Thể chế không vướng, vì sao tiền vẫn không giải ngân được?

Thứ Tư, 25/05/2022 15:44

|

(CAO) Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ băn khoăn trước tình trạng chậm trễ trong giải ngân vốn thời gian qua.

Gợi mở thảo luận tại phiên họp tổ sáng 25/5 về tình hình kinh tế - xã hội, quyết toán NSNN, tiết kiệm, chống lãng phí và Nghị quyết 42/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu hiến kế làm sao để tăng trưởng năm nay đạt được 6-6,5% như Quốc hội đã quyết định.

“Năm trước, khi báo cáo Quốc hội thì GDP tăng 2,91% nhưng sau đó báo cáo chính thức là 2,58% thôi. Trong khi ngân sách tăng gấp 9 lần số dự toán, còn tăng trưởng thì giảm đi” - Chủ tịch Quốc hội phản ánh. Theo ông, năm nay, điều quan trọng nhất là tăng trưởng đạt được 6,5% và cao hơn (nhờ hỗ trợ của Chương trình phục hồi).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu ý kiến thảo luận tại tổ ngày 25/5

Cho rằng năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế và chi tiêu nhân sách là “rất đáng lo”, khi mà một năm chuyển nguồn đến 600 - 700 nghìn tỷ, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, "phải bàn vì sao mà lại thế này, phải chăng là không chuẩn bị đầu tư. Ai lại một năm chuyển nguồn tới hơn 600-700.000 tỷ”.

“Không tiêu được tức là có của năm đó rồi nhưng không tiêu được phải chuyển sang năm sau, rồi lại năm sau nữa, chứ không phải không có tiền. Cái này là cái hiện nay Chính phủ cũng băn khoăn, Quốc hội cũng băn khoăn" - Chủ tịch Quốc hội phân tích.

Sốt ruột vì năm trước giải ngân đầu tư công chỉ đạt hơn 70%, Chủ tịch Quốc hội phàn nàn, danh mục dự án phân bổ vốn của gói kích thích kinh tế 347 ngàn tỷ Quốc hội quyết định ở kỳ họp bất thường thì hôm qua mới có, nhưng cũng chỉ có tên, trong đó 14 ngàn tỷ đầu tư cho y tế còn chưa có danh mục. Chương trình “Sóng và máy tính cho em” có tiền rồi cũng không tiêu được.

"Trong mua sắm có tỉnh mời cả đại diện Ban Nội chính, thanh tra, công an vào hội đồng, nhưng mời thế có khi chả hợp lý đâu, ý là muốn cho minh bạch nhưng vẫn không chi tiêu được. Có tiền mà không tiêu được, cái này là băn khoăn nhất của Trung ương" - Chủ tịch Quốc hội tái khẳng định.

Khái quát lại, lãnh đạo Quốc hổi chỉ ra, "thể chế không vướng”. “Trong mua sắm thì đã ban hành cơ chế đặc thù, đặc cách, đặc biệt, cho cả chỉ định thầu trong xây lắp là hết cỡ rồi, không còn gì mà mở nữa, mở hết sạch rồi, vậy mà sao tiền vẫn không tiêu được?” – Chủ tịch Quốc hội nêu câu hỏi.

Phản ánh gói phục hồi kinh tế sau đại dịch triển khai rất chậm, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho biết, địa phương rất lo và lãnh đạo địa phương phản ánh thủ tục giải ngân từ trên xuống rất khó khăn. Bà Bé đề nghị Chính phủ cần quan tâm, sớm triển khai thực hiện cho tốt gói hỗ trợ đó, để thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc tham gia thảo luận

Với việc đất nước vừa trải qua đại dịch, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, vấn đề cốt lõi là làm thế nào để tăng năng lực cho nền kinh tế. Muốn vậy, theo ông Phớc, phải phát triển được sức sống của doanh nghiệp, là động lực quan trọng nhất để phục hồi và phát triển kinh tế.

“Mọi cấp, ngành phải tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, chính sách vốn, tiếp cận đất đai… để thúc đẩy doanh nghiệp, tạo được tiện ích cho doanh nghiệp” – ông Phớc nêu quan điểm.

Vẫn theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, cần tập trung đẩy mạnh các tuyến đường cao tốc, đường đi đến đâu thì trăm nghề phát triển đến đó. Nếu có đường sẽ phát triển được nhiều ngành nghề, giải quyết vùng nguyên liệu, thu hút đầu tư.

Để chống lạm phát, Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ ra, trong giai đoạn hiện nay, các cấp, ngành phải tập trung vào giải phóng mặt bằng (GPMB), thúc đẩy sản xuất, và tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư công hoàn thành. Thế nhưng, đầu tư công hiện có nhiều vướng mắc. Nêu ví dụ việc tách dự án GPMB ra khỏi dự án đầu tư công, Bộ trưởng Phớc nhấn mạnh đây là một yêu cầu bức thiết. Thế nhưng luật Đầu tư công lại đang gói hết lại.

“Cứ nói Luật Đầu tư công là tiên tiến…, nhưng thực ra là dở, ở góc nhìn của tôi, tôi cho rằng có rất nhiều hạn chế” – ông Phớc thẳng thắn.

Phân tích kỹ việc này, Bộ trưởng Tài chính cho biết, GPMB nằm trong phần chuẩn bị đầu tư phải làm trước. Nếu gom toàn bộ việc GPMB vào trong dự án thì khi phê duyệt dự án xong mới GPMB. “GPMB thường chỉ giao huyện làm, tỉnh không làm, qua huyện nào huyện đó làm, vậy tách ra để bố trí trước vốn để làm vì GPMB rất lâu, không chỉ 1, 2 tháng, thậm chí mất nhiều năm, rất phức tạp, nhiều khiếu nại, mà không thể lúc nào cũng cưỡng chế. Đây là vướng mắc mà chúng tôi cho rằng phải tách ra để làm thì mới đúng” – Bộ trưởng nêu vấn đề.

Nhấn mạnh “công trình muốn nhanh hay chậm, cốt ở GPMB”, ông Hồ Đức Phớc khẳng định: “Khi nhà thầu đấu thầu xong, GPMB rồi làm rất nhanh. Công trình bàn giao nhanh đưa vào sử dụng thì hiệu quả càng tốt. Nếu công trình cứ kéo dài ra, năm này qua năm khác thì làm lỗ, doanh nghiệp lỗ thì sức sống của nền kinh tế giảm đi”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang