Làm gì để ngăn chặn nạn xây dựng trái phép ở TPHCM?

Kỳ 1: Vi phạm trật tự xây dựng có thật sự giảm?

Thứ Ba, 11/08/2020 11:39  | Quang Hà

|

(CATP) Nhiều năm qua, hoạt động về trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn TPHCM diễn biến phức tạp. Mặc dù chính quyền thành phố liên tục thay đổi cách thức quản lý, nhưng vẫn không ngăn chặn được triệt để vi phạm trong lĩnh vực này. Những báo cáo hàng tháng, hàng quý của 24 quận, huyện về số vụ vi phạm không thể phản ánh được hết tình hình thực tế.

VÌ SAO KHÓ XỬ LÝ DỨT ĐIỂM?

Tình trạng vi phạm TTXD trên địa bàn TPHCM hiện nay không chỉ diễn ra âm thầm mà còn công khai dưới nhiều hình thức. Trong đó, phổ biến nhất là các đầu nậu núp dưới danh nghĩa chủ nhà, xin cấp giấy phép xây dựng (GPXD) một căn nhà có diện tích lớn, rồi chia thành nhiều căn nhỏ.

Cố tình xây dựng sai nội dung GPXD được cấp, biến nhà ở riêng lẻ thành nhà ở liên kế bằng cách thay đổi kết cấu chịu lực công trình. Sau đó, chủ nhà chuyển nhượng những căn nhà nhỏ đã được ngăn chia trái phép cho nhiều người khác dưới dạng hợp đồng bán nhà chung "sổ hồng", thuê văn phòng thừa phát lại lập vi bằng về giao dịch.

Có trường hợp quây tôn rồi âm thầm xây dựng. Lại có trường hợp công khai xây dựng để bị xử phạt và buộc tháo dỡ, rồi tiếp tục xây dựng (!). Nhiều trường hợp người vi phạm TTXD còn là người có chức quyền, ảnh hưởng lớn đối với chính những người xử lý vi phạm, gây ra tình trạng cả nể, thậm chí... làm ngơ.

Đơn cử trường hợp gia đình ông Lê Hữu Thành (Phó chủ tịch HĐND Q.Thủ Đức) bị phát hiện xây không phép 7 công trình (nhà xe, xưởng gỗ, cơ khí) với diện tích hơn 1.800m2. Sau khi người dân phản ánh, Sở Xây dựng yêu cầu Q.Thủ Đức xử lý. UBND phường lập biên bản và ban hành các quyết định cưỡng chế, nhưng cứ dùng dằng, không giải quyết được. Chỉ khi Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trực tiếp đến hiện trường, chỉ đạo các sở, ngành chức năng xử lý dứt điểm vụ việc thì gia đình ông Thành mới tự tháo dỡ.

Công trình vi phạm tại Q.Thủ Đức (Ảnh: CTV)

Được biết, Q.Thủ Đức là một trong những địa bàn xảy ra nhiều vụ vi phạm trong lĩnh vực trên. Năm 2019, quận này phát hiện 144 trường hợp vi phạm TTXD, đồng thời tồn đọng hàng trăm trường hợp vi phạm tương tự, nhưng chưa xử lý dứt điểm. Tháng 3-2020, trên địa bàn P.Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức) xảy ra vụ xây dựng 37 căn nhà trái phép trên khu đất nông nghiệp rộng 4.600m2. Chủ nhà bị xử phạt hơn 1 tỷ đồng và buộc tháo dỡ công trình vi phạm. Đáng chú ý, hành vi của chủ công trình vi phạm đã được phát hiện từ 2 năm trước.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng tại hội nghị trực tuyến kết quả thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 25-7-2019 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về TTXD trên địa bàn thành phố, tình hình vi phạm TTXD tiếp tục được kéo giảm: giảm 6,5 vụ/ngày so với thời điểm trước khi thực hiện Chỉ thị 23 (6 tháng đầu năm 2019), tỉ lệ giảm là 76,65%.

Trong 2 tháng đầu khi thực hiện Chỉ thị 23, số vụ vi phạm TTXD trên địa bàn thành phố giảm đáng kể. Sáu tháng đầu năm 2019, trung bình mỗi ngày trên địa bàn thành phố có gần 8,5 vụ vi phạm, nhưng trong 2 tháng (tháng 8 và tháng 9-2019), con số vi phạm chỉ còn 5,1 vụ/ngày.

Tại Q12, địa phương mà thời điểm cuối năm 2019, mỗi tháng vẫn báo cáo gần 20 trường hợp vi phạm TTXD, nay mỗi tháng chỉ có từ 1 - 3 vụ. Các quận, huyện khác cũng báo cáo, trong 11 tháng gần đây đã giảm đáng kể số vụ vi phạm về TTXD.

Trao đổi với chúng tôi, anh B. (nhiều năm làm công tác địa chính, thanh tra xây dựng) nói: "Nội dung Chỉ thị 23 cho thấy thái độ quyết liệt của Thành ủy TPHCM đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn, phải siết chặt công tác quản lý nhà nước về TTXD".

Theo anh B., tình trạng xây dựng không phép, sai phép thường xảy ra ở các quận vùng ven, như: 2, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân và các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn. Các quận nội thành thì hầu như rất ít xảy ra, do đô thị hóa đã phủ gần kín. Nguyên nhân để phát sinh vi phạm TTXD chủ yếu do ý thức của một bộ phận người dân.

Họ hiểu rõ các quy định về xây dựng, nhưng vẫn cố tình vi phạm để giải quyết nhu cầu về nhà ở, kể cả hối lộ cán bộ, cơ quan quản lý xây dựng, thậm chí đe dọa, tố cáo những công trình khác để làm áp lực... Mặt khác, nhiều người dân vẫn mang nặng tâm lý là cứ xây nhà tạm, chờ sau này nhà nước sẽ cho hợp thức hóa, làm giấy tờ nhà.

Hiện nay, công tác quản lý TTXD đã có một loạt cá nhân, tổ chức tham gia, từ cấp thôn, ấp, khu phố đến phường, xã, thanh tra xây dựng, đội thanh tra xây dựng... Như vậy, không hành vi vi phạm TTXD nào có thể lọt qua được. Thế nhưng vẫn còn sự nể nang, làm ngơ, sợ trách nhiệm, sợ bị khiếu kiện hoặc thấy khó khăn nên đùn đẩy, tránh né, bỏ qua..., tạo điều kiện cho các hành vi vi phạm tồn tại.

Có những trường hợp, cán bộ địa phương buộc phải làm ngơ vì có sự can thiệp, bởi "nếu xử lý cũng mệt, mà không xử lý cũng mệt". Một trường hợp khác là người vi phạm được chỉ dẫn cách lách quy định của pháp luật. Có trường hợp còn được bày cách đi khiếu kiện để kéo dài thời gian, nhằm mục đích giữ cho công trình vi phạm được tồn tại, rồi dần dần tìm cách hợp thức hóa.

Trong đó, có cả cách gởi đơn tố cáo nặc danh chính cán bộ xử lý vụ việc vi phạm. Thực tế cho thấy, tại không ít quận, huyện đến nay vẫn còn rất nhiều hồ sơ vi phạm tồn đọng từ năm 2014 - 2015 chưa được xử lý. Những công trình đó đã nghiễm nhiên tồn tại.

Một công trình xây dựng không phép tại huyện Bình Chánh

VI PHẠM XÂY DỰNG CHUYỂN THÀNH VI PHẠM ĐẤT ĐAI

Khi được hỏi lý do tại sao không xử lý dứt điểm được những vụ vi phạm trên? Tại sao không ngăn chặn bằng các biện pháp chế tài ngay từ đầu? Anh B. cho biết: "Hiện nay, biện pháp cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm dễ bị các đối tượng lợi dụng để thổi phồng sự việc. Bởi lẽ, khi người dân quay phim cảnh cưỡng chế thì không ai biết nội tình trước đó như thế nào".

Theo tiết lộ của anh B., so với thời điểm trước khi Chỉ thị 23 ra đời, rõ ràng là số vụ vi phạm giảm hẳn. Tuy nhiên, không loại trừ tình trạng có xảy ra vi phạm, nhưng cơ quan chức năng không lập biên bản xử lý. Việc giảm này là do tác động từ thành phố và quận, huyện, gây áp lực với địa phương vì địa phương là nơi phải chịu trách nhiệm chính.

Kể cả trong Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND về quy chế phối hợp quản lý TTXD trên địa bàn TPHCM (trước kia là Quyết định số 58/2013/QĐ-UBND), giao cho các đội thanh tra địa bàn 24 quận, huyện kiểm tra, xử lý những trường hợp có GPXD do quận, huyện cấp, nhưng khi công trình làm sai thì cán bộ địa chính, cán bộ xây dựng, chủ tịch phường, xã, thị trấn vẫn phải chịu trách nhiệm, vì không phát hiện sai phạm.

Để đối phó với áp lực này, khi phát hiện sai phạm xây dựng, cán bộ địa chính, cán bộ xây dựng phường, xã, thị trấn vẫn phải lập biên bản, nhưng để không phát sinh, gia tăng số vụ thì họ lại lập biên bản vi phạm về đất đai, với các lỗi: cải tạo, sử dụng sai mục đích đất, sử dụng đất trồng cây hàng năm khác sang đất phi nông nghiệp mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép...

Trường hợp ông Phan Tấn Hùng tại xã Vĩnh Lộc A (H.Bình Chánh) có hành vi xây vách gạch, mái tôn trên diện tích 308m2 của thửa đất số 129, tờ bản đồ số 11 (theo Tài liệu 02/CT), nhưng chỉ bị lập biên bản và xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai là một ví dụ.

Việc lập biên bản cũng nhằm để đối phó với Thanh tra Nhà nước, báo chí hoặc những người dân thưa kiện. Nhiều trường hợp vi phạm, cán bộ địa chính, cán bộ xây dựng có lập biên bản và yêu cầu chủ công trình tháo dỡ, song việc tháo dỡ chỉ làm cho có, bằng cách tháo tôn, xà gồ..., còn tường vẫn để đó làm kết cấu bao che, giữ ranh đất.

Vài tháng sau, công trình vi phạm đã bị lập biên bản lại được gia chủ xây dựng tiếp, trở thành ngôi nhà. Do đó, tạo nên tâm lý so bì trong cư dân, để họ phải thắc mắc: "Tại sao chỗ kia người ta làm được, địa phương lập biên bản, cưỡng chế rồi đó, mà giờ vẫn có nhà ở?"... Rồi vi phạm vẫn liên tục phát sinh.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang