Tăng lương tối thiểu vùng là rất cấp thiết

Thứ Tư, 25/05/2022 15:00

|

(CAO) Giá cả tăng cao tác động tới từng bữa ăn của người dân, đồng lương mà người lao động nhận được không đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày...

Ghi nhận những kết quả phục hồi rõ nét trên tất cả những lĩnh vực tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội sáng nay (25/5), đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nhấn mạnh, sự chỉ đạo, điều hành phù hợp đã giúp nền kinh tế từ tăng trưởng âm đã tăng trưởng dương và 5 tháng đầu năm 2022 ở TPHCM.

“Chỉ số CPI vẫn được kiểm soát dưới 4% trong liên tiếp 7 năm là thành quả rất lớn, góp phần ổn định kinh tế vi mô. Thu ngân sách tăng 16,8% đã kéo giảm bội chi ngân sách nên nợ công cũng thấp hơn so với đầu năm” – ông Ngân chứng minh.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu ý kiến thảo luận

Dù vậy, với độ mở kinh tế lớn (180% so với GDP và là 1 trong 5 quốc gia có độ mở lớn), đại biểu Ngân cảnh báo Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức trong bối cảnh không thuận lợi như hiện nay, nhất là cuộc xung đột Nga – Ukraine khiến giá dầu tăng cao, chính sách zero Covid của Trung Quốc dẫn đến khó khăn nguồn nguyên vật liệu...

“Việt Nam xuất siêu nhưng phần lớn từ khu vực FDI nên vốn nước ngoài có vấn đề và hiện đang có vấn đề thì thách thức với chúng ta thời gian tới” – đại biểu Ngân nhận định.

Lo ngại trước tình trạng giá xăng dầu liên tục tăng cao, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị Chính phủ, Quốc hội cần có tiếng nói để nhanh chóng kiểm soát ngay giá mặt hàng này.

“Chấp nhận theo cơ chế thị trường nhưng ta có công cụ kiểm soát, kìm hãm độ tăng giá xăng dầu như tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, rồi thuế tiêu thụ đặc biệt không có lý do gì đánh trong thời điểm hiện nay khi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu” – ông Ngân nêu quan điểm.

Vẫn theo đại biểu, việc này Quốc hội phải có ý kiến và kỳ họp này, nếu được thì Quốc hội nên đưa vấn đề vào xem xét, có thể dành một buổi tối trong tuần để bàn.

“Không kiểm soát giá xăng dầu thì sẽ domino tăng giá đến các mặt hàng khác, tác động đến từng bữa ăn của người dân trong khi sau hơn 2 năm dịch bệnh lấy đi hết tiết kiệm của họ, và hiện người dân rất khó khăn” – ông Trần Hoàng Ngân nói.

Thông tin về kết quả kinh tế - xã hội TPHCM những tháng đầu năm, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, sản xuất công nghiệp đã tăng 2,6%, đây là tháng thứ tư tăng trưởng dương liên tục, sau khoảng thời gian rất dài là âm.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thảo luận

“Nhìn vào con số thấy đơn giản như thế nhưng đó là cả một nỗ lực lớn” – ông Mãi khẳng định và bày tỏ niềm tin về dư địa nội lực của TP cũng như những nỗ lực, giải pháp thời gian qua đã đúng hướng.

Tuy nhiên, lãnh đạo TPHCM thừa nhận, các ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn tăng hơi chậm. “Đây là việc chúng ta cần nhận diện để có giải pháp tháo gỡ nhiều hơn nữa, mạnh hơn nữa, để các ngành công nghiệp chủ lực tăng trưởng nhanh hơn” – ông Mãi nêu vấn đề.

Đánh giá về sự phục hồi chậm của khu vực bất động sản, âm 12,6%, ông Mãi lý giải bên cạnh nguyên nhân do dịch bệnh còn có những tác động mới từ những tháng đầu năm này.

“Khi chúng ta siết tín dụng vào bất động sản, có hay không chuyện chúng ta đập con chuột mà không làm bể bình, hay là đã bể bình rồi?” – Chủ tịch UBND TPHCM thắc mắc. Theo ông, siết tín dụng vào bất động sản phải làm sao cho đúng, để tránh ảnh hưởng đến các dự án bất động sản cần tiếp tục được triển khai.

“Việc này tác động rất lớn vào kinh tế, xã hội. Đây là vấn đề cần phải phân tích” – ông Mãi bình luận, đồng thời lưu ý các giải pháp đưa ra phải có cái trước mắt, cái lâu dài và hết sức căn cơ, bài bản, nếu không sẽ gặp khó khăn trong thời gian sắp tới.

Nhận định các doanh nghiệp tuy có phục hồi nhưng đang chịu sức ép rất lớn về thủ tục hành chính, cung lao động, giá cả gia tăng của các nguồn đầu vào, ông Phan Văn Mãi lưu ý điều này đã tạo ra những áp lực rất lớn cho DN… “Chúng ta cần phải tập trung nhận diện, tháo gỡ, đặc biệt là triển khai chương trình phục hồi kinh tế đồng bộ hơn, nhanh hơn để các sự hỗ trợ này thực sự đến được với doanh nghiệp và đi vào cuộc sống” – ông Mãi nói.

Đề nghị Trung ương, Chính phủ hết sức quan tâm cho vấn đề xã hội và các hỗ trợ để bảo đảm an sinh xã hội, ông Mãi cho biết, từ quý 2, TPHCM đã nhận ra việc giá cả tăng tác động đến một bộ phận người dân, nhất là những người thu nhập thấp.

“6 tháng cuối năm, chắc chắn tác động này không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung, đến doanh nghiệp mà còn đến từng gia đình, từng con người, nhất là những công nhân lao động, sinh viên- những người có thu nhập thấp trong xã hội” – ông Mãi dự báo.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thuý đề nghị cấp thiết tăng lương tối thiểu

Phản ánh khó khăn của người lao động tới nghị trường, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM Trần Thị Diệu Thuý cho rằng, tiền lương hiện tại không đủ để người lao động trang trải cuộc sống. Bà Thuý kiến nghị Chính phủ sớm cho chủ trương tăng lương tối thiểu vùng.

“Hội đồng tiền lương quốc gia đã chốt tăng lương tối thiểu vùng lên 6%, mức tăng dù không nhiều nhưng thể hiện sự quan tâm đối với người lao động” – bà Thuý bình luận.

Song với chỉ số trượt giá cao như hiện nay, mức lương mà người lao động nhận được sau tăng cũng không đáng kể.

“Một dĩa cơm nay đã tăng 30% rồi. Trượt giá như vậy thì mức lương mà người lao động nhận được vẫn còn quá thấp” – bà Thuý chỉ ra và nhấn mạnh tính cấp thiết của việc tăng lương tối thiểu vùng trong năm nay, làm nền tảng cho việc tiếp tục tăng lương tối thiểu vùng trong năm tới, để tiệm cận hơn với cuộc sống của người lao động.

Bình luận (0)

Lên đầu trang