Dư nợ bất động sản lớn, Thống đốc NHNN lo ngại rủi ro lớn

Thứ Hai, 06/06/2022 13:46

|

(CAO) Khoảng 94% dư nợ tín dụng bất động sản là cho vay trung và dài hạn (từ 10 - 25 năm), trong khi nguồn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn.

Để phục vụ phiên trả lời chất vấn trực tiếp vào chiều 8/6 tới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã có báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội về những nội dung liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.

Tại báo cáo này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thông tin, việc quản lý, kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là cho vay chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và bất động sản (BĐS). Đây cũng là một trong các nhóm vấn đề Thống đốc sẽ phải trả lời trước Quốc hội.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng sẽ trả lời chất vấn ĐBQH vào chiều 8/6

Đề cập đến lĩnh vực bất động sản, Thống đốc cho biết đến cuối tháng 4/2022, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt 2.288.278 tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021, chiếm tỷ trọng 20,44% trong tổng dư nợ đối với nền kinh tế, tỷ lệ nợ xấu là 1,62%.

“NHNN đánh giá lĩnh vực đầu tư kinh doanh BĐS là một trong các lĩnh vực rủi ro đối với hoạt động ngân hàng, cần có các giải pháp kiểm soát” – bà Hồng báo cáo.

Ở góc độ quản lý, theo bà Hồng, NHNN đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, bao gồm: hoàn thiện hành lang pháp lý thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng.

NHNN cũng thực hiện giám sát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán và bất động sản để kịp thời phát hiện dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro và có biện pháp xử lý phù hợp, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống các TCTD.

Cùng với đó, cơ quan này này đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chú trọng, tập trung kiểm tra các hồ sơ cấp tín dụng lĩnh vực BĐS của các TCTD, từ đó phát hiện các vấn đề, tồn tại, vi phạm trong hoạt động cấp tín dụng để kịp thời xử lý vi phạm, đưa ra các kiến nghị, khuyến nghị cụ thể hạn chế rủi ro của các TCTD trong hoạt động cấp tín dụng nói chung và trong lĩnh vực BĐS nói riêng.

Nêu khó khăn, vướng mắc hiện tại liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo NHNN phản ánh, việc thị trường bất động sản biến động mạnh, tình trạng thổi giá gây sốt ảo bất động sản, tình trạng đấu giá đất với giá cao bất thường... ảnh hưởng đến việc cấp tín dụng, định giá tài sản đảm bảo của TCTD.

Mặc dù tình hình cấp tín dụng cũng như chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản vẫn đang được NHNN kiểm soát ổn định nhưng theo bà Hồng, để hạn chế tác động của thị trường bất động sản đối với kinh tế vĩ mô, tiền tệ, cần có các giải pháp mang tính toàn diện, đồng bộ với sự phối hợp của các bộ, ban, ngành có liên quan đê lành mạnh hóa, xây dựng thị trường bất động sản an toàn, bền vững.

Định hướng trong thời gian tới, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, sẽ tiếp tục chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro trong đó có đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Bà Hồng cũng nhấn mạnh đến việc tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn tín dụng để mua, đầu tư nhà ở tự sử dụng, tiêu dùng, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ.

Vẫn theo bà Hồng, NHNN sẽ tiếp tục rà soát và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để hoàn thiện các quy định pháp lý nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển bền vững đồng thời kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống TCTD, đồng thời tăng cường thanh tra, giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản để kịp thời đưa ra giải pháp nhằm bảo đảm an toàn trong hoạt động của các TCTD, có các biện pháp ngăn ngừa, phát hiện kịp thời rủi ro, vi phạm phát sinh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang