KTNN vừa kết thúc thực hiện cuộc kiểm toán Chuyên đề việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ. Theo cơ quan này, đây là nhiệm vụ quan trọng cần ưu tiên thực hiện nên cơ quan này đã tập trung nguồn lực để tổ chức kiểm toán ngay từ đầu năm.
Cuộc kiểm toán được triển khai trên phạm vi toàn ngành với quy mô lớn, thực hiện kiểm toán tại 9 Bộ, cơ quan trung ương và 32 tỉnh, thành.
Ảnh minh họa
Nội dung kiểm toán tập trung vào công tác tham mưu, ban hành văn bản, chính sách phòng, chống dịch Covid-19; công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp, hướng dẫn kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách; công tác huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ.
Không thực hiện kiểm toán chi tiết việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng chống dịch Covid-19 do Thanh tra Chính phủ thực hiện.
Kết quả kiểm toán cho thấy, tổng nguồn lực đã huy động cho công tác phòng, chống dịch tính đến 31/12/2021 là 376.217.681 triệu đồng. Ngoài ra, NSNN còn hỗ trợ các địa phương 142.017,3 tấn gạo; tổng số phân bổ, sử dụng năm 2020, 2021 là 351.177.656 triệu đồng.
“Nguồn lực toàn xã hội (chủ đạo là nguồn lực Nhà nước) được phân bổ kịp thời, cơ bản đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19” – báo cáo nhận định.
Công tác quản lý, sử dụng nguồn lực (vắc xin, kit test, máy móc, trang thiết bị y tế, thuốc, vật tư, sinh phẩm khác) và việc tiếp nhận, sử dụng các nguồn viện trợ, tài trợ, theo KTNN, cơ bản được các đơn vị quản lý, sử dụng kịp thời cho công tác phòng chống dịch.
Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ trung ương đến địa phương, cơ bản phù hợp thực tiễn trong từng giai đoạn, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tác động gây sốc, tiêu cực của đại dịch, đảm bảo an sinh xã hội…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, ngoài những sai phạm, tiêu cực đã và đang được các cơ quan chức năng tập trung, quyết liệt xử lý theo quy định của pháp luật, qua kiểm toán, KTNN phát hiện tại từng đơn vị, địa phương được kiểm toán còn có những tồn tại, bất cập trong công tác huy động, lập, phân bổ, quản lý, sử dụng vắc xin, kit test.
Việc quản lý, sử dụng nguồn lực chi cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và thanh toán khám, điều trị bệnh nhân Covid-19; công tác quản lý, sử dụng máy móc, trang thiết bị y tế, thuốc, vật tư, sinh phẩm; công tác tiếp nhận và sử dụng các nguồn viện trợ, tài trợ bằng tiền và công tác thu dịch vụ xét nghiệm… cũng được KTNN chỉ ra.
Trong khi đó, việc ban hành một số văn bản hướng dẫn, chỉ đạo phòng chống dịch và các chính sách hỗ trợ còn chưa đầy đủ, kịp thời, sát thực tiễn, chưa dự báo hết được diễn biến khó lường, phức tạp của dịch bệnh nên chưa bao quát và theo kịp với diễn biến dịch… Điều này, KTNN bình luận, đã gây khó khăn, lúng túng trong tổ chức thực hiện, ảnh hưởng đến việc triển khai các chính sách hỗ trợ.
Từ kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị xử lý 6.789.748.395.221 đồng (hơn 6.789 tỷ đồng), trong đó kiến nghị xử lý tài chính trên 3.431 tỷ đồng và kiến nghị xử lý khác hơn 3.358 tỷ đồng.
Tổng số tiền cơ quan kiểm toán kiến nghị xử lý chiếm 4,8% so với số kinh phí của các đơn vị được kiểm toán.
Vẫn theo KTNN, ngay trong quá trình kiểm toán, những nội dung mua sắm, vay mượn kit test có dấu hiệu bất thường và liên quan đến Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á đã được cơ quan này chuyển ngay thông tin sang cơ quan chức năng để tiếp tục làm rõ; kịp thời cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến phòng chống dịch Covid-19 cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương theo yêu cầu.
Trong điều kiện đã chuyển sang trạng thái bình thường mới, KTNN kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung kiểm tra, rà soát để chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế hoặc xử lý theo quy định của pháp luật đối với những sai phạm đã được KTNN chỉ ra, đồng thời nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách còn bất cập và rút ra những bài học kinh nghiệm.
KTNN cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm nghiên cứu ban hành khung pháp lý để vận hành nền hành chính (bao gồm công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công,…) trong điều kiện, hoàn cảnh đặc biệt, bất thường để tạo cơ sở, hành lang pháp lý, thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi thực thi nhiệm vụ được giao trong điều kiện, hoàn cảnh đặc biệt, bất thường.