong năm, để tránh phiền hà cho doanh nghiệp" cũng bất cập, bởi có DN đối phó, tháng 1, tháng 2 thấy có TT vào rồi thì những tháng sau họ "buông" là không được.

"Thanh tra theo kế hoạch thì bảo đảm 1 đơn vị chỉ được TT 1 lần trong năm, không có sự chồng chéo, nhưng đột xuất phát hiện được vi phạm thì vẫn tiến hành TT, xử lý” - ĐB Lan phân tích và đề nghị luật sửa đổi lần này phải quy định để "cả xã hội thấy bất cứ hoạt động gì không phải sau khi cấp phép là xong mà luôn có một sự giám sát của cơ quan nhà nước, luôn có một cặp mắt vô hình theo dõi để họ không làm bậy".

Bình luận (0)

Lên đầu trang