Công an TPHCM – Sở Tư pháp: Phối hợp triển khai trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự

Thứ Tư, 06/03/2024 10:51  | Mai Anh

|

(CAO) Việc ký kết Chương trình trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Sáng 06/3, tại trụ sở Công an TPHCM đã diễn ra Lễ ký kết chương trình phối hợp trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự giữa Công an TPHCM và Sở Tư pháp TPHCM. Chủ trì lễ ký kết có Thiếu tướng Mai Hoàng, Thành ủy viên, Phó Giám đốc Công an TPHCM; ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM.

Thiếu tướng Mai Hoàng, Thành ủy viên, Phó Giám đốc Công an TPHCM và ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM đồng chủ trì lễ ký kết

Chương trình phối hợp giữa Sở Tư pháp và Công an TPHCM trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự nhằm triển khai kịp thời Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an về trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự. Bảo đảm tiếp cận trợ giúp pháp lý kịp thời trong tố tụng hình sự cho người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã (viết tắt là người bị bắt); người bị tạm giữ, bị can, bị hại, đương sự là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý tiếp cận sớm với trợ giúp pháp lý, được giải thích đầy đủ, cung cấp và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời, chất lượng, phù hợp với người dưới 18 tuổi và các đối tượng đặc thù khác.

Thiếu tướng Mai Hoàng và ông Nguyễn Văn Vũ đại diện 2 đơn vị ký kết chương trình phối hợp

Bên cạnh đó, nhằm tăng cường số lượng người sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý, nâng cao vị thế vai trò của trợ giúp pháp lý trong tố tụng hình sự; bảo đảm triển khai hiệu quả các quy định về tố tụng hình sự, nhất là quyền của người được trợ giúp pháp lý trong các vụ việc, vụ án hình sự.

Việc ký kết cũng nhằm tăng cường công tác phối hợp giữa Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TPHCM với Cơ quan điều tra CAND, các Cơ quan của CAND được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Trại tạm giam CATP, Nhà tạm giữ Công an cấp huyện, Công an cấp xã về thực hiện trợ giúp pháp lý cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, đặc biệt trong giai đoạn giải thích, thông tin, thông báo về trợ giúp pháp lý.

Chương trình được thực hiện trên địa bàn TPHCM. Phạm vi thực hiện gồm: Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TPHCM; Cơ quan điều tra của CAND; các cơ quan của CAND được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Trại tạm giam CATP, Nhà tạm giữ Công an cấp huyện (các cơ sở giam giữ); Công an cấp xã. Hình thức là trực qua điện thoại, với thời gian 24/24 giờ.

Cơ chế tiếp nhận yêu cầu trợ giúp pháp lý là khi phát hiện người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị hại, đương sự là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cơ sở giam giữ, Công an cấp xã gọi điện thông báo ngay cho người trực hoặc người hỗ trợ trực; cung cấp họ tên, số điện thoại, địa chỉ của người đó hoặc người thân thích của họ (nếu có) cho người trực hoặc người hỗ trợ trực.

Sau khi tiếp nhận thông tin, người trực hoặc người hỗ trợ trực có trách nhiệm ghi chép đầy đủ thông tin về thời gian tiếp nhận người báo tin về người được trợ giúp pháp lý vào Sổ trực trợ giúp pháp lý; đồng thời liên hệ ngay với người thuộc diện được trợ giúp pháp lý hoặc người thân thích của họ để xác minh thông tin, hướng dẫn họ thực hiện các thủ tục để được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý.

Trong trường hợp người thuộc diện được trợ giúp pháp lý là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị can không bị tạm giam, bị hại, đương sự trong vụ án hình sự, căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, người trực hoặc người hỗ trợ trực hướng dẫn người thuộc diện được trợ giúp pháp lý hoặc người thân thích của họ để thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý.

Còn nếu người thuộc diện được trợ giúp pháp lý là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can bị tạm giam và không thuộc trường hợp quy định người bào chữa từ khi kết thúc điều tra theo quy định tại Điều 74 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, người trực phối hợp với Điều tra viên, cán bộ điều tra đang thụ lý, giải quyết vụ việc, người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ để kiểm tra diện người được trợ giúp pháp lý.

Thiếu tướng Mai Hoàng, Phó Giám đốc CATP phát biểu tại lễ ký kết

Phát biểu tại lễ ký kết, Thiếu tướng Mai Hoàng, Phó Giám đốc CATP cho biết, với tinh thần chủ động, trách nhiệm, Sở Tư pháp Thành phố đã phối hợp với CATP xây dựng Chương trình trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự giữa 2 đơn vị theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chương trình phối hợp của Bộ Tư pháp và Bộ Công an; qua đó, cụ thể hóa quy định về phạm vi thực hiện, hình thức trực, nhân lực thực hiện, cơ chế tiếp nhận yêu cầu trợ giúp pháp lý và nhiệm vụ của người trực, người hỗ trợ trực, trách nhiệm của các cơ quan để tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn TPHCM.

Việc ký kết Chương trình phối hợp trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự đã thể hiện sự phối hợp ngày càng chặt chẽ, thiết thực của Sở Tư pháp Thành phố và CATP trong việc tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người được trợ giúp pháp lý trong việc tiếp cận thông tin trợ giúp pháp lý ở giai đoạn điều tra hình sự, hướng tới việc lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý làm trung tâm việc ký kết.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm

“Sự tham gia sớm của trợ giúp viên pháp lý trong quá trình điều tra các vụ án hình sự giúp người bị buộc tội, người bị kiến nghị khởi tố yên tâm hơn, hiểu về quyền và nghĩa vụ của mình. Qua đó, góp phần giúp các điều tra viên điều tra vụ án được khách quan, nhanh chóng và cũng góp phần nâng cao chất lượng điều tra viên cũng như các mặt công tác điều tra của Cơ quan điều tra Công an TPHCM. Đồng thời, việc ký kết Chương trình này cũng góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”, Thiếu tướng Mai Hoàng nhấn mạnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang