Thảo luận tại tổ sáng nay (6/6) về 3 dự án đường bộ cao tốc và 2 tuyến đường vành đai 3 TPHCM, vành đai 4 Vùng thủ đô, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh Đào Hồng Lan nhấn mạnh về sự cần thiết xây dựng các tuyến đường này.
Theo bà Lan, các tuyến đường sẽ là động lực kết nối, phát triển kinh tế địa phương, liên kết vùng sắp tới, đồng thời giúp các địa phương có đi qua mở rộng không gian phát triển.
Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh Đào Hồng Lan thảo luận tại tổ
Là địa phương có đường vành đai 4 đi qua, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh khẳng định, dự án sẽ giúp tỉnh này phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp trong tương lai.
Tuy nhiên, nhìn nhận việc đảm bảo cơ cấu nguồn đầu tư là khó khăn nhất hiện nay, khi phần lớn các dự án đều sử dụng cơ cấu vốn hỗn hợp (trung ương, địa phương), bà Lan đề nghị cho phép các địa phương sử dụng nguồn từ cải cách tiền lương.
“Theo phương án ban đầu, đề nghị Chính phủ phát hành trái phiếu cho các địa phương vay, nhưng thẩm tra thì cho thấy phương án này không phù hợp” – bà Lan phản ánh.
Tiếp tục nêu đề xuất về nguồn vốn, nữ Bí thư thông tin, hiện ngoài nguồn cải cách tiền lương theo quy định, Bắc Ninh vẫn còn một nguồn dự phòng. Do đó, bà Lan đề nghị cho phép áp dụng nguồn lực cải cách tiền lương để triển khai các dự án quan trọng, như dự án tuyến đường cao tốc đi qua địa phương.
“Trường hợp thiếu, địa phương sẽ xin trung ương cho sử dụng nguồn huy động trái phiếu” – Bí thư Bắc Ninh nói, đồng thời đề nghị Quốc hội có cơ chế cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương, thể chế hoá trong Nghị quyết của QH để các địa phương có căn cứ thực hiện.
Hồi âm ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc dùng nguồn cải cách tiền lương không nên đặt ra ở đây.
Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến tại phiên thảo luận tổ sáng nay, 6/6
Chủ tịch Quốc hội phân tích, khoản vượt thu ngân sách trung ương năm 2021 gần 22.000 tỷ đồng được quyết định để lại để cải cách tiền lương. Cải cách tiền lương khác điều chỉnh lương hàng tháng, mà tiền lương không phải chi một lần, đây là khoản chi thường xuyên hằng năm.
“Nhiều địa phương nghĩ đủ tiền cải cách tiền lương là chỉ chi 1 năm thôi, không phải vậy. Sau Covid-19, dự trữ tài chính cũng tiêu một khoản rồi, giờ hằng năm muốn điều chỉnh tăng lương cho cán bộ công chức mà không được” – Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Vì lẽ trên, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Quốc hội đã có Nghị quyết, quy định tuyệt đối không dùng nguồn cải cách tiền lương cho việc khác với bất kỳ lý do gì. Phải dành nguồn này cho cải cách tiền lương.
Vẫn theo lãnh đạo Quốc hội, “cải cách” không đơn thuần là điều chỉnh mức tiền lương cơ sở 7%, còn khoản chênh lệch, điều chỉnh bước, bậc, hệ số lương…, nên tổng tiền cần cho cải cách tiền lương tương đối lớn.
“Ví dụ, địa phương cần 5.000 tỷ đồng cải cách tiền lương, thì cả nhiệm kỳ (5 năm) sẽ cần tới 25.000 tỷ đồng cho việc này. Chưa kể từng năm điều chỉnh tăng thêm nữa thì số tiền cần cho cải cách tiền lương còn tăng thêm nhiều” – Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.
Chốt lại, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm: “Chúng ta đã hoãn việc cải cách tiền lương vài năm rồi, và 3 năm nay chưa điều chỉnh lương cho cán bộ công chức. Nên cần dành nguồn tiền này để cho cải cách tiền lương, không chi vào các việc khác. Chính phủ, Thường vụ Quốc hội lần này trình, báo cáo Quốc hội không đặt ra vấn đề dùng nguồn cải cách tiền lương để đầu tư các tuyến cao tốc, đường vành đai này”.
Đề cập đến đường Vành đai 3 TPHCM, Chủ tịch Quốc hội khẳng định sẽ dành nguồn lực ưu tiên vốn cho thực hiện dự án này do tính cấp bách của dự án. Theo đó, sẽ cơ bản bố trí đủ vốn để hoàn thành dự án này vào năm 2025, quyết toán và đưa vào sử dụng từ năm 2026.
Theo Chủ tịch Quốc hội, dự án đường vành đai 3 thực tế đã “ấp ủ” làm cách đây 11 năm. Dự án này không chỉ cho miền Đông và kết nối cả miền Tây Nam Bộ. “Riêng dự án vành đai 3 sẽ được ưu tiên đặc biệt về vốn, tiến độ, phấn đấu hết 2025 hoàn thành” – Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Các dự án còn lại được Chính phủ trình hôm nay đã thống nhất giãn tiến độ một năm. Việc này, theo nhìn nhận của Chủ tịch Quốc hội, sẽ khả thi trong tổ chức thực hiện, không căng thẳng về vốn và dành được vốn nhất định trong đầu tư công trung hạn kỳ này để bổ sung cho danh mục dự án, nhiệm vụ của một số địa phương thuộc gói kích thích kinh tế.