Lá thư không có giá trị tại phiên tòa
Trong phần đối đáp ngày 02/4/2024, luật sư bào chữa của bị cáo Trương Mỹ Lan bị chủ tọa phiên tòa nhắc nhở và cho biết: lá thư được cho là của Tiến sĩ Justin Chu (Giám đốc điều hành Tập đoàn CK Asset Holdings Limited - Hồng Kông, Trung Quốc) từ nước ngoài gửi đến TAND TPHCM để "bày tỏ những tình cảm tốt đẹp với bà Trương Mỹ Lan", do chưa được hợp pháp hóa lãnh sự nên không được xem là một phần của luận cứ bào chữa. Chủ tọa phiên tòa cũng nhắc nhở luật sư không đề cập đến lá thư này để tránh sự hiểu nhầm, hiểu sai và chấm dứt không nói về lá thư này.
Đối đáp với Viện kiểm sát (VKS), luật sư cho rằng bị cáo Trương Mỹ Lan là khách hàng lớn nhất của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (Ngân hàng SCB). Lúc nào bị cáo này vay đều có tài sản thế chấp. Trong khi đó, đại diện VKS đối đáp với các luận cứ của luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trước đây cho thấy, nhiều bị cáo trong vụ án này khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, nhưng một số luật sư trong phần tranh luận chưa thật sự nghiêm túc, luận cứ đưa ra không bám sát diễn biến của phiên tòa, ảnh hưởng đến quyền lợi của các bị cáo. Một số luật sư sử dụng từ ngữ mang tính nhận định, thiếu căn cứ về phần đánh giá của VKS và không nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án.
Đại diện VKS đối đáp theo các nhóm vấn đề, đánh giá hậu quả thiệt hại trong vụ án. Theo đó, tại phiên tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan không thừa nhận đã thao túng Ngân hàng SCB, tuy nhiên việc buộc tội có chứng cứ rõ ràng. Đối đáp về lập luận của các luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng bị cáo này không phải chủ thể của tội danh tham ô tài sản, đại diện VKS khẳng định mặc dù bị cáo Lan không phải là thành viên HĐQT Ngân hàng SCB, nhưng nhận định của luật sư đưa ra không đúng Luật Doanh nghiệp, Luật Các tổ chức tín dụng, tài liệu thu thập được và kết quả thẩm tra tại tòa.
Hầu hết các bị cáo tỏ ra ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo
Cụ thể, Ngân hàng SCB thành lập dưới hình thức công ty cổ phần, đại hội đồng cổ đông (gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết) là cơ quan cao nhất, HĐQT chỉ là cơ quan quản lý công ty do đại hội đồng cổ đông bầu ra. Cáo trạng kết luận bị cáo Trương Mỹ Lan có quyền hạn chi phối, điều hành mọi hoạt động của Ngân hàng SCB là có căn cứ (có quyền bầu, miễn nhiệm thành viên của HĐQT Ngân hàng SCB). Bị cáo Trương Mỹ Lan đã bố trí lãnh đạo Ngân hàng SCB, đây là điều kiện, phương thức, thủ đoạn để bà Lan biến ngân hàng này thành công cụ rút tiền.
Nhiều bị cáo mong được khoan hồng
Đối đáp với VKS, luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Văn Phi (nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB, bị luận tội và đề nghị HĐXX tuyên án từ 7 - 8 năm tù) cho rằng bị cáo này thành thật, khai báo thành khẩn. Luật sư không tranh luận về tội danh do VKS truy tố, nhưng nêu về các khoản vay không có thiệt hại thì cần dựa trên phương pháp suy luận vô tội cho bị cáo. Luật sư mong VKS và HĐXX xem xét.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB, bị đề nghị tuyên phạt từ 19 - 20 năm tù) đối đáp với VKS rằng: Quan điểm tranh luận của luật sư có sự khác biệt với VKS. Việc định giá tài sản trong vụ án để làm cơ sở buộc tội cần rõ ràng. HĐXX cần xem xét giảm nhẹ mức án đối với bị cáo Trần Thị Mỹ Dung. Khi được HĐXX gọi lên, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung nói: "Xin cảm ơn HĐXX, đại diện VKS, bị cáo không có ý kiến".
Quang cảnh phiên tòa
Trong khi đó, bị cáo Hồ Bửu Phương (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt - TVSI, nguyên Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị đề nghị mức án từ 19 - 20 năm tù) trình bày: "Bị cáo có ý kiến nhỏ thôi ạ, xin VKS, HĐXX khoan hồng cho bị cáo khi lượng hình". Đối đáp với VKS, luật sư bào chữa cho bị cáo Hồ Bửu Phương cho rằng bị cáo chỉ hoạt động với tính chất chuyên môn, có phần trách nhiệm; bị cáo không biết hành vi của mình là hành vi phạm tội, chỉ biết làm công việc của mình, giữ vai trò thứ yếu. Do đó, luật sư mong HĐXX xem xét đúng hành vi của bị cáo Phương.
Tại tòa, luật sư của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Capella) cảm ơn VKS đã lắng nghe, ghi nhận việc khắc phục hậu quả của bị cáo Trí. Luật sư cũng cho biết, gia đình bị cáo Trí đã hứa khắc phục hậu quả phần còn lại cho bị cáo Nguyễn Cao Trí và trong sáng 02/4/2024 đã nộp 61 tỷ đồng. Cũng trong phần đối đáp với VKS, bị cáo Trí đồng ý với phần tranh luận của luật sư bào chữa.
Bị cáo Trương Mỹ Lan
Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Cao Trí bị VKS đề nghị mức án từ 10 - 11 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Khi khởi tố, bắt tạm giam bị cáo Trí, cơ quan tố tụng đã thu giữ tiền mặt khi khám xét người, nơi làm việc của bị cáo này là gần 94 tỷ đồng, gồm 3.312.200 USD và gần 17 tỷ đồng. Ngay sau đó, phía gia đình bị cáo Trí nộp khắc phục cho bị cáo này thêm 640 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra. Liên quan đến bị cáo Trí, cơ quan điều tra đã kê biên 7 bất động sản.
Trong phần nêu quan điểm giải quyết vụ án, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên buộc bị cáo Nguyễn Cao Trí khắc phục hậu quả 1.000 tỷ đồng. Tại phiên tòa, bị cáo Trí và gia đình mong muốn được khắc phục toàn bộ số tiền này. HĐXX cho biết, có nhận được đơn xin khắc phục số tiền hơn 200 tỷ đồng của vợ bị cáo Nguyễn Cao Trí và lời hứa tại phiên tòa sẽ khắc phục toàn bộ hậu quả do bị cáo Trí gây ra trong thời gian sớm nhất.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn (nguyên Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước; bị cáo buộc đã nhận hối lộ 5,2 triệu USD và đề nghị tuyên phạt án tù chung thân) thêm lần nữa xin HĐXX xem xét hoàn cảnh, điều kiện phạm tội, áp dụng biện pháp có lợi cho bị cáo, mong được khoan hồng. Nhiều bị cáo khác cũng xin được khoan hồng. Như bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng SCB, bị đề nghị tuyên phạt án tù chung thân) thành khẩn mong HĐXX cho phép áp dụng điều khoản có lợi cho mình.
Theo cáo trạng, từ năm 2012 - 2022, Ngân hàng SCB đã giải ngân cho nhóm bị cáo Trương Mỹ Lan hơn 2.500 khoản vay, với tổng số tiền hơn 1.066.000 tỷ đồng, chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng này. Đến năm 2022, nhóm bà Trương Mỹ Lan còn 1.284 khoản vay, dư nợ tại Ngân hàng SCB hơn 677.000 tỷ đồng (483.000 tỷ đồng dư nợ gốc, 193.000 tỷ đồng tiền lãi), nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi. Tại phiên tòa xét xử, VKS xác định bị cáo Trương Mỹ Lan là đối tượng chủ mưu, cầm đầu, phạm tội trong thời gian dài với thủ đoạn tinh vi, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của Ngân hàng SCB. Tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan vẫn khai báo quanh co, chối tội nên VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt từ 19 - 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, 20 năm tù về tội đưa hối lộ, tử hình về tội tham ô tài sản; tổng hợp hình phạt là tử hình.