Kỳ họp thứ 6 sẽ lấy phiếu tín nhiệm các chức danh Quốc hội bầu, phê chuẩn

Thứ Hai, 23/05/2022 16:41

|

(CAO) Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu đề xuất này tại tờ trình Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 trong phiên họp Quốc hội chiều nay (23/5).

Trình Quốc hội dự kiến Chương trình giám sát năm 2023, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, bên cạnh các nội dung giám sát thường xuyên, tại kỳ họp thứ 5 (5/2023), UBTVQH đề nghị giám xem xét báo cáo giám sát chuyên đề; xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có)…

Tại kỳ họp 6 (10/2023), UBTVQH đề xuất tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao đối với Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương bên lề phiên họp

UBTVQH cũng đề nghị Quốc hội giám sát kết quả hoạt động và việc quản lý, sử dụng Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá 2 năm 2021-2022; kết quả 2 năm (2022-2023) thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân; tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2022; tình hình thực hiện quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2022.

Việc thực hiện Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 cũng nằm trong chương trình nghị sự kỳ họp này.

Về giám sát chuyên đề, trong năm 2023, trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, UBTVQH đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp theo 10 nhóm lĩnh vực với 121 vấn đề thuộc trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Căn cứ vào tiêu chí lựa chọn, nội dung đã thực hiện cũng như năng lực thực hiện của các cơ quan, theo ông Cường, UBTVQH đã tiến hành lựa chọn các chuyên đề giám sát theo quy trình chặt chẽ, lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao trong năm 2023. 2 chuyên đề còn lại UBTVQH sẽ tổ chức giám sát.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình Quốc hội dự kiến Chương trình giám sát 2023

Cụ thể, chuyên đề 1: Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng (dự kiến giao Ủy ban Xã hội chủ trì tham mưu về nội dung).

Chuyên đề 2: Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (dự kiến giao Hội đồng Dân tộc chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Xã hội tham mưu về nội dung).

Chuyên đề 3: Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (dự kiến giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì tham mưu về nội dung).

Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 (dự kiến giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì tham mưu về nội dung).

Nêu kiến nghị của UBTVQH, ông Cường mong muốn các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH, Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần chủ động trong hoạt động giám sát; tiếp tục đổi mới, giám sát “đúng” và “trúng”, chỉ rõ địa điểm, quy rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân cũng như đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Cơ quan thường trực của Quốc hội cũng yêu cầu tăng cường tính tranh luận, đi sâu làm rõ vấn đề, trách nhiệm trong thảo luận, xem xét các báo cáo, chất vấn và trả lời chất vấn; sử dụng thông tin từ cơ quan kiểm toán nhà nước, thanh tra trong quá trình tiến hành giám sát.

“Việc xây dựng, ban hành nghị quyết về giám sát, chất vấn cần gọn, rõ, có các tiêu chí định lượng, mốc thời gian, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và theo dõi, giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát” – ông Cường nêu.

Với Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội, UBTVQH kiến nghị căn cứ điều kiện và tình hình thực tế, chủ động xây dựng và triển khai thực hiện chương trình giám sát của mình, báo cáo kết quả thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Các cơ quan này cũng được đề nghị tăng cường yêu cầu giải trình về những vấn đề bức xúc, nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội nhằm tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý nhà nước và giải tỏa bức xúc trong xã hội; đồng thời, thường xuyên làm việc với các bộ, ngành trung ương để đánh giá việc thực hiện các kiến nghị, nâng cao trách nhiệm của cơ quan và người đứng đầu các cơ quan chịu sự giám sát; những vấn đề sau giám sát được kiến nghị nhưng chưa được giải quyết cần đôn đốc, nếu cần thì tổ chức giám sát lại để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động giám sát và báo cáo UBTVQH xem xét tại phiên họp tháng 9 hằng năm.

UBTVQH cũng kiến nghị MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan ở trung ương và địa phương có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát; báo cáo và cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác những thông tin, tài liệu cần thiết có liên quan đến nội dung giám sát theo yêu cầu của cơ quan tiến hành giám sát.

Bình luận (0)

Lên đầu trang