Chủ động có các giải pháp hiệu quả để điều tiết giá nhà ở

Thứ Năm, 07/03/2024 14:41  | Thanh Hòa

|

(CAO) Đây là đề nghị của Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng tại Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, được tổ chức trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố vào sáng 7/3.

Tại hội nghị, tham luận về công tác triển khai Luật Nhà ở, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo sớm ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật này bảo đảm tiến độ, chất lượng, đồng bộ với các luật có liên quan mới được Quốc hội thông qua như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.

Trong quá trình tổ chức thi hành Luật, đề nghị Chính phủ kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo xử lý, giải quyết các vấn đề vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đúng quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội.

“Đề nghị Chính phủ chủ động có các giải pháp hiệu quả để điều tiết giá nhà ở như tập trung phát triển mạnh nhà ở xã hội phù hợp với khả năng chi trả của người có thu nhập trung bình và thấp; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các dự án phát triển nhà ở để tăng nguồn cung, sẵn sàng can thiệp khi thị trường có dấu hiệu tăng “nóng”, “sốt ảo”; quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin về bất động sản, nâng cao năng lực quản lý, điều tiết thị trường đất đai, bất động sản, hướng tới công khai, minh bạch và chuyên nghiệp hơn”- Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt Đề án thí điểm cho phép thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất khác (không phải là đất ở); việc thí điểm nên được triển khai tại một số tỉnh, thành phố lớn... để tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản, giải phóng nguồn lực về đất đai, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tích cực đẩy mạnh triển khai các chính sách, quy định mới về nhà ở xã hội để tăng cường thu hút nguồn lực phát triển phân khúc này, góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở vừa túi tiền, góp phần hoàn thành mục tiêu của Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 – 2030”.

Báo cáo công tác giám sát việc triển khai đối với một số luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5 thuộc lĩnh vực Ủy ban Kinh tế phụ trách, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về công tác giám sát việc triển khai Luật Đất đai, Luật Đất đai năm 2024 có 97 nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết, 9 nội dung giao các Bộ hướng dẫn thi hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Để Luật Đất đai sớm đi vào cuộc sống, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai phải có hiệu lực đồng bộ với hiệu lực thi hành của Luật.

Trong năm 2024, dự kiến sẽ ban hành các Nghị định thi hành Luật Đất đai về các nội dung sau: Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai; Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Quy định về quỹ phát triển đất; Quy định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; Quy định về giá đất; Quy định chi tiết về đất trồng lúa; Quy định về lấn biển; Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Ông Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, trong năm 2024, Quốc hội thực hiện giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.

Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, được tổ chức trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố

Nội dung giám sát tập trung vào các vấn đề: công tác chỉ đạo, tổ chức thi hành, quản lý điều hành, điều tiết thị trường bất động sản; nguồn cung bất động sản; giao dịch bất động sản; tình hình hoạt động của doanh nghiệp bất động sản; công tác quy hoạch; việc sử dụng đất để thực hiện dự án bất động sản; trình tự, thủ tục thực hiện dự án bất động sản; nguồn vốn cho thị trường bất động sản; kinh doanh dịch vụ bất động sản; công khai, minh bạch thông tin về thị trường bất động sản; công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật, điều tra, xét xử, thi hành án trong kinh doanh bất động sản…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế khẳng định, kết quả giám sát sẽ là căn cứ quan trọng để xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Bình luận (0)

Lên đầu trang