“Việc so sánh SGK cần có sự tương đồng, tức giá các bộ sách được biên soạn mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhau” – Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu tại phiên thảo luận tổ sáng 23/5.
Khẳng định “không thanh minh hay giải thích cho doanh nghiệp, nhưng cung cấp thông tin để đại biểu biết thêm”, người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo cho biết, các loại sách mới được biên soạn với khổ lớn, giấy tốt hơn. Quy trình từ biên soạn đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành đều do các doanh nghiệp đảm nhiệm, sau đó kê khai giá với Bộ Tài chính.
Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn
Còn các bộ SGK thuộc chương trình 2016 giá thấp hơn sách mới, ông Sơn lý giải, là do nhà nước hỗ trợ tiền cho nhiều khâu như biên soạn, thẩm định. Sách cũ khổ nhỏ, giấy xấu hơn, nên giá bộ SGK cũ là 50.000-100.000 đồng, còn SGK mới giá 200.000-300.000 đồng, tùy từng loại.
"So sánh với sách cũ thì thấy giá khác nhau, nhưng so với sách chương trình mới thì đồng đẳng, hợp lý hơn” – ông Sơn nhấn mạnh và cho rằng nếu so giá sách mới với các bộ sách cũ được Nhà nước tổ chức trước đây để nói SGK tăng giá thì không tương đồng.
Thông tin thêm, lãnh đạo Bộ Giáo dục – Đào tạo cho biết Bộ đã chỉ đạo NXB Giáo dục Việt Nam mỗi loại sách dành 25.000 bản phát cho học sinh vùng xa, mặc dù “con số này vẫn ít, cần có thêm biện pháp khác”. Bên cạnh đó, khi sách chưa phát hành, NXB đã cung cấp bản PDF trên trang web, học sinh có thể tải xuống thuận tiện.
Trước đó, thảo luận tại Hội trường về chương trình giám sát của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề nghị giám sát việc thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội XIII, Nghị quyết 51 Quốc hội khóa XIV về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.
“Tôi thấy đây là một chuyên đề rất nên và rất cấp thiết. Thời gian đã đủ, nghị quyết của Quốc hội khóa XIII năm 2014, nghị quyết của Quốc hội khóa XIV năm 2017 đã được 5 năm rồi, chúng ta nên phải giám sát” – ông Trí lập luận.
Nêu nội dung giám sát, đại biểu Trí nhìn nhận, là hết sức phong phú, đa dạng. Nhận định vấn đề đổi mới chương trình và đổi mới SGK giáo dục phổ thông là nội dung cốt lõi của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông và có tầm quan trọng cũng như ý nghĩa hết sức to lớn, song theo đại biểu Trí, thực tiễn cho thấy các chương trình giáo dục phổ thông có nhiều điểm không phù hợp.
“SGK khi thì in sai, ngôn từ còn nhiều chỗ không phù hợp, hình ảnh chưa được chuẩn mực. Nhiều bộ SGK đã được đề nghị sử dụng, vì quá nhiều bộ sách được đề nghị sử dụng cho nên gây ra sự lúng túng trong việc lựa chọn, không chỉ đối với phụ huynh, thậm chí ở các trường, các sở giáo dục” – ông Trí phản ánh.
Đặc biệt, đại biểu Trí chỉ ra, việc SGK không được sử dụng lại nên hằng năm khiến cho cả xã hội phải tốn hàng ngàn tỷ đồng để mua sắm sách mới, gây khó khăn lớn cho các gia đình có con đi học, đặc biệt những gia đình nghèo có con đi học.
“Việc này tôi được biết ở Quốc hội khóa XIV đã rất nhiều lần được đề cập nhưng tình trạng gần như giậm chân tại chỗ” – ông Trí nói và lần nữa nhấn mạnh về tính cần thiết phải giám sát vấn đề này, từ đó đề xuất những điều chỉnh nhằm thực hiện tốt hơn sự nghiệp đổi mới chương trình và SGK giáo dục phổ thông.
Đồng tình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vấn đề thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội XIII, Nghị quyết 51 Quốc hội khóa XIV về đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông vào nội dung giám sát trong năm tới, song đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) muốn đề nghị Quốc hội giám sát tối cao.
Ghi nhận 8 năm qua ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để triển khai các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông, song nữ đại biểu cho biết dư luận cũng còn nhiều ý kiến khác nhau về một số kết quả triển khai, như vấn đề giá SGK.
“Có những vấn đề mà báo chí và đại biểu Quốc hội đã đặt ra suốt từ kỳ họp trước đến kỳ họp này nhưng chưa được giải quyết, như là những sai sót trong cả 3 bộ SGK lớp 1, lớp 2 và lớp 6 của NXB Giáo dục Việt Nam” – bà Thuý nói.
Những bất cập trong Thông tư số 25 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về lựa chọn sách giáo khoa dẫn đến việc bỏ qua quyền lựa chọn dân chủ của cơ sở giáo dục, rồi vai trò hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc lựa chọn SGK để đảm bảo khách quan, công bằng, minh bạch…, theo đại biểu Thuý, rất cần được làm rõ.
“Vì thậm chí cũng còn có câu hỏi đặt ra là liệu có những vụ Việt Á trong lựa chọn SGK hay không?” – bà Thuý dẫn dư luận. Đó cũng là lý do mà theo bà, những vấn đề này cần được thảo luận rộng rãi ở Quốc hội để thu nhận ý kiến nhiều chiều và để cử tri cả nước được biết.