Liên tục xô ngã những… kỷ lục
Từ cuối năm 2023 đến nay, giá vàng liên tục tăng. Đỉnh điểm, ngày 02/3/2024, giá vàng miếng SJC lần đầu chạm ngưỡng 81 triệu đồng/lượng sau khi giá vàng thế giới tăng gần 40USD/ounce, kéo theo là giá USD cũng tăng cao. Đây là mức giá kỷ lục của vàng miếng SJC sau bao nhiêu năm độc quyền. Trước đó, những ngày cuối năm 2023, giá vàng SJC cũng "nhảy múa" dữ dội, đỉnh điểm là ngày 02/12/2023, vàng miếng SJC từng có lúc tăng đến 80,3 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, giá vàng vẫn liên tục tăng. Ngày 11/3, giá vàng trong nước lại tăng sốc, lập đỉnh khiến nhu cầu mua vàng tăng mạnh. Đến 12 giờ cùng ngày, giá vàng SJC được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 80 triệu đồng/lượng, bán ra 82 triệu đồng/lượng. Nếu tính từ đầu năm đến nay, giá vàng SJC đã tăng tới 6 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn, vàng trang sức 24K các loại được Công ty SJC đẩy lên 68,85 triệu đồng/lượng mua vào, 70,1 triệu đồng/lượng bán ra, tăng khoảng 800.000 đồng mỗi lượng so với ngày 10/3. Cũng trong ngày 11/3, Công ty Bảo Tín Minh Châu ở Hà Nội bán vàng nhẫn trơn lên tới 71,38 triệu đồng/lượng, mua vào cũng vượt 70 triệu đồng/lượng. Nếu tính từ đầu năm đến nay, giá vàng nhẫn tăng tới 7 triệu đồng/lượng.
Dù giá vàng tăng liên tục, lập đỉnh mọi thời đại, nhu cầu mua vàng của người dân vẫn tăng, nhất là đối với vàng nhẫn vì vẫn kỳ vọng giá vàng thế giới còn tiếp tục tăng mạnh thời gian tới. Người mua tin giá vàng vẫn còn tăng do trước đó dự báo giá vàng có thể vượt qua vùng 2.100USD/ounce hoặc 2.175USD/ounce và trên thực tế, giá vàng thế giới đã vượt qua các ngưỡng này.
Đến trưa 11/3, giá vàng thế giới giao dịch ở mức 2.181 USD/ounce, tăng nhẹ so với phiên cuối tuần, tương đương 65,2 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng nhẫn gần 4 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng SJC khoảng 16,8 triệu đồng/lượng. Cùng là vàng 99,99%, nhưng giá vàng SJC đang cao hơn vàng nhẫn khoảng 10 triệu đồng. Mới nhất, trong ngày 12/3, giá vàng vẫn tiếp tục "nhảy múa", vàng nhẫn trong nước tăng quanh ngưỡng 200.000 - 300.000 đồng/lượng, trong khi giá vàng miếng SJC chạm ngưỡng 82,25 triệu đồng/lượng và cao hơn vàng nhẫn gần 12 triệu đồng/lượng.
Cách đây hơn 2 tháng, trưa 28/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1426 chỉ đạo về các giải pháp quản lý thị trường vàng và yêu cầu không để "vàng hóa" nền kinh tế; yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đánh giá lại thị trường vàng thương hiệu SJC... Ngay lập tức giá vàng tụt dốc! Ngày hôm sau và những ngày tiếp theo, giá vàng SJC vẫn neo quanh mốc 80 triệu đồng/lượng như chờ các động tĩnh của NHNN nhưng chẳng thấy gì và giá vàng tiếp tục tăng cho đến nay.
Với tình hình giá vàng luôn tăng đã gây tâm lý bất ổn, có thể tác động tiêu cực đến tỉ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia. Vấn đề căn bản trong điều hành giá vàng hiện nay là làm sao đừng để chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới quá lớn, có lúc lên đến 20 triệu đồng/lượng, là phi lý trong điều kiện một thị trường liên thông như hiện nay. Đáng nói, NHNN cho đến nay vẫn chưa có một động thái nào can thiệp.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, trong quý I/2024, NHNN sẽ có báo cáo tổng kết Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường. Cho đến nay, chỉ còn hơn 10 ngày nữa là hết quý I/2024 nhưng chưa thấy NHNN có động thái can thiệp gì!
Giá vàng liệu có còn tiếp tục tăng?
Hơn 14 năm qua, việc kinh doanh vàng chi phối bởi Nghị định 24/2012. Nghị định này chủ yếu chống "vàng hóa" nền kinh tế khi đó, xem vàng miếng SJC là sản phẩm độc quyền của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn. Đến nay, Nghị định 24 xem như đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình và thị trường vàng rất cần thiết có những chính sách mới để ít nhất cân đối được chênh lệch giá vàng quá cao giữa vàng trong nước và thế giới.
Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước khi sửa đổi Nghị định 24
Đầu tháng 3/2024, NHNN đã có tờ trình đề xuất và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao NHNN làm đầu mối phối hợp với các bộ, ngành chức năng có liên quan tiếp tục triển khai các giải pháp theo quy định tại Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng. Thế nhưng đã gần hết quý I/2024, vẫn chưa có thông tin gì mới về việc sửa đổi Nghị định 24.
Trong bối cảnh đó, giới phân tích dự báo, nếu không sớm có chính sách can thiệp thị trường vàng của cơ quan quản lý, giá vàng nhẫn có thể tiếp tục vượt trên 7 triệu đồng/chỉ và giá vàng miếng SJC có thể lên tới 85 triệu đồng/lượng do thị trường khan hiếm nguồn cung.
Theo nhận định của ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, giá vàng trong nước đang nhận được cú hích từ căng thẳng địa chính trị trên thế giới, xu hướng mua vàng để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương và nhu cầu tiêu thụ của người dân. Hiện Việt Nam chưa cho phép nhập khẩu vàng cũng là yếu tố làm cho giá vàng tăng vọt. Vì vậy, khi NHNN chưa có biện pháp can thiệp thị trường thì giá vàng SJC còn tăng và tất nhiên mức chênh lệch so với giá thế giới vẫn sẽ rất cao.
Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới - ông Shaokai Fan cũng nhận định rằng, chính sách hạn chế nhập khẩu vàng của Việt Nam là nguyên nhân chính khiến giá vàng trong nước chênh lệch lớn với giá vàng thế giới. Nhiều chuyên gia có chung nhận định, giá vàng vẫn tiếp tục tăng mạnh, phá hết kỷ lục này đến kỷ lục khác và không ai biết được kỷ lục cuối cùng của giá vàng là bao nhiêu.
Trong khi đó, việc USD yếu đi khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất cũng đẩy giá vàng thế giới tăng cao. Ở nước ta, việc NHNN có chính sách nới lỏng lãi suất sớm so với các ngân hàng trung ương toàn cầu (qua 4 lần hạ lãi suất từ tháng 4/2023) đã có sóng dịch chuyển vốn đầu tư lớn, dòng tiền dịch chuyển phân bổ vào những kênh tài sản có giá trị tăng, trong đó có vàng. Cộng với thị trường chứng khoán hay bất động sản vẫn chưa hồi phục, làm vàng được đánh giá là kênh đầu tư an toàn, sinh lời tốt ở thời điểm hiện tại.
Vấn đề hiện nay, dù có sửa Nghị định 24/2012 cũng không thể kéo giá vàng đi xuống. Sửa nghị định này và có các biện pháp để làm giá vàng trong nước liên thông với thế giới mới quan trọng. Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM, NHNN nên tăng nguồn cung bằng cách cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng, hoặc NHNN nhập khẩu vàng để sản xuất thêm lượng vàng SJC để kéo giá vàng trong nước xuống gần ngang bằng với thế giới.
Cũng có ý kiến đề xuất cơ quan quản lý có thể thu mua vàng trong dân thông qua các đơn vị kinh doanh vàng ở trong nước, sẽ hạn chế việc nhập khẩu vàng và đáp ứng được nguồn cung mà không tốn ngoại tệ... Điều cần thiết trong việc sửa đổi Nghị định 24 là làm cho thị trường vàng tới đây được tự do hóa hơn; vừa bảo đảm quản lý vừa bảo đảm tính thị trường.
Phó Thống đốc NHNN, ông Đào Minh Tú từng khẳng định, dù vàng SJC còn độc quyền hay có nhiều thương hiệu khác cùng tham gia vào thị trường, mục tiêu cuối cùng là thị trường vàng không ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế vĩ mô. Đây là quyền lợi của 100 triệu dân Việt Nam. Nhà nước luôn luôn tôn trọng quyền cất trữ, quyền mua bán vàng miếng của người dân. Song, toàn dân không thể đi kinh doanh vàng miếng.
"Quyền lợi của nhóm doanh nghiệp kinh doanh vàng rất nhỏ so với lợi ích của toàn bộ 100 triệu dân. Nhà nước không khuyến khích kinh doanh vàng miếng, không bảo hộ giá cả của các tổ chức kinh doanh vàng miếng", ông Đào Minh Tú nhấn mạnh tại cuộc họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 2024 hôm 03/01/2024.
Vấn đề căn bản, cũng là nhiệm vụ của NHNN là làm sao để giá vàng trong nước liên thông với thế giới, tức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức có thể chấp nhận được. Đó là điểm mấu chốt để xây dựng một thị trường vàng trong nước phát triển lành mạnh.
Theo trang tin Yahoo News, các yếu tố chính ảnh hưởng đến giá vàng là lạm phát, nhu cầu tăng từ các ngân hàng trung ương, tình trạng phi USD hóa ở các nền kinh tế đang phát triển, tình hình kinh tế vi mô và những tác động của địa chính trị. Sự kết hợp của những yếu tố này sẽ làm cho giá vàng thế giới tăng trong năm 2024. Yahoo News dự báo, trong nửa đầu năm 2024, giá vàng có thể vượt mức 2.200USD/ounce (thực tế đến ngày 11/3, giá vàng thế giới đã lên đến 2.181USD/ounce). Trong nửa cuối năm 2024, xu hướng tăng giá vàng có thể sẽ tiếp tục và có thể đạt mức giá 2.300USD/ounce.
Khảo sát của Kitco News (trang web về kinh doanh vàng bạc, đá quý) cho thấy, đa số người được hỏi đã cho rằng vàng sẽ tăng giá trong tuần từ ngày 11 đến 17/3. Cũng trên Kitco, Christopher Vecchio - chuyên gia của mạng lưới tài chính Tastylive cho rằng, không có dấu hiệu nào cho thấy xu hướng vàng sẽ sớm thay đổi.
Còn Adrian Day - Chủ tịch Công ty Quản lý tài sản Adrian Day Asset Management tin rằng, vàng được hỗ trợ mạnh bởi những lực lượng mua mới (là ngân hàng trung ương các nước) lẫn những người mua cuối cùng - đó là các nhà đầu tư nhỏ lẻ ở các nước cũng đang tham gia vào mua vàng. Tất cả cho thấy sức mua vàng được dự báo sẽ rất mạnh mẽ và có động lực để tăng. Theo dữ liệu của trang FactSet, vàng tăng thêm 394% giá trị trong 20 năm qua.