Công an TPHCM: Lấy người dân làm trung tâm trong công tác PCCC

Thứ Ba, 24/05/2022 17:56

|

(CAO) Công an TPHCM đã đưa ra nhiều giải pháp phù hợp tình hình thực tế giúp kéo giảm các vụ cháy trên địa bàn.

GIẢM TỪ SỐ VỤ CHÁY ĐẾN THIỆT HẠI NGƯỜI VÀ TÀI SẢN

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy & cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) CATP, từ ngày 15-4-2021 đến 14-4-2022, trên địa bàn TPHCM xảy ra 180 vụ cháy, làm 16 người chết, 35 người bị thương (giảm 74 vụ cháy, giảm 11 người chết, tăng 11 người bị thương so với cùng kỳ năm 2020), thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 1,7 tỷ đồng.

Trong đó có 76 vụ cháy tại nhà ở hộ gia đình, làm chết 06 người, bị thương 11 người, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 81,25 triệu đồng và 10 vụ cháy tại nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, làm chết 09 người, bị thương 03 người, thiệt hại về tài sản (chưa ước tính thành tiền).

Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tổng kết 01 năm thực hiện cao điểm tuyên truyền, kiểm tra về PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn cháy lớn tại điểm cầu TPHCM.
Chiều 24-5-2022, Bộ Công an tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 01 năm thực hiện cao điểm tuyên truyền, kiểm tra về PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn cháy lớn.
Tham dự tại điểm cầu TPHCM có ông Ngô Minh Châu – Phó Chủ tịch UBND TP; Thiếu tướng Lê Hồng Nam – Giám đốc CATP; Đại tá Huỳnh Quang Tâm – Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH CATP cùng đại diện lãnh đạo sở, ban, ngành có liên quan trên địa bàn TPHCM.

Qua điều tra cho thấy các vụ cháy thường xảy ra vào ban đêm hoặc trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Nguyên nhân cháy phần lớn do vi phạm an toàn trong sử dụng điện và bất cẩn trong sinh hoạt. Điều đáng nói, không ít hộ gia đình đang vi phạm các quy định an toàn trong việc lắp đặt, sử dụng hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện một cách tuỳ tiện. Trong đó có nhiều hệ thống dây dẫn được lắp đặt hàng chục năm đã cũ kỹ, mục nát, hư hỏng mà vẫn được người dân sử dụng. Bên cạnh đó, khi phát sinh sự cố cháy, nổ đã không xử lý kịp thời dẫn đến cháy lan, cháy lớn, gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Đại tá Huỳnh Quang Tâm – Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH CATP hướng dẫn người dân trên địa bàn Quận 4 sử dụng bình chữa cháy đúng cách.

Trong những vụ cháy lan, cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn TPHCM thời gian qua phần lớn xuất phát từ việc người dân sắp xếp hàng hoá dễ cháy với khối lượng lớn tại tầng trệt và các lối đi.

Chính việc “chặn” các lối đi chính và không có lối thoát nạn dự phòng, không có giải pháp ngăn cháy lan, lắp thêm nhiều lớp cửa, làm lồng sắt bảo vệ nên khi có cháy đã không tự thoát nạn được. Ngoài ra, vẫn còn nhiều hộ không trang bị các phương tiện chữa cháy ban đầu, hoặc có trang bị nhưng thiếu về số lượng, không đảm bảo chất lượng, không biết sử dụng phương tiện chữa cháy. Nghiêm trọng hơn, khi cháy xảy ra vào ban đêm, không có hệ thống báo động nên khi lửa bùng phát mạnh thì người dân mới phát hiện thì đã không còn tự thoát nạn kịp.

PHÁT HUY SỨC MẠNH LỰC LƯỢNG PCCC CƠ SỞ

Để kéo giảm nguy cơ cháy, nổ trong khu dân cư, nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, Công an TPHCM đã chủ động tham mưu UBND TP ban hàng văn bản số 4086/UBND-NCPC ngày 07/12/2021 về việc tiếp tục triển khai thực hiện xây dựng phường điểm, khu phố điểm an toàn về PC&CC trên địa bàn TP theo tiêu chí cụ thể.

Bên cạnh đó, Công an TPHCM đã tham mưu UBND TP ban hành Quyết định số 16/UBND-NCPC ngày 31/5/2021 quy định về an toàn PCCC đối với nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trong khu dân cư trên địa bàn TP; Phát động triển khai đến UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức xây dựng mô hình “Gia đình có ít nhất 02 lối thoát nạn, có bình chữa cháy và phương tiện thoát nạn”.

Thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH CATP phổ biến kiến thức PCCC đến người dân trên địa bàn quận Tân Phú.

Để thực hiện có hiệu quả các chương trình trên, Công an TPHCM đã phối hợp với các quận, huyện chọn phường điểm, khu phố điểm để phối hợp thực hiện công tác hướng dẫn với hình thức sinh động, phù hợp tình hình thực tế của từng địa bàn.

Trong đó, nổi bật là các chương trình: Tổ chức tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hoá, tuyên truyền kiến thức về PCCC; Tổ chức cho các hộ dân ký kết đảm bảo an toàn, trao tặng bình chữa cháy, sửa chữa thay thế các thiết bị điện hư hỏng không đảm bỏ an toàn PCCC; Tổ chức vận động nhân dân hiến đất mở đường; Xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy và CNCH tại khu dân cư; Cải tạo khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao; Trang bị phương tiện PCCC, phương tiện thoát nạn và mở lối thoát nạn thứ 2 tại từng nhà dân; Vận động nhân dân trang bị bình chữa cháy và tự trang bị phương tiện thoát nạn (như: búa, rìu, thang, thang dây...) tạo lối thoát nạn thứ 2 trong khu dân cư và hộ gia đình; Kéo giảm số vụ cháy và thiệt hại do cháy nổ gây ra; đảm bảo điều kiện chữa cháy và cứu nạn cứu hộ...

Đến nay đã có 149/312 phường, xã, thị trấn và 256/1.993 khu phố tiếp tục triển khai thực hiện việc xây dựng phường điểm, khu phố điểm an toàn về PCCC và đạt nhiều hiệu quả tích cực. Điển hình là việc lực lượng PCCC tại chỗ đã phát hiện và dập tắt kịp thời rất nhiều vụ cháy (chiếm 76.35%); nhờ phát hiện và dập tắt kịp thời hoả hoạn phát sinh ngay từ đầu đã giúp hạn chế cháy lan, cháy lớn, kéo giảm thiệt hại về người và tài sản một cách đáng kể.

LẤY NGƯỜI DÂN LÀM TRUNG TÂM TRONG PCCC

Hiện nay trên địa bàn TP còn tồn tại nhiều nhà ở liên kế, việc thực hiện mở lối thoát nạn thứ 2 không thể thực hiện. Do đó, Công an TPHCM đề nghị lãnh đạo UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan khi tiến hành cấp giấy phép xây dựng đối với các loại hình nhà để ở và nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh phải hướng dẫn chủ hộ thực hiện những điều kiện đảm bảo an toàn về PCCC; trang bị phương tiện, thiết bị PCCC, cứu người; đồng thời lồng ghép các nội dung theo Quyết định số 16/2021/QĐ-UBND quy định về PCCC đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất trên địa bàn TP và Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9411:2012 nhà ở liên kế - Tiêu chuẩn thiết kế.

Cảnh sát tham gia chữa cháy trên địa bàn TPHCM trong năm 2022.

Đồng thời, các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng và trực tiếp kiến thức pháp luật và quy định về PCCC đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; tuyên truyền, phổ biến rộng rãi ứng dụng “Báo cháy 114” và “Help 114” để cảnh báo nguy cơ cháy, nổ và hướng dẫn các biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Bên cạnh đó, cần tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của chủ hộ gia đình, chủ cơ sở và phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy; hướng dẫn các điều kiện phục vụ thoát nạn và công tác tổ chức thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra cho các hộ gia đình; không sắp xếp đồ dùng vật dụng, vật tư hàng hóa, phương tiện giao thông trên hành lang, cầu thang, lối đi, cửa ra vào làm cản trở thoát nạn; mở lối thoát nạn thứ 2, lối thoát nạn khẩn cấp qua ban công, mái các nhà liền kề; không lắp đặt lồng sắt, biển quảng cáo che chắn lối thoát nạn ra ban công; trang bị mặt nạ, khẩu trang lọc độc, lắp đặt đèn chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn….

Các đơn vị cần tiếp tục duy trì chế độ thường trực sẵn sàng về lực lượng, phương tiện 24/24 giờ để tiếp nhận và kịp thời xử lý thông tin báo cháy và yêu cầu về CNCH; đồng thời, quán triệt phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy, lực lượng, phương tiện, hậu cần) trong công tác PCCC. Trong đó, xác định lấy người dân là trung tâm PCCC, chủ động phòng ngừa là chính, là cơ bản, chiến lược lâu dài để hạn chế tối đa thiệt hại do cháy, nổ xảy ra.

Ngoài ra, các đơn vị phối hợp thực hiện các giải pháp phát triển quy hoạch nguồn cấp nước PCCC một cách đồng bộ, đảm bảo nguồn nước đáp ứng công tác chữa cháy; phối hợp công ty điện lực phụ trách địa bàn rà soát, kiểm tra hệ thống lưới điện, từ đó đưa ra giải pháp nâng cấp và xử lý khắc phục những khu vực lưới điện có nguy cơ xảy ra cháy, nổ.

Việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân kiến thức về PCCC như: “Cẩm nang sử dụng điện an toàn”, “sổ tay PCCC điện gia đình”, “sổ tay PCCC điện cơ sở, sản xuất kinh doanh và công sở”; bổ sung cam kết đảm bảo an toàn điện, an toàn phòng chống cháy nổ do sử dụng điện vào hợp đồng mua bán điện sinh hoạt.

Qua công tác điều tra cơ bản trên địa bàn TPHCM, hiện có 1.754.164 nhà để ở hộ gia đình (nhà ở riêng lẻ) và nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Trong đó, số nhà để ở hộ gia đình (nhà ở riêng lẻ): 1.575.249 hộ; số nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh: 178.915 cơ sở. Tình hình cháy, nổ ở nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh luôn chiếm tỷ lệ cao cả về số vụ và thiệt hại về người tài sản.

Bình luận (0)

Lên đầu trang