(CAO) Các điều kiện về cơ sở pháp lý, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, nhu cầu thực tiễn và nguồn lực cơ bản đáp ứng yêu cầu, do vậy, việc triển khai thực hiện Dự án trong giai đoạn 2021- 2025 là hợp lý và cần thiết.
Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, sáng nay (6/6), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình Quốc hội báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 2 dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 TPHCM.
Đây là 2 dự án vai trò liên kết Vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội cũng đã được dự kiến đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2011-2020.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là sự hạn chế về nguồn lực nên chưa có điều kiện để triển khai trong giai đoạn này.
Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trình Quốc hội 2 dự án đường vành đai
“Đến nay, các điều kiện về cơ sở pháp lý, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, nhu cầu thực tiễn và nguồn lực cơ bản đáp ứng yêu cầu, do vậy, việc triển khai thực hiện Dự án trong giai đoạn 2021- 2025 là hợp lý và cần thiết” – ông Dũng báo cáo.
Thông tin sơ bộ về phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư cho biết, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 1.341 ha, kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư khoảng 19.590 tỷ đồng.
Dự án đường Vành đai 3 - TPHCM khoảng 642,7 ha, kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư khoảng 41.589 tỷ đồng, thực hiện GPMB một lần theo quy hoạch và GPMB theo quy mô hoàn chỉnh đối với các nút giao liên thông (đầu tư giai đoạn 1).
UBND các tỉnh/ thành phố thuộc phạm vi các Dự án đi qua có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch và ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất.
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 112,8km (gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long) qua địa phận: TP. Hà Nội (dài 58,2km); Hưng Yên (dài 19,3 km); Bắc Ninh (dài 25,6 km và tuyến nối 9,7 km).
Dự án đường Vành đai 3 - TPHCM có tổng chiều dài tuyến là 76,34km (gồm TPHCM 47,5 km; Đồng Nai 13,26 km; Bình Dương 10,76 km; Long An 6,8 km).
Việc giải phóng mặt bằng (GPMB) các tuyến đường theo quy mô quy hoạch (6-8 làn xe cao tốc) và hệ thống đường đô thị song hành 2 bên.
Thông tin về phương án thiết kế sơ bộ, Bộ trưởng Dũng cho hay, căn cứ Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch có liên quan, phương án thiết kế sơ bộ được thiết kế bao gồm các yếu tố (hướng tuyến, trắc dọc, trắc ngang, nút giao); các giải pháp thiết kế nền, mặt đường, các công trình cầu và công trình phòng hộ, an toàn giao thồng, hệ thống thu phí, trạm dừng nghỉ bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật.
Về sơ bộ tổng mức đầu tư, nguồn vốn, theo ông Dũng, Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, có tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 85.813 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn NSNN và vốn BOT của nhà đầu tư để thực hiện đầu tư Dự án. Trong số này, NSTW là 28.173 tỷ đồng; NSĐP 28.193 tỷ đồng; Vốn BOT 29.447 tỷ đồng.
Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1) dự án đường Vành đai 3 - TPHCM khoảng 75.378 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn NSNN để thực hiện đầu tư Dự án, bao gồm NSTW là 38.741 tỷ đồng; NSĐP 36.637 tỷ đồng.
Để triển khai thực hiện dự án, Chính phủ đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc biệt. Theo đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2021-2025) đã bố trí cho Bộ Giao thông - Vận tải về các địa phương để thực hiện theo phương án phân bổ tương ứng các Dự án; cho phép sử dụng nguồn vốn NSTW, NSĐP đầu tư các dự án thành phần theo cơ cấu nguồn vốn đã được phân bổ tại hồ sơ Báo cáo NCTKT Dự án; cho phép tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ các nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương.
Liên quan đến cơ chế chỉ định thầu, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện Dự án đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư và áp dụng trong 02 năm (2022-2023).
Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Trong thời gian thực hiện Dự án nếu có phát sinh công việc chỉ định thầu, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng cơ chế này.
Đề xuất cơ chế riêng cho dự án đường Vành đai 3 – TPHCM, Bộ trưởng Dũng báo cáo, sau khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tổ chức thực hiện thu phí để thu hồi vốn đầu tư Dự án cho NSTW và NSĐP tương ứng theo phần vốn góp đầu tư.
“TPHCM và các tỉnh sẽ phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Tài chính và các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu chi tiết trong bước tiếp theo của Dự án và sẽ báo cáo Chính phủ tổ chức thực hiện xây dựng phương án, tổ chức thu hồi vốn đầu tư Dự án để hoàn trả vào NSTW và NSĐP” – ông Dũng thông tin.