Làm gì để ngăn chặn nạn xây dựng trái phép ở TPHCM?

Kỳ cuối: Khổ vì biện pháp chế tài... tréo ngoe!

Thứ Tư, 12/08/2020 11:12  | Quang Hà

|

(CATP) Nhằm tìm câu trả lời cho việc tại sao các công trình không phép, sai phép vẫn tiếp tục được xây dựng, phóng viên Báo Công an TPHCM tìm hiểu và được biết, không ít quy định giữa các bộ, ngành hiện nay tréo ngoe hoặc không đủ mạnh để xử lý nghiêm, dẫn đến công tác phòng ngừa, răn đe chưa hiệu quả.

KHÔNG THỂ CẮT ĐIÊN, NƯỚC...

Anh G. (cán bộ địa chính phường) cho biết: Trước năm 2013, việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng (TTXD) được áp dụng theo Nghị định 180/2007/NĐ-CP. Khi cơ quan chức năng lập biên bản mà chủ đầu tư vẫn thi công thì trong vòng 24 giờ, UBND cấp phường sẽ ban hành quyết định đình chỉ thi công, gửi công văn cho đơn vị cung cấp điện, nước để cắt điện, cắt nước, đồng thời gửi quyết định đình chỉ thi công cho công an để lập chốt chặn, không cho chở vật tư và người (thợ xây, chủ thầu) vào công trình.

Tuy nhiên, cách làm này thực tế gặp rất nhiều khó khăn, vì đối với những quận, huyện vùng ven, mỗi ngày xảy ra từ 5 - 10 vụ vi phạm nên công an cấp phường không đủ lực lượng để chốt chặn 24/24 giờ. Lợi dụng lúc hết giờ làm việc ban ngày, lực lượng chốt chặn rút đi, chủ đầu tư tiếp tục lén kéo điện, thi công và quây tôn xung quanh công trình. Sáng hôm sau, bên ngoài chốt cứ chốt, bên trong công trình thợ vẫn thi công bình thường (!).

Một vụ cưỡng chế vi phạm xây dựng tại P.Linh Trung (Q.Thủ Đức)

Chưa kể để cắt điện, UBND cấp phường phải có công văn yêu cầu bên điện lực thu hồi điện kế. Song thủ tục thu hồi điện kế rất nhiêu khê. Việc thu hồi đồng hồ nước thì còn nhiêu khê hơn, do phải đào đường và phải xin giấy phép đào đường. Do đó, việc xử lý thu hồi điện kế, đồng hồ nước nhiều khi mất tới vài tháng thì công trình vi phạm đã hoàn thành, chủ đầu tư dọn vô sinh sống rồi. Mà công trình đã hoàn thành, có người ở càng khó xử lý.

Đến khi Nghị định 121/2013/NĐ-CP có hiệu lực, chú trọng việc nâng số tiền phạt lên, mà không quy định chặt chẽ về các biện pháp chế tài (đặc biệt là không nói đến biện pháp cắt điện, cắt nước, tạm giữ phương tiện vi phạm). Thời điểm này, tình trạng sai phạm về TTXD trên địa bàn TPHCM xảy ra nhiều nhất.

Khi phát hiện công trình xây trái phép, sai phép, cơ quan chức năng lập biên bản thì cứ lập, còn chủ đầu tư cho thi công thì thợ cứ... xây dựng. Đến năm 2017, Nghị định 139/2017/NĐ-CP ra đời (thay thế Nghị định 2007/NĐ-CP), nhưng cũng không có các biện pháp ngăn chặn từ đầu, như: cắt điện, nước...; khiến công tác xử lý vi phạm TTXD rất khó khăn.

Cần ban hành quy định cho phép lực lượng chức năng xử phạt hành chính đối với thợ xây nếu thi công công trình vi phạm

Anh G. trưng ra Văn bản số 4439/BCT- ĐTĐL ngày 18-6-2020 của Bộ Công thương, trả lời Công văn số 2019/UBND-KT của UBND TPHCM, có nội dung cho rằng: việc ngừng, giảm cung cấp điện cho các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật xây dựng là không có cơ sở, vì Luật Xây dựng năm 2014 không quy định.

THIẾU CƠ SỞ CHẾ TÀI?

Việc địa phương yêu cầu Văn phòng Đăng ký đất đai phối hợp với các địa phương để xác minh hiện trạng trước khi giải quyết hồ sơ liên quan đến các thửa đất khi người dân thực hiện tách thửa, chuyển nhượng, cho tặng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ)..., nhằm mục đích không cho chủ đất chuyển nhượng đất nếu trên đất có công trình xây dựng tồn tại, ngăn chặn được việc chuyển nhượng nếu trên đất có các vi phạm về TTXD.

Nhưng thực tế khâu trên bị vướng mắc, do Văn phòng Đăng ký đất đai 24 quận, huyện chỉ cung cấp thông tin phối hợp, tạm dừng việc giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận QSDĐ theo đề nghị của chủ tịch UBND cấp quận và chánh thanh tra Sở Xây dựng tại các địa chỉ có công trình vi phạm TTXD.

Do đó, khi cấp phường, quận là những nơi sát sườn nhất với các vi phạm tại địa phương lập văn bản yêu cầu các Văn phòng Đăng ký đất đai 24 quận, huyện phối hợp thì đều bị từ chối, do không đủ cơ sở pháp lý để thực hiện.

Theo một chủ tịch phường, việc cưỡng chế công trình vi phạm hiện nay cũng gặp vô vàn khó khăn, vì không có kinh phí thực hiện và rào cản trong thanh quyết toán. Theo một chủ tịch phường, Thông tư số 05/2017/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý, tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định rõ về chi cho công tác cưỡng chế, như: chi phí máy móc, xe cộ, con người, tạm ứng chi phí..., nhưng thực tế khi áp dụng thì không mấy địa phương làm được. Các chi phí cưỡng chế do địa phương (cấp phường tạm ứng) nên không được quyết toán, cứ "treo" mãi trên tài khoản nợ của địa phương.

Trong khi đó, hướng dẫn của Phòng Kế hoạch - Tài chính cấp quận về chi phí cho công tác cưỡng chế cũng đòi hỏi làm từng bước, như: đấu thầu, hợp đồng dịch vụ tháo dỡ theo quyết định cưỡng chế, báo giá đấu thầu... Vì rắc đối, phức tạp như thế nên nhiều công trình vi phạm đã tồn tại hàng chục năm vẫn chưa bị cưỡng chế tháo dỡ.

Tại xã Vĩnh Lộc A (H.Bình Chánh), lực lượng chức năng phát hiện vi phạm xây dựng khung sắt, mái tôn với diện tích 630m2 trên một phần thửa đất số 116, tờ bản đồ số 14; nhưng mãi tới ngày 10-7-2020, UBND H.Bình Chánh mới ban hành quyết định xử phạt, chưa biết đến lúc nào mới thực hiện cưỡng chế.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân dẫn đoàn công tác thị sát tình hình vi phạm trật tự xây dựng tại huyện Bình Chánh (Ảnh: CTV)

Sau khi Quyết định 58/2013/QĐ-UBND của UBND TPHCM được ban hành, số vụ vi phạm xây dựng tăng, một phần do xuất phát từ việc phân cấp và đùn đẩy trách nhiệm. Hiện nay, các Đội thanh tra địa bàn quận, huyện chỉ chịu trách nhiệm kiểm tra, lập biên bản vi phạm, tham mưu cho sở, ban, ngành ra quyết định xử phạt đối với các công trình xây dựng có giấy phép do UBND cấp huyện cấp.

Công đoạn tổ chức cưỡng chế là khó khăn nhất được giao cho UBND cấp quận. Còn các công trình không phép thì thuộc thẩm quyền của cấp phường. Chưa kể hằng năm, khi Đội thanh tra xây dựng thực hiện luân chuyển địa bàn, có thể mặc nhiên thoát trách nhiệm khi phát hiện công trình vi phạm, với lý do thời điểm họ quản lý thì vi phạm chưa xảy ra.

CẦN THÁO GỠ NHIỀU "NÚT THẮT"

Theo góp ý của nhiều cán bộ địa chính, thanh tra xây dựng, hiện nay điều quan trọng nhất mà thành phố cần làm là thống nhất Đội thanh tra địa bàn, công chức địa chính cấp phường phải chịu trách nhiệm chính trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực TTXD tại địa phương.

Cần quy định cụ thể về trách nhiệm, chức năng, quyền hạn, thẩm quyền kiểm tra, xử lý tất cả các công trình sai phép, không phép trên địa bàn 24 quận, huyện của thành phố, tập trung về một đầu mối là thanh tra xây dựng, nhất là thanh tra xây dựng tại 24 Đội thanh tra xây dựng tại 24 quận, huyện, để tinh gọn, phân cấp mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng - đô thị trực thuộc UBND cấp quận quản lý.

Điều này sẽ hạn chế được tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, dễ dàng quy trách nhiệm khi nhận xét, đánh giá, kỷ luật, tạo thuận lợi trong việc phân công công việc, hạn chế việc phân biệt đây là công trình thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng hay UBND cấp quận xử lý, đồng thời thống nhất quy định về việc cấp nào ban hành quyết định xử phạt thì phải có trách nhiệm cưỡng chế, tháo dỡ công trình vi phạm.

Theo anh B. (cán bộ địa chính), để việc cưỡng chế có hiệu quả, nhanh chóng, cần quy định rõ việc chủ tịch UBND cấp quận phải chịu trách nhiệm về quản lý trật tự đô thị trước chủ tịch UBNDTP. Chủ tịch UBND cấp quận phải là người trực tiếp ban hành và chủ trì tổ chức thực hiện các quyết định xử phạt, cưỡng chế kê biên, cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm, để tránh tình trạng chủ tài khoản UBND cấp quận không chịu ký các khoản chi liên quan đến công tác cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm.

Một biện pháp khác để việc ngăn ngừa vi phạm TTXD là cần ban hành quy định buộc các Văn phòng Đăng ký đất đai cùng Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp quận khi nhận được các biên bản vi phạm hành chính và văn bản về các trường hợp vi phạm TTXD do tổ công tác quản lý TTXD chuyển đến, phải tạm dừng giải quyết hồ sơ nhà, đất cho đến khi chủ đầu tư chấp hành xong quyết định của UBND các cấp. Nếu làm được điều này, sẽ tạo cho người dân ý thức được việc không cơi nới diện tích không.

Cạnh đó, cần có quy định cho phép xử lý, tháo dỡ "nóng" các công trình vi phạm, tái phạm, ngay khi công trình vừa mới hình thành bằng kết cấu khung sắt, mái tôn, mái bạt... Việc tháo dỡ "nóng" sẽ vừa đảm bảo tính kịp thời trước khi công trình "biến tướng" thêm, vừa tiết kiệm được thời gian, chi phí, giảm thiệt hại cho người dân.

Đáng chú ý, phải xử lý "nóng" ngay từ đầu đối với các hành vi, như: đặt cống thoát nước, san lấp, hình thành đường giao thông..., để ngăn chặn tình trạng phân lô, bán nền trái phép của đầu nậu. Khi phát hiện đầu nậu nào có các hành vi trên, cơ quan chức năng sẽ chuyển hồ sơ sang công an để truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp này, tổ công tác quản lý TTXD được quyền tạm giữ phương tiện, vật tư và chuyển về UBND cấp phường để chờ xử lý.

Kỳ 1: Vi phạm trật tự xây dựng có thật sự giảm?
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang