Chao đảo vì giá vàng

Thứ Tư, 12/08/2020 16:54

|

(CATP) Chỉ trong chưa đến 1 tuần, giá vàng miếng được niêm yết tại các sàn vàng uy tín trên cả nước liên tục lập những kỷ lục về giá. Nếu như trong ngày 7-8, thị trường không khỏi sốc bởi mức giá vượt trên 60 triệu đồng/lượng thì đến ngày 12-8, giá vàng lại nhanh chóng tụt dốc, có thời điểm xuống dưới mức 50 triệu đồng/lượng khiến dân đầu tư... chao đảo!

Vàng mắt vì vàng mắc!

Chị Nguyễn Thị Ngọc (28 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) suốt từ đầu giờ sáng nay (12-8) đã phải liên tục căng mắt vào chiếc màn hình điện thoại dõi theo giá vàng. Cách đây không lâu, chị P. đã rót toàn bộ tiền tiết kiệm để đầu tư vào vàng khi thấy giá kim loại quý này liên tục leo thang. Chị Ngọc cho biết, vào ngày 1-8 vừa qua, chị rút toàn bộ tiền trong sổ tiết kiệm được gần 300 triệu đồng để mua về 5 lượng vàng (giá khoảng 54 triệu đồng bán ra).

Chỉ sau ít ngày, giá vàng trên thị trường liên tục lập những kỷ lục khiến chị P. vui mừng vì khoản đầu tư dễ sinh lời này. Tuy vậy, cho đến sáng 12-8, giá vàng bất ngờ rớt không phanh xuống mức 47 triệu đồng/lượng. Như vậy, cứ mỗi 1 lượng vàng, chủ đầu tư này đã bốc hơi hơn khoảng 7 triệu đồng. Tá hỏa vì khoản đầu tư của mình trên đà lao dốc, cô gái trẻ vội vàng bán ra nhằm gỡ gạc lại tiền đầu tư nhưng chênh lệch giữa giá mua và giá bán quá cao khiến Ngọc đành ngậm ngùi quay về.

Giá vàng lên xuống thất thường khiến nhiều nhà đầu tư chao đảo - Ảnh CTV

Ngồi ở quầy trái cây tại chợ Bến Thành (Q.1) xem giá vàng giảm từ đỉnh 60 triệu, chị Ngọc bất chợt nhắc lại câu chuyện từ nhiều năm về trước. Thời điểm đó, vào cuối năm 2011, giá vàng trong nước liên tục tăng, lần đầu tiên trong lịch sử lên 49 triệu đồng. Giữa cơn sốt vàng, bà chủ sạp trái cây dồn toàn bộ tiền tiết kiệm và tiền hàng đổ dồn vào vàng. Tất cả hơn 500 triệu đồng để mua về 30 lượng vàng.

Tuy nhiên, lời lãi đâu chưa thấy, chỉ trong ít ngày, giá vàng lại bất ngờ quay đầu giảm. Vài ngày sau, chị đọc báo thì hiểu các chuyên gia gọi mốc 49 triệu ấy là "giá đỉnh". Chị đứng ngồi không yên, chỉ trong vòng nửa tháng, giá đã xuống sát 47 triệu đồng. Mỗi ngày nhìn giá vàng sụt giảm vài trăm nghìn đến cả triệu đồng mà chị xót hết cả ruột. Để cắt lỗ, chị đành bán ra với mức thấp hơn 2 triệu đồng mỗi lượng so với lúc mua. "Đợt đầu tư 30 cây vàng đó bị lỗ trên 60 triệu đồng. Cũng vì chuyện này mà bị chồng giận cả tháng trời", chị kể.

Câu chuyện vừa rồi về những nhà đầu tư “chân ướt chân ráo” lao vào cơn sốt vàng không phải hiếm. Lời lãi đâu chưa thấy, chỉ thấy với tư đầu tư chộp giật, nhiều người đã phải vàng mắt vì vàng mắc!

Tăng, không tăng… lại tăng!

Giá vàng hôm 12-8 tiếp nối đà lao dốc của 3 phiên trước đó. Trong chưa đầy 4 ngày, giá vàng đã giảm tổng cộng 12 triệu đồng/lượng. Đáng chú ý, chênh lệch giá mua vào – bán ra hôm 12/8 được đẩy lên tới 4 triệu đồng/lượng. Trong 2 năm trở lại đây, ở vào những thời điểm biến động mạnh nhất, chênh lệch này cao nhất cũng chỉ khoảng 2-2,5 triệu đồng/lượng. Cụ thể, lúc 9h15, tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 48,00-52,00 triệu đồng/lượng, giảm 4,7 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 3,5 triệu đồng/lượng chiều bán ra.

Đến 14 giờ ngày 12-8, giá vàng trong nước bất ngờ đảo chiều tăng mạnh tới 2 - 2,5 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, chênh lệch giá mua vào - bán ra vẫn rất lớn, khoảng 3-4 triệu đồng/lượng. Cụ thể, Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 49,8-54,0 triệu đồng/1 lượng, tăng khoảng 2,5 triệu đồng/lượng so với cuối buổi sáng. Tương tự, tập đoàn Phú Quý cũng vừa điều chỉnh giá vàng lên 51,0-54,0 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng thế giới vẫn chưa bật tăng trở lại, giá vàng giao ngay hiện đứng ở mức 1.887 USD/ounce.

Với sự biến thiên liên tục như trong ngày 12-8, dân đầu tư vào mặt hàng kim loại quý này đều trở nên “phờ phạc”. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thời điểm hiện tại không còn là cơ hội để cho các nhà đầu tư “chân ướt chân ráo” kiếm lời từ việc mua, bán vàng. Giai đoạn này chỉ là cuộc chơi của những “cá mập” (ám chỉ những người đầu tư vàng chuyên nghiệp) đã dự trữ vàng từ thời điểm trên dưới 40 triệu đồng. Người dân thời điểm hiện tại nếu không có nhu cầu mua sắm vàng vào các tục lệ như cưới hỏi thì không nên xuống tiền đầu tư, hoặc mua vào dự trữ theo thói quen.

Một thông điệp mới đáng chú ý là cần cảnh giác và chủ động giảm bớt tác động tiêu cực của các yếu tố tâm lý đám đông trên thị trường vàng trong nước, với 4 dấu hiệu nhận diện nổi bật sau: Thứ nhất, mức chênh lệch cao giữa giá mua và giá bán (tới hàng triệu đồng so với bình thường chi vài ba chục ngàn đồng); thứ hai, mức cao hơn vài trăm nghìn đồng giữa giãn cách giá trong nước và giá nước ngoài (tốc độ tăng giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới); thứ ba, quá nhiều số lần điều chỉnh giá trên bảng điện tử (giá vàng thay đổi nhiều lần/ngày); thứ tư, sự giảm giá nhanh chóng mỗi khi có tuyên bố của NHNN về sẵn sàng bán vàng ra để can thiệp thị trường vàng trong nước…

Thực tế cho thấy, khi xuất hiện một hay vài yếu tố nhận diện trên có nghĩa là giá vàng trong nước đang chịu tác động mạnh mẽ của tâm lý; khi đó, người dân không nên mua vàng, vì sẽ chịu rủi ro giá giảm nhanh!

Bình luận (0)

Lên đầu trang