Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu Công an TPHCM có ông Ngô Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND TP; Thiếu tướng Lê Hồng Nam - Giám đốc CATP; Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng - Phó giám đốc CATP cùng đại diện lãnh đạo các phòng nghiệp vụ.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Công an TPHCM.
Theo báo cáo, sau 1 năm thực hiện cao điểm tuyên truyền, kiểm tra về PCCC, công an các đơn vị, địa phương đã chủ động tham mưu cho UBND các cấp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai đợt cao điểm, quy định điều kiện an toàn PCCC đối với nhà ở riêng lẻ, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh thực hiện, duy trì điều kiện an toàn PCCC.
Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã quan tâm, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) tại địa phương; UBND cấp xã đã từng bước nắm bắt được trách nhiệm và tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước PCCC và CNCH.
Nhận thức, ý thức trách nhiệm về PCCC của người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, chủ hộ sản xuất, kinh doanh và người dân, người lao động đã có nhiều chuyển biến tích cực; trong đó đã tự giác ký cam kết bảo đảm an toàn về PCCC, khắc phục những thiếu sót, vi phạm về PCCC, mở lối thoát nạn thứ 2 qua ban công, lô gia, trang bị bình chữa cháy xách tay; tham gia các hoạt động trong lực lượng dân phòng, mô hình, phong trào PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình…
Nhiều địa phương đã kiềm chế về số vụ cháy xảy ra tại hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Trong đó, 3/63 địa phương không để xảy ra cháy; 52/63 địa phương có số vụ cháy giảm…
Theo thống kê, trong giai đoạn thực hiện cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra về PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn (từ 15-4-2021 đến 15-4-2022), toàn quốc xảy ra hơn 1,9 ngàn vụ cháy, làm chết 80 người, bị thương 113 người, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng hơn 826 tỷ đồng. Trong đó, xảy ra 850 vụ cháy nhà ở hộ gia đình và nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, làm chết 70 người, bị thương 52 người, thiệt hại về tài sản 73,83 tỷ đồng.
So với 1 năm trước khi triển khai cao điểm, số vụ cháy xảy ra tại loại hình này giảm 277 vụ, số người chết tăng 6 người, số người bị thương giảm 28 người, thiệt hại về tài sản tăng 18,58 tỷ đồng.
Cũng trong giai đoạn thực hiện cao điểm, Công an 63 địa phương đã kiểm tra hơn 23,3 triệu hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Qua đó, phát hiện hơn 12,3 triệu thiếu sót, hơn 34,7 ngàn vi phạm, xử lý hơn 2,7 ngàn trường hợp với số tiền hơn 3,2 tỷ đồng...
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đó là: Công an một số đơn vị, địa phương còn chưa chủ động trong tham mưu, triển khai cao điểm, quản lý nhà nước về PCCC và CNCH; công tác tuyên truyền chưa được thực hiện thường xuyên, hiệu quả chưa cao, phần lớn các mô hình, phong trào PCCC hoạt động mang tính hình thức, không hiệu quả; nội dung kiểm tra chưa đầy đủ, không phát hiện, hướng dẫn kịp thời cho chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh khắc phục các thiếu sót, vi phạm về PCCC, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao; chưa duy trì thường xuyên các điều kiện an toàn về PCCC đối với khu dân cư…
Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng - Phó giám đốc Công an TPHCM phát biểu tham luận
Tham luận tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng - Phó giám đốc Công an TPHCM cho biết, theo thống kê, từ ngày 15-4-2021 đến 14-4-2022, trên địa bàn TP xảy ra 180 vụ cháy, làm 16 người chết, 35 người bị thương (giảm 74 vụ cháy, giảm 11 người chết, tăng 11 người bị thương so với thời gian cùng kỳ), thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 1,7 tỷ đồng.
Trong đó, đã xảy ra 76 vụ cháy nhà để ở (chiếm 42,22% tổng số vụ cháy), làm chết 6 người, bị thương 11 người, so với cùng kỳ giảm 28 vụ cháy, giảm 9 người chết, giảm 11 người bị thương; xảy ra 10 vụ cháy nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (chiếm 5,55% tổng số vụ cháy), làm chết 9 người, bị thương 3 người, so với cùng kỳ giảm 3 vụ cháy, tăng 8 người chết, giảm 1 người bị thương...
Trong những năm qua, nhận thức được nguy cơ và hậu quả do cháy, nổ gây ra trong các khu dân cư, lực lượng Cảnh sát PCCC CATP đã tích cực tham mưu UBND TP chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai nhiều nhiệm vụ, biện pháp, giải pháp đảm bảo an toàn PCCC, đặc biệt là an toàn PCCC đối với nhà ở, hộ gia đình và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai thực hiện có lúc, có nơi còn chưa thường xuyên, liên tục và chưa thật sự đầy đủ, quyết liệt. Mặt khác, trong thời gian qua, mặc dù công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm và có sự phối hợp, hỗ trợ tích cực từ các cơ quan báo chí, truyền thông, tuy nhiên mức độ lan toả, thẩm thấu để làm thay đổi nhận thức, hiểu biết của người dân còn rất hạn chế; nhiều cuộc tuyên truyền về PCCC ở khu dân cư có số người dự rất ít và hầu hết là người già, trẻ em, người giúp việc; tờ rơi, tờ bướm tuyên truyền được in ấn, phát đến tận nhà nhưng ít ai quan tâm tìm hiểu.
Một số mô hình về PCCC được phát động nhưng thiếu sự tham gia, hưởng ứng tích cực của người dân; hoạt động của lực lượng dân phòng còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, công tác kiểm tra, hướng dẫn của lực lượng công an cấp xã còn hạn chế do đây là nhiệm vụ mới... Đây chính là những trở lực lớn, ảnh hưởng đáng kể trong công tác PCCC ở khu dân cư.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được sau 1 năm thực hiện cao điểm tuyên truyền, kiểm tra về PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh tại các đơn vị, địa phương; đồng thời chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long đề nghị công an các đơn vị, địa phương cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH sâu rộng, trực tiếp đến người dân thông qua nhiều hình thức, nội dung dễ hiểu và phù hợp với từng đối tượng. Thực hiện nghiêm túc công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản, không để tình trạng chưa nắm được “thực trạng PCCC”, “bỏ sót”, “bỏ lọt” địa bàn và bảo đảm 100% cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC được lập hồ sơ quản lý theo quy định.
Cùng với đó, xác định, lập danh sách địa bàn, khu vực trọng điểm, cơ sở có khả năng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khi xảy ra cháy nổ trong khu dân cư để tăng cường các biện pháp quản lý về PCCC và CNCH. Rà soát, lập danh sách, xây dựng và nhân rộng mô hình tổ liên gia an toàn PCCC; phát huy phương châm “4 tại chỗ” trong PCCC. Thực hiện kiểm tra an toàn về PCCC đối với 100% hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và cơ sở được phân cấp quản lý trong khu dân cư bảo đảm đủ số lượt theo quy định.
Đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra chủ hộ gia đình, hộ kinh doanh, người đứng đầu cơ sở khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC và CNCH đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, kiến nghị; xử lý 100% hành vi vi phạm về PCCC và CNCH. Xây dựng, củng cố và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, CNCH của cơ quan công an đối với khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao, cơ sở nguy hiểm về cháy nổ trong khu dân cư. Tập trung điều tra làm rõ nguyên nhân các vụ cháy, đề nghị truy tố, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nhằm tạo sức răn đe, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về PCCC…