Đề nghị Lịch sử là môn học bắt buộc đối với cấp trung học phổ thông

Thứ Tư, 25/05/2022 18:50

|

(CAO) Đề nghị trên được Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục đưa ra sau khi lắng nghe kiến nghị từ cử tri, Nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo. Đề nghị này sẽ được xin ý kiến cấp có thẩm quyền trong thời gian tới.

Giảm kiến thức hàn lâm

Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục vừa báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với môn Lịch sử cấp trung học phổ thông. Ký báo cáo này, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phân tích, khi môn Lịch sử cấp trung học phổ thông là môn học lựa chọn sẽ có 3 khả năng xảy ra.

Nếu học sinh lựa chọn môn Lịch sử là một trong 5 môn học lựa chọn, học sinh sẽ học tổng thời lượng 210 tiết/3 năm học (tăng 70 tiết so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006).

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh

Nếu học sinh lựa chọn môn Lịch sử là một trong 5 môn học lựa chọn, đồng thời lựa chọn chuyên đề học tập là môn Lịch sử, học sinh sẽ học tổng thời lượng 315 tiết/3 năm học (tăng 175 tiết so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006).

Nếu học sinh không lựa chọn môn Lịch sử thì không học thêm tiết nào. Kiến thức phổ thông dừng lại ở kiến thức chương trình tiểu học, trung học cơ sở và tích hợp ở một số môn học khác. Về thời lượng học ít hơn Chương trình giáo dục phổ thông 2006 là 140 tiết.

Đề cập đến nội dung, ông Vinh thông tin, so với Chương trình môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2006, Chương trình môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo hướng tinh giản, giảm những kiến thức mang tính hàn lâm.

Nội dung học cũng chú trọng đến việc hình thành năng lực và phẩm chất cho học sinh; chú trọng đổi mới về phương pháp và hình thức dạy học, kiểm tra, đánh giá; khuyến khích tự học, học tập chủ động, sáng tạo của học sinh (giảm về khối lượng nội dung, chi tiết các sự kiện lịch sử).

Ở bậc trung học phổ thông (từ lớp 10 đến lớp 12), nội dung môn Lịch sử được thiết kế theo hệ thống các chủ đề, chuyên đề học tập, giúp học sinh hình thành, phát triển tư duy lịch sử, tư duy hệ thống, tư duy phản biện, kĩ năng khai thác và sử dụng các nguồn sử liệu, nhận thức và trình bày lịch sử trong logic lịch đại và đồng đại, kết nối quá khứ với hiện tại.

“Những kiến thức và năng lực đánh giá, giải thích, xác định bài học, tìm ra các quy luật của sự kiện lịch sử này rất cần được trang bị cho học sinh thông qua môn Lịch sử bắt buộc ở Chương trình trung học phổ thông” - ông Vinh báo cáo.

Môn học đặc biệt quan trọng trong chương trình giáo dục

Vẫn theo ông Vinh, qua kết quả tổng hợp kiến nghị của cử tri, Nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo, đa số các ý kiến không đồng tình đối với việc đưa môn Lịch sử cấp trung học phổ thông thành môn lựa chọn. Lý do, lịch sử là môn học đặc biệt quan trọng, giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng đối với thế hệ trẻ; giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hóa, lịch sử; bồi dưỡng năng lực tư duy, hành động, thái độ ứng xử đúng đắn trong đời sống xã hội; từ đó hình thành những phẩm chất của công dân Việt Nam, công dân toàn cầu trong xu thế phát triển của thời đại.

Xét về tâm sinh lý lứa tuổi, học sinh trung học phổ thông (từ 15 đến 17 tuổi) có sự trưởng thành về nhận thức, khả năng tiếp nhận tốt hơn về lịch sử đất nước và lịch sử cách mạng Việt Nam. Đây cũng là lứa tuổi quyết định sự hình thành thế giới quan, hệ thống quan điểm về tự nhiên, về xã hội, về các nguyên tắc và quy tắc ứng xử, định hướng giá trị của con người.

Về khoa học giáo dục, việc bồi dưỡng kiến thức lịch sử cho học sinh trung học phổ thông là cần thiết nhằm phát triển con người toàn diện, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của con người Việt Nam. Tuy nhiên, nếu học sinh không lựa chọn môn lịch sử ở cấp trung học phổ thông (thực tiễn cho thấy, số lượng này có thể lên tới 50% học sinh), các em sẽ không được tiếp cận với những kiến thức rất quan trọng, có ý nghĩa giáo dục đối với lứa tuổi này...

Cho biết sẽ xin ý kiến các cấp có thẩm quyền trong thời gian tới về việc này, ông Vinh nêu quan điểm, môn Lịch sử cần được xác định vị trí đặc biệt quan trọng trong Chương trình giáo dục phổ thông, đồng thời bảo đảm mục tiêu “chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống văn hóa, lịch sử,…”, hình thành nhân cách, lòng yêu nước và sự hiểu biết, nhận thức về truyền thống dân tộc của học sinh và cho thế hệ trẻ.

Vì vậy, theo ông Vinh, cần tiếp thu ý kiến đông đảo của cử tri, các tầng lớp Nhân dân theo hướng quy định môn Lịch sử là môn học bắt buộc đối với cấp trung học phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với khối lượng kiến thức phù hợp; thiết kế bao gồm khối lượng kiến thức lịch sử (phần bắt buộc) và khối lượng kiến thức định hướng nghề nghiệp (phần lựa chọn).

Uỷ ban đề nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo tiếp thu ý kiến các tầng lớp Nhân dân, ý kiến đội ngũ chuyên gia lịch sử, các đại biểu Quốc hội, quy định môn học Lịch sử cấp trung học phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là môn học bắt buộc với khối lượng kiến thức phù hợp; tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và cách thức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục đối với môn học Lịch sử; đồng thời truyền cảm hứng cho học sinh yêu thích môn Lịch sử.

Bình luận (0)

Lên đầu trang