Bà Bảy Huệ - cả cuộc đời kiên trung với Đảng

Thứ Ba, 07/06/2022 09:30  | P.V

|

(CATP) Bà Ngô Thị Huệ (Bảy Huệ), tên thật là Nguyễn Thị Ngỡi (sinh ngày 22-6-1918, tại xã Mỹ Quới, huyện Ngã Năm, tỉnh Kiên Giang, nay là thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng). Sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, các bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, sức yếu, bà đã từ trần vào lúc 20 giờ ngày 05-6-2022, hưởng thọ 104 tuổi (tuổi thật là 105 tuổi).

Bà Bảy Huệ là một trong 10 đại biểu nữ của Quốc hội Việt Nam khóa đầu tiên, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ thuộc Ban Tổ chức Trung ương, Phó chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM. Bà là phu nhân của ông Nguyễn Văn Linh, nguyên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam nhiệm kỳ 1986 - 1991.

Sớm tiếp cận với các tài liệu cộng sản và sớm tham gia hoạt động cách mạng, năm 11 tuổi bà Bảy Huệ đã được người anh rể thứ 5 giác ngộ cách mạng, thoát ly gia đình đi cách mạng với vai trò giao liên. Năm 1936 khi mới 18 tuổi bà đã được kết nạp vào Đảng. Sau đó bà tham gia hoạt động cách mạng tại nhiều địa bàn, là Huyện ủy viên huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh (1937), Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Trà Vinh (1938), Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Cần Thơ (1939), Ủy viên Liên tỉnh ủy Hậu Giang gồm 6 tỉnh miền Tây (1940).

Khi 22 tuổi, bà Bảy Huệ đã là Phó bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, tham gia lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23-11-1940. Bà nhiều lần bị bắt và bị kết án tù chung thân khổ sai. Khi phong trào Nam Kỳ khởi nghĩa thất bại, bà bị bắt ngồi tù 12 tháng nhưng sau đó được tuyên trắng án. Tới tháng 6-1942 bà lại bị bắt lần hai và lần này bị tuyên án khổ sai chung thân, bị giam cầm, tra tấn lần lượt ở các nhà tù Chợ Quán, Chí Hòa rồi Côn Đảo, 3 năm sau, đến tháng 6-1945 sau một số lần tổ chức phá khám vượt ngục bà mới được giải thoát về Bạc Liêu.

Bà tham gia Tỉnh ủy lâm thời, tổ chức Cách mạng Tháng Tám và cướp chính quyền ở Bạc Liêu. Tháng 01-1946, ngày tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bà Bảy Huệ là đại biểu Quốc hội, một trong 3 nữ đại biểu Quốc hội đại diện miền Nam Việt Nam, trong số 10 nữ đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bà ra Hà Nội nhận công tác Quốc hội vào tháng 10 năm 1946.

Bà Bảy Huệ và cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh (ảnh tư liệu)

Đầu năm 1947, bà Bảy Huệ trở lại miền Nam tiếp tục hoạt động và được cử vào Ban Thường vụ Thành ủy. Bà tiếp tục tham gia các công tác Ban tổ chức Xứ ủy, Ban Phụ vận, Đảng đoàn Phụ nữ Nam Bộ từ năm 1952 đến năm 1954, làm đại biểu Quốc hội lưu nhiệm (miền Nam) khóa II và III. Năm 1954 sau Hiệp định Genève bà Bảy Huệ về Sài Gòn làm Trưởng ban Phụ vận Thành ủy.

Năm 1959 bà cùng các con ra Hà Nội học tập và công tác. Bà từng giữ trọng trách Vụ trưởng Vụ Tổ chức Ban Cán bộ Trung ương, trúng cử đại biểu Quốc hội khóa IV, thuộc đoàn đại biểu tỉnh Ninh Bình. Sau khi nghỉ hưu và về TPHCM, bà Bảy Huệ vẫn tích cực tham gia các phong trào phụ nữ, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo...

Với quá trình hoạt động cách mạng và cống hiến của mình, bà Bảy Huệ đã được Nhà nước, Đảng Cộng sản Việt Nam trao tặng nhiều huân chương, huy chương kháng chiến các loại. Ngày 18-5-2020, bà được trao tặng Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng. Bà Bảy Huệ đã xuất bản một cuốn hồi ký có tên Tiếng sóng bủa ghềnh (Nhà xuất bản Trẻ, 2011). Sách được hoàn thiện sau gần 5 năm thực hiện, ghi chép từ những tư liệu gia đình và theo lời kể của nhân vật chính, đưa người đọc qua từng chặng đường của cô gái nông thôn tuổi mười bảy dấn thân vào con đường cách mạng.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng viết: "Ý chí và nghị lực của chị Bảy thể hiện đúng nghĩa là một chiến sĩ cách mạng kiên trung. Chị Bảy Huệ là một biểu tượng rất đẹp của người phụ nữ Nam bộ, người phụ nữ Việt Nam".

Chiều 6-6, Ban Tổ chức Trung ương, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, Quận ủy - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 3, Chi bộ Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin bà Ngô Thị Huệ (Nguyễn Thị Ngỡi, Nguyễn Thị Nhiên, Bảy Huệ) - cán bộ lão thành cách mạng, phu nhân cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh - đã từ trần lúc 20 giờ ngày 5-6-2022.

Linh cữu quàn tại Nhà tang lễ quốc gia phía Nam (số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp). Lễ viếng lúc 9 giờ ngày 7-6-2022. Lễ truy điệu lúc 8 giờ ngày 9-6-2022. An táng tại Nghĩa trang TP (TP.Thủ Đức, TPHCM).

Bình luận (0)

Lên đầu trang