(CAO) Cơ quan thanh tra cấp huyện không chỉ thực hiện chức năng thanh tra mà còn giúp UBND thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…
Trình Quốc hội dự luật Thanh tra (sửa đổi) sáng nay (26/5), Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, dự thảo đã đưa ra những nguyên tắc để phân định giữa kiểm tra và thanh tra.
Kiểm tra, theo dự luật, là hoạt động thường xuyên của Thủ trưởng cơ quan nhà nước. Thanh tra là hoạt động được tiến hành khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật (thanh tra đột xuất) hoặc các lĩnh vực, đối tượng được nhận định là có biểu hiện, nguy cơ vi phạm pháp luật thông qua công tác quản lý được xác định trong kế hoạch thanh tra hàng năm.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình Quốc hội dự luật Thanh tra (sửa đổi)
Về tổ chức, chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính. Đáng chú ý, sau khi nhận được nhiều ý kiến góp ý, ban soạn thảo dự Luật đã giữ nguyên quy định về Thanh tra huyện.
“Khi đề xuất chính sách xây dựng Luật Thanh tra (sửa đổi), cơ quan chủ trì soạn thảo đã đề xuất không tổ chức Thanh tra huyện" – ông Phong thông tin.
Tuy nhiên, quá trình xây dựng, hoàn thiện dự án Luật, ông Phong cho hay, nhiều ý kiến cho rằng, huyện là một cấp chính quyền quan trọng. Cơ quan thanh tra hiện nay không chỉ thực hiện chức năng thanh tra mà còn có trách nhiệm giúp UBND thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Mặt khác, nếu không tổ chức Thanh tra huyện thì Thanh tra tỉnh cũng phải tăng thêm biên chế và tổ chức thêm các phòng chuyên môn phụ trách thanh tra địa bàn các huyện khi có yêu cầu, nên thực tế việc tinh giản bộ máy cũng không đáng kể.
Vì những lẽ trên, dự thảo Luật đã tiếp thu các ý kiến và giữ nguyên quy định về Thanh tra huyện trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).
Tuy nhiên, để khắc phục những bất cập hiện nay trong tổ chức và hoạt động của Thanh tra huyện đã được chỉ ra trong Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thanh tra, ông Phong nhấn mạnh, cần tăng cường về tổ chức, biên chế cho các cơ quan Thanh tra huyện nhằm đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Đề cập đến tổ chức, chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực, Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo, Luật hiện hành quy định một Bộ chỉ có một tổ chức thanh tra, các tổng cục, cục chỉ được giao chức năng thanh tra chuyên ngành mà không có tổ chức thanh tra độc lập.
Song thực tế cho thấy, nhiều bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực có những tổng cục, cục có chức năng quản lý nhà nước và nhu cầu thanh tra lớn, nhưng do Luật không cho phép thành lập tổ chức thanh tra nên đã tổ chức thành các đơn vị tham mưu về công tác thanh tra - không có đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra nên hoạt động gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Từ lập luận trên dự thảo Luật quy định: “Thanh tra tổng cục, cục được thành lập theo yêu cầu quản lý, trong những lĩnh vực mà pháp luật chuyên ngành có quy định, hoặc theo quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”.
“Việc thành lập cơ quan thanh tra ở một số tổng cục, cục thuộc bộ về cơ bản không làm phát sinh về tổ chức, biên chế, không làm phát sinh chi phí, nguồn lực khi triển khai thực hiện quy định này” - Tổng Thanh tra Chính phủ nhì nhận.
Phản ánh thực tế, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ chỉ ra, một số tổng cục, cục vẫn có tổ chức và đội ngũ công chức làm thanh tra chuyên trách, nhưng do Luật Thanh tra 2010 quy định không tổ chức thanh tra độc lập nên đã tổ chức thành các vụ, cục, phòng thanh tra và có thêm một vài nhiệm vụ khác.
Vẫn theo ông Phong, việc có thêm thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ cũng không gây nguy cơ chồng chéo giữa thanh tra bộ và thanh tra tổng cục, cục vì dự thảo Luật quy định mỗi Bộ chỉ có một kế hoạch thanh tra chung, được tổng hợp từ đề nghị của các tổ chức thanh trong bộ, trình Bộ trưởng phê duyệt và có nguyên tắc xử lý khi xảy ra chồng chéo.