Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022 tổ chức tại TPHCM, hơn 600 đại biểu tham dự

Chủ Nhật, 05/06/2022 16:10

|

(CAO) Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 năm 2022 đã chính thức được khai mạc tại TPHCM. Hơn 600 đại biểu là chuyên gia, doanh nghiệp, cùng lãnh đạo cấp cao nhà nước tham dự diễn đàn.

Sáng nay (5/6), với chủ đề "Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới", Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 4 năm 2022 đã chính thức được khai mạc tại TPHCM. Hơn 600 đại biểu là chuyên gia, doanh nghiệp, cùng lãnh đạo cấp cao nhà nước tham dự diễn đàn.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, buổi sáng các đại biểu đã tập trung thảo luận và đóng góp ý kiến vào 03 hội thảo chuyên đề được tổ chức song song.

Toàn cảnh Diễn đàn

Bài học về quản lý lao động qua đại dịch COVID-19 tại TPHCM

Được xác định là một trong những trụ cột quan trọng góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội thảo chuyên đề 1 “Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch covid-19” dưới sự chủ trì của Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An; Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh; Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức; Giám đốc ILO Việt Nam Ingrid Christensen tập trung vào một số nội dung quan trọng như: giải pháp phát triển thị trường lao động của Việt Nam trong hội nhập; những vấn đề đặt ra cần hoàn thiện chính sách quản trị quốc gia về lao động sau đại dịch COVID-19; hoàn thiện pháp luật nhằm giảm tỷ lệ lao động phi chính thức sau đại dịch COVID-19…

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 năm 2022 là nơi trao đổi ý kiến và chia sẻ quan điểm giữa những người làm chính sách, đại diện các Ban, Bộ, ngành, Trung ương và địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, doanh nghiệp và đại diện của một số tổ chức quốc tế nhằm có thêm căn cứ tham mưu cho Đảng, Nhà nước về các chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh bình thường mới.

Chia sẻ bài học kinh nghiệm về quản lý lao động qua đại dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM tại chuyên đề này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đánh giá, qua đại dịch COVID-19, một số hạn chế về quản lý lao động được bộc lộ rõ hơn. Trong đó, cơ sở dữ liệu theo dõi, quản lý nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, nhất là khi TP triển khai các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội từ Trung ương tới địa phương. Chính quyền cơ sở phải mất thời gian để thống kê, lập danh sách các đối tượng bị ảnh hưởng, mà không có sẵn dự liệu quản lý, đặc biệt là dữ liệu liên quan đến lao động nhập cư, lao động trong khu vực phi chính thức.

Cùng với đó, công tác dự báo thông tin thị trường lao động vẫn còn hạn chế do hệ thống dữ liệu đầu vào không đầy đủ, kịp thời, việc phối hợp cung cấp thông tin giữa các ngành, địa phương còn rời rạc, các tiêu chí thu thập thông tin không thống nhất, đồng bộ.

 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức trình bày tham luận

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức chỉ ra, một trong những mặt trọng yếu của quản lý lao động chính là công tác chăm lo, hỗ trợ người lao động; vấn đề nhà ở là một nhu cầu bức thiết, nhất là đối với người lao động ngoại tỉnh trong thời gian dịch bệnh bùng phát.

Liên quan đến hài hoà quan hệ lao động trong các doanh nghiệp, theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM, mặc dù trong thời điểm TPHCM thực hiện giãn cách xã hội, một số doanh nghiệp buộc phải giảm quy mô, lao động nhưng vẫn thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ lương cơ bản, đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho nhân viên, lao động. Điều này đã giúp cho doanh nghiệp giữ chân người lao động chờ ngày được phép hoạt động bình thường, không để bị đứt gãy nguồn lao động.

Để nâng cao chất lượng công tác quản lý, thu hút nguồn lao động đáp ứng yêu cầu phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức đề cập đến 4 giải pháp trọng tâm:

Thứ nhất, trong tạo lập cơ sở dữ liệu cung – cầu lao động, cần có sự thống nhất đầu mối từ cấp Trung ương trong hệ thống hoá, đồng bộ về số liệu, thay đổi phương pháp thực hiện trong thống kê, quản lý dân cư, đặc biệt là lao động nhập cư tạm trú. Quy định trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cần chủ động trong việc cung cấp thông tin chính xác, kịp thời khi có thay đổi về tình trạng lao động – việc làm trên hệ thống cơ sở dữ liệu về cung – cầu lao động.

Thứ hai, tập trung đào tạo, bồi dưỡng kĩ năng nghề nghiệp, hạn chế tối đa lượng lao động không có tay nghề. Xây dựng các chương trình, chính sách khuyến khích, thu hút thanh niên và lao động trẻ, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao giá trị hành nghề. Khuyến khích các doanh nghiệp chủ động có chương trình bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho người lao động, thay đổi tư duy sử dụng lao động giá rẻ, thâm dụng lao động.

Thứ ba, quan tâm đến các dịch vụ xã hội như xây dựng nhà ở giá rẻ cho người lao động thuê hoặc mua, chăm sóc y tế, phúc lợi xã hội. Đẩy mạnh liên kết vùng điều tiết cung cầu lao động, việc kết nối thông tin thị trường lao động cần có sự phối hợp giữa các tỉnh, thành phố. Hỗ trợ lao động làm việc trong khu vực phi chính thức tiếp cận vay vốn từ Quỹ quốc gia việc làm, quỹ xoá đói giảm nghèo,…

Thứ tư, thúc đẩy hoạt động đối thoại và thương lượng tập thể. Tổ chức nghiên cứu, xây dựng, cung cấp thông tin, dữ liệu về tiền lương, thu nhập và điều kiện lao động khác tại một số nhóm doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Vận động, thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội đối với người lao động, thông qua việc tăng cường chế độ phúc lợi người lao động; quan tâm đến người lao động làm công việc giản đơn, lao động ngoại tỉnh làm việc trong khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghiệp.

Các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi tại Diễn đàn 

Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TPHCM

Với chủ đề “Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản”, hội thảo chuyên đề 2 nhằm giúp các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu và các cơ quan hoạch định chính sách chia sẻ những góc nhìn khác nhau để giúp các cơ quan quản lý có được những chính sách tối ưu giúp phát triển hai thị trường nhân tố trọng yếu này. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong; Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chủ trì hội thảo.

Tham luận về “Xây dựng và phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính quốc tế”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng cho biết, TPHCM đã và đang là đầu tàu và một trong những động lực chủ yếu của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả Việt Nam nói chung.

Mặc dù, chỉ chiếm khoảng 9,46% dân số và 0,62% diện tích, nhưng TPHCM hiện đóng góp khoảng 22% GDP, gần 25% thu ngân sách, gần 16% kim ngạch xuất khẩu và 20% kim ngạch nhập khẩu cả nước. Bên cạnh đó, TP cũng chiếm hơn 31% số doanh nghiệp, thu hút hơn 37% số dự án FDI cả nước và một lượng lớn đầu tư gián tiếp qua kênh mua bán - sáp nhập (M&A), các quỹ đầu tư, kiều hối...

Những lợi thế về vị trí địa lý, khả năng kết nối, quy mô các giao dịch kinh tế, nguồn nhân lực... đã tạo tiền đề cho sự phát triển thị trường vốn trên địa bàn TPHCM sớm nhất so với cả nước với sự hình thành của hệ thống các Ngân hàng thương mại đầu tiên từ đầu thập niên 1990 và tiếp theo đó là sự ra đời của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TPHCM năm 2000. Qua đó cũng thể hiện bức tranh tổng thể sự phát triển của thị trường vốn, thị trường tài chính của cả nước.

 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng trình bày tham luận về “Xây dựng và phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính quốc tế”

Nhìn nhận một số hạn chế hiện nay của thị trường vốn, đại diện lãnh đạo TPHCM cho biết, quy mô của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu phát triển chưa tương xứng với thị trường tín dụng, chưa trở thành kênh chuyển tải có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư và tạo ra tính thanh khoản cao của chứng khoán. Mặc dù trên thị trường vốn các năm gần đây cũng đã xuất hiện thêm các hoạt động dịch vụ tài chính mới nổi, tuy nhiên hiệu quả đạt được vẫn còn hạn chế so với tiềm năng.

Với các đặc điểm và hiện trạng thị trường vốn hiện nay, bà Phan Thị Thắng nhận định, định hướng cần tiếp tục thúc đẩy sự phát triển thị trường vốn và thị trường tài chính theo hướng cụm ngành (industrial cluster) để khai thác tác động cộng hưởng, tương hỗ của dịch vụ tài chính hiện hữu, mới nổi và thiếu vắng trên thị trường và các dịch vụ hỗ trợ khác. Đồng thời khuyến khích các chính sách để thu hút các tổ chức, định chế tài chính có tầm ảnh hưởng, dẫn dắt dòng vốn quốc tế vào thị trường Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBND TP cũng thông tin, được sự chấp thuận chủ trương của Trung ương và Chính phủ, TP đã triển khai dự thảo Đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TPHCM (Đề án) với lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn. Trong đó, giai đoạn từ nay đến 2025, thực hiện các chương trình hành động cùng các cơ chế - chính sách đặc thù nhằm mục tiêu củng cố vị thế Trung tâm tài chính (TTTC) quốc gia của TP; nâng hạng TTTC TPHCM từ TTTC thứ cấp thành TTTC quốc tế trong xếp hạng Chỉ số các TTTC toàn cầu (GFCI) trước năm 2025; năng lực cạnh tranh và trình độ phát triển của TTTC TPHCM ở mức trung bình trong khu vực Đông Nam Á; bước đầu định hình được Khu Trung tâm Tài chính – Thương mại phức hợp tại Thủ Thiêm.

Giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030, phát triển TTTC TPHCM với mục tiêu TP có vị thế vững chắc là một TTTC quốc tế và thứ hạng cao trong số các TTTC ở Khu vực châu Á. Giai đoạn dài hạn từ 2031 trở đi, phát triển TPHCM thành một TTTC toàn cầu với mục tiêu TP có thứ hạng cao trong số các TTTC toàn cầu; Tiếp tục lộ trình hội nhập tài chính trên cơ sở tự do hóa đồng Việt Nam và tự do hóa tài khoản vốn; Tiếp tục phát triển Khu tài chính Quận 1- Thủ Thiêm trở thành cụm tài chính về ngân hàng và Fintech với thị trường vốn và thị trường giao dịch hàng hóa phái sinh xuyên biên giới và mang tính toàn cầu.

“Để thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn nói riêng, của TTTC quốc tế Việt Nam tại TPHCM nói chung cần rất nhiều các chính sách thực sự đột phá, bởi khi đó mới có thể cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới”, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng nhấn mạnh.

Đông đảo các chuyên gia tham dự Diễn đàn

Chiến lược chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng

Tập trung về những vấn đề cốt lõi để giúp xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới, đồng thời cơ cấu lại nền kinh tế và tạo bứt phá sau đại dịch COVID19. Đó là vấn đề về đổi mới công nghệ, chiến lược chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng được trao đổi tại hội thảo chuyên đề 3 “Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng”.

Tại phần thảo luận của hội thảo, các đại biểu tập trung bàn luận và trao đổi những nội dung: kinh nghiệm quốc tế về đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng; Chủ trương, cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, đa dạng chuỗi cung ứng đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; Nâng cao vai trò của Nhà nước và doanh nghiệp trong chuyển đổi số, đổi mới công nghệ, đa dạng hóa chuỗi cung ứng...

Ở khía cạnh quản lý Nhà nước, các đại biểu: Phó viện trưởng Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông) Chu Minh Hoan; Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Nam Hải nêu lên vai trò cầm trịch của các ngành, địa phương trong việc hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế số, xã hội số.

Đây cũng là đề xuất của Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Trịnh Ngọc Thành với cấp quản lý cao hơn là Chính phủ trong việc có thể chế và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều khó khăn sau Covid-19 như: giá xăng dầu tăng, thiếu nguồn nhân lực, chiến tranh Nga – Ukraine chưa chấm dứt…

Sau hội thảo, các ý kiến trao đổi, thảo luận, tham luận gợi ý chính sách được Ban Tổ chức tổng hợp và phản ánh trong báo cáo tổng hợp tại Diễn đàn và sử dụng làm tài liệu tham khảo để tham mưu, nghiên cứu chính sách của Ban Kinh tế Trung ương cũng như các cơ quan có liên quan của Chính phủ nghiên cứu, sử dụng trong xây dựng và hoạch định chính sách trong thời gian tới.

Chiều nay, Diễn đàn tiếp tục với phiên thảo luận toàn thể và tọa đàm cấp cao. Các đại biểu sẽ tập trung vào vấn đề sự cần thiết xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng; tác động của tình hình địa chính trị hiện nay; các yếu tố nền tảng thiết yếu để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng; Thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mới; định hướng chính sách nhằm vừa củng cố nội lực, vừa tận dụng tốt ngoại lực, hạn chế các rủi ro mới nảy sinh trong hội nhập quốc tế; Đột phá về đổi mới khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; Quản trị rủi ro quốc gia trong bối cảnh mới…

Tham gia BHXH nên là điều kiện bắt buộc

Bàn về vai trò, vị trí đóng góp của lao động, việc làm phi chính thức (việc làm không có bảo hiểm xã hội, không có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên) trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam, TS Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế cho biết, lao động phi chính thức hiện đang có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, từ góc độ tạo việc làm đến đóng góp không nhỏ cho GDP của cả nước. Trong đó đóng góp lớn nhất của khu vực phi chính thức là tạo ra nguồn việc làm cho khoảng 70% người lao động đang làm việc.

Để giảm bớt tình trạng lao động phi chính thức, TS Lê Duy Bình cho rằng, các cấp, các ngành nên có biện pháp mở rộng độ bao phủ BHXH, mở rộng khu vực kinh tế chính thức, nâng cao quyền của người lao động. “Cần hướng tới tham gia BHXH là điều kiện bắt buộc chứ không phải là tự nguyện như hiện nay”, ông nói.

Bình luận (0)

Lên đầu trang