Khẩn trương hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đất đai

Thứ Hai, 23/05/2022 10:10

|

(CAO) Đây là một trong những nhiệm vụ được Chính phủ đặt ra nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Rà soát, giải quyết vướng mắc các dự án, đất đai tại 4 tỉnh, thành phố

Sau phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 3 của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022.

Đánh giá về những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; triển khai hiệu quả Chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành báo cáo đánh giá bổ sung tình hình kinh tế - xã hội

“Việt Nam là một trong sáu quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới, được quốc tế đánh giá cao”- ông Thành nhìn nhận. Theo ông, nhờ thành công này, số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong giảm sâu từ cuối tháng 3-2022.

“Việc dịch bệnh cơ bản được kiểm soát đã củng cố niềm tin, sự an toàn của người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng cho phục hồi và phát triển KTXH” – Phó Thủ tướng nhận định.

Nhìn nhận kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát..., Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thông tin, nhiều nội dung của Chương trình phục hồi và phát triển KTXH đã được Chính phủ triển khai kịp thời, như chính sách hỗ trợ lãi suất, miễn giảm thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hỗ trợ thuê nhà cho người lao động.

“Tính chung 4 tháng có 80,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng gần 27% so với cùng kỳ. Một số dự án chậm tiến độ, kéo dài nhiều năm được Chính phủ tích cực xử lý, đạt kết quả bước đầu, như nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, 5/12 dự án thua lỗ, kéo dài, 2 ngân hàng yếu kém…” – ông Thành nêu.

Vẫn theo lãnh đạo Chính phủ, công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều giải pháp phù hợp và có chuyển biến tích cực. Qua đó, phát hiện vi phạm về kinh tế 16.490 tỉ đồng, 3.069 ha đất; kiến nghị thu hồi gần 8.900 tỉ đồng và 114 ha đất.

Qua thanh tra, 418 tập thể và 828 cá nhân đã bị kiến nghị xem xét, xử lý hành chính; chuyển cơ quan điều tra 65 vụ, 37 đối tượng.

Cùng với đó, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác của Thủ tướng về kiểm tra, rà soát, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa) và đang triển khai theo kế hoạch.

“Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện theo tinh thần của Ban Chỉ đạo Trung ương và đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của Nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước”- Phó Thủ tướng cho biết.

Tuy nhiên, ông Thành cũng thừa nhận những khó khăn hiện hữu, trong đó nhiều chuỗi cung ứng tiếp tục bị ảnh hưởng; giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nhất là giá xăng dầu có nhiều biến động; chuyển đổi năng lượng còn chậm; kim ngạch xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thu NSNN dù tăng 15,4% so với cùng kỳ, song theo Phó Thủ tướng, thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh chỉ tăng 5,4%. Thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp còn thấp; xuất khẩu nông sản tiểu ngạch chiếm tỷ trọng lớn. Xây dựng, hoàn thiện thể chế chưa theo kịp sự phát triển của KTXH. Công tác quy hoạch còn chậm và nhiều vướng mắc; giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu; quản lý tài sản công, đất đai, tài nguyên còn lãng phí, tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được cải thiện…

Thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công

Trước diễn biến tình hình trong nước và quốc tế, Phó Thủ tướng thừa nhận, việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6% - 6,5% là thách thức rất lớn. Để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ; tập trung kiểm soát dịch COVID-19 và phục hồi nhanh, phát triển KTXH bền vững.

Khẩn trương triển khai các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, nhất là vấn đề đất đai, kinh tế tập thể, hợp tác xã, nông nghiệp, nông dân và nông thôn; khẩn trương hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đất đai 2013.

Quốc hội nghe báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội

Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác nhằm tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và kiểm soát lạm phát. Đẩy mạnh tăng thu NSNN bền vững, triệt để tiết kiệm chi, đặc biệt là chi sự nghiệp có tính chất đầu tư.

“Đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh cùng yêu cầu tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, bảo đảm phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững.

Nhiệm vụ tiếp theo, ông Thành cho biết, là triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm hiệu quả. Kiên quyết điều chuyển vốn đầu tư công năm 2022 của các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương chậm triển khai cho các đơn vị, dự án khác có khả năng hoàn thành sớm, phát huy hiệu quả.

Phó thủ tướng cũng đề cập đến nhiệm vụ đẩy nhanh việc hoàn thành thủ tục và giải ngân 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về danh mục dự án sử dụng nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển KTXH.

Liên quan đến phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung cao độ cho triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, tạo động lực mới cho sự phát triển; phấn đấu đến cuối năm 2022 hoàn thành 361 km đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1; trong quý IV năm 2022, khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 và khởi công đường băng, nhà ga cảng hàng không quốc tế Long Thành...

Dự kiến đến cuối năm 2022, sẽ đưa vào hoạt động 04 dự án thành phần của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và khởi công nhà ga, cảng hàng không quốc tế Long Thành; hoàn thành, đưa vào vận hành thương mại nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Trình Quốc hội xem xét, quyết định 05 dự án trọng điểm quốc gia có tính liên kết vùng. Các tuyến đường bộ cao tốc: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội.

Tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế để theo kịp sự phát triển của KTXH, tăng cường cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, chủ động có giải pháp ứng phó với các dịch bệnh mới phát sinh… cũng là những nhiệm vụ được Chính phủ đặt ra.

Chính phủ cũng sẽ hoàn thiện để ban hành quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động theo hợp đồng, áp dụng từ tháng 7/2022; quan tâm hơn nữa thực hiện hiệu quả việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…

Đề cập đến việc quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành liên quan và các địa phương khẩn trương và chủ động thực hiện nghiêm túc, dứt điểm các kết luận thanh tra, kiểm tra về đất đai; rà soát, xử lý các dự án chậm triển khai, tồn đọng nhiều năm, sớm đưa vào khai thác phục vụ phát triển KTXH…

Bình luận (0)

Lên đầu trang