Mở rộng hệ thống đường dây nóng với các nước trong phòng chống ma túy

Thứ Năm, 26/05/2022 16:40  | Thanh Hoà

|

(CAO) Đây là đề nghị của Văn phòng thường trực Chương trình quốc gia phòng, chống ma túy và hợp tác quốc tế (gọi tắt Văn phòng Thường trực) nhằm phục vụ cho công tác đấu tranh với các đường dây tội phạm ma tuý (TPMT) xuyên quốc gia và là cầu nối để Việt Nam tham gia các chuyên án quốc tế lớn.

Nhiều khó khăn, thách thức

Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết, thời gian qua, do chịu tác động trực tiếp từ thế giới và khu vực, đặc biệt là các nước láng giềng, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta tiếp tục diễn biến rất phức tạp.

Nguồn ma túy xâm nhập vào Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn từ nước ngoài, nhất là từ khu vực Tam giác Vàng được mua bán, vận chuyển về nội địa tiêu thụ hoặc tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba qua các tuyến biên giới đường bộ, đường hàng không, đường biển.

Đáng lưu ý, lượng ma túy tổng hợp từ Lào, Campuchia được vận chuyển vào Việt Nam tiếp tục gia tăng đột biến so với những năm trước. Lực lượng chức năng đã phát hiện, triệt phá nhiều vụ vận chuyển ma túy với quy mô, số lượng lớn.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cùng đoàn đại biểu tham dự Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma túy lần thứ 7, tại điểm cầu Hà Nội.

TPMT mang tính quốc tế, hình thành các đường dây mua bán, vận chuyển xuyên quốc gia. Các đối tượng người nước ngoài cầm đầu, câu kết với đối tượng trong nước hình thành các đường dây vận chuyển ma túy tinh vi.

Thực tiễn cho thấy, việc đấu tranh với loại tội phạm này hiện đang đặt ra nhiều thách thức cho lực lượng chức năng và không một quốc gia nào có thể đơn độc đấu tranh có hiệu quả với TPMT, vì vậy, cần có sự hợp tác chặt chẽ của các nước trong phòng, chống ma túy.

Trước tình hình đó, để đấu tranh hiệu quả với TPMT, được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Công an, lãnh đạo Cục C04 đã sát sao chỉ đạo tăng cường công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy. Mặc dù trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 nhưng công tác hợp tác quốc tế thời gian qua vẫn phát huy vai trò, hiệu quả của mình, đa dạng hóa các hình thức hợp tác và đạt một số kết quả nhất định.

Hiện Việt Nam đã thiết lập và hoạt động hiệu quả hệ thống đường dây nóng thông tin trao đổi với một số nước, đối tác quan trọng như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Úc, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), các nước ASEAN.

Cục C04 cũng đã đề xuất tham gia các chuyên án lớn của thế giới (chiến dịch Trojan của FBI Hoa Kỳ và AFP Úc); ngoài ra, còn tích cực kêu gọi tài trợ trang thiết bị, phương tiện, sửa chữa nâng cấp Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ điều tra tội phạm về ma túy, kinh phí hoạt động nghiệp vụ cho lực lượng cảnh sát điều tra ma túy trong nước với số tiền hơn 1 triệu USD trong năm 2021 tại Cửa Lò – Nghệ An.

Thúc đẩy hợp tác có hiệu quả, thực chất với các nước có chung đường biên giới với việc tham mưu xây dựng các Kế hoạch hợp tác song phương về phòng, chống ma túy với Lào và Trung Quốc và cơ chế hợp tác của 21 Văn phòng liên lạc qua biên giới (BLO); quan hệ chặt chẽ với các đối tác lớn tranh thủ sự ủng hộ các đối tác đố với chính sách phòng, chống ma túy của Việt Nam; thực hiện tích cực các nghĩa vụ của Việt Nam trong các khuôn khổ hợp tác đa phương, diễn đàn thế giới về kiểm soát ma túy…

Cảnh sát thu giữ 90 kg ketamin cất giấu trong dạ dày lợn ở kho hàng (huyện Thường Tín, TP. Hà Nội) do đối tượng người Đài Loan thuê.

Cần mở rộng hợp tác

Tuy nhiên, theo Văn phòng Thường trực, hiện nay, công tác hợp tác quốc tế vẫn còn một số tồn tại. Theo đó, việc triển khai một số Hiệp định, Biên bản Thỏa thuận hợp tác về phòng, chống ma túy gặp khó khăn hoặc chưa thực sự triển khai hiệu quả do phụ thuộc vào tinh thần hợp tác, khả năng đáp ứng và nhu cầu của một số nước.

Cơ chế trao đổi thông tin qua đường dây nóng chưa được mở rộng, nhất là tại địa bàn Châu Âu. Một số trường hợp xác minh thông tin phải thông qua kênh thứ ba nên thông tin bị chậm hoặc đã được xử lý tin trước khi C04 nhận được trả lời.

Bên cạnh đó, công tác nắm tình hình, phối hợp trao đổi thông tin với các nước còn yếu do công tác nghiệp vụ cơ bản ở địa bàn khu vực giáp biên còn nhiều hạn chế. Việc nghiên cứu, tổng hợp, phân tích tình hình, các xu hướng về ma túy trong khu vực và thế giới phần nào còn chưa được chủ động, chuyên sâu, khiến cho việc xây dựng chiến lược, kế hoạch hợp tác chưa thực sự linh hoạt, phù hợp với diễn biến và các xu thế của tình hình khu vực và thế giới, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ phối hợp đấu tranh ở trong nước và với các nước khác trong khu vực cũng như trên thế giới.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Chính phủ các nước có xu hướng cắt giảm ưu tiên chính sách cho công tác phòng, chống ma túy. Bên cạnh đó, tình hình chính trị diễn biến phức tạp tại các khu vực sản xuất ma túy sẽ tác động mạnh đến tình hình ma túy thế giới và khu vực.

Nguy cơ các tổ chức TPMT xuyên quốc gia tiếp tục sử dụng đường hàng không, đường biển, đường bộ để vận chuyển ma túy số lượng lớn qua Việt Nam sẽ vẫn là xu hướng thời gian tới. Nhằm ngăn chặn ma túy vận chuyển, buôn bán từ nước ngoài vào Việt Nam, Văn phòng Thường trực đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống ma túy trong tình hình mới.

Theo đó, đầu tiền là cần thiết lập, tăng cường, mở rộng hợp tác tại địa bàn Châu Âu. Hiện nay, nổi lên tình trạng vận chuyển ma túy qua đường hàng không từ khu vực Châu Âu về Việt Nam và ngược lại. Đồng thời, tình hình người Việt tham gia các tổ chức vận chuyển ma túy xuyên quốc gia và trồng cây cần sa tại Châu Âu đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp.

Lễ ký “Bản ghi nhớ về hợp tác PCMT” giữa Bộ Công an hai nước Việt Nam - Lào, nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Lào, ngày 9/8/2021.

Tuy nhiên, tình hình hợp tác với một số nước đang gián đoạn, chưa tương xứng với mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước, nhất là trong bối cảnh chính sách ma túy của những nước này đang có những thay đổi lớn.

Thời gian gần đây, Anh cũng nổi lên là địa bàn mà các tổ chức TPMT xuyên quốc gia lợi dụng để buôn lậu ma túy, xuất nhập cảnh trái phép của người Việt; đồng thời, cũng cần mở rộng hệ thống đường dây nóng với các nước, đối tác trong phòng chống ma túy.

Hiện nay, Văn phòng Thường trực đã tham mưu, báo cáo Lãnh đạo Bộ Công an thiết lập đường dây nóng và thường xuyên hoạt động với nhiều nước như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Hoa Kỳ, Úc, Campuchia, Lào, UNODC và một số nước trong khối ASEAN.

Hệ thống đường dây nóng đến nay đã phát huy hiệu quả tích cực, phục vụ cho công tác đấu tranh với các đường dây TPMT xuyên quốc gia thời gian qua, là cầu nối để Việt Nam tham gia các chuyên án quốc tế lớn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang