Xét xử đại án Vạn Thịnh Phát: Những lời ăn năn hối cải muộn màng

Thứ Tư, 27/03/2024 17:13

|

(CATP) Ngày 26/3/2024, phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (gọi tắt là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) tiếp tục với phần các luật sư bào chữa cho thân chủ và phần tự bào chữa của các bị cáo. Các bị cáo nguyên là lãnh đạo Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) bày tỏ sự ăn năn hối cải và xin được hưởng khoan hồng.

Phạm pháp do "làm theo chỉ đạo"!

Phần bào chữa của các luật sư cho nhóm bị cáo nguyên là lãnh đạo Ngân hàng SCB đều cho rằng các bị cáo này là người làm công ăn lương, thực hiện theo chỉ đạo. Các bị cáo này đã bày tỏ sự thành khẩn ngay từ khi cơ quan điều tra vào cuộc và cung cấp tài liệu, chứng cứ để phục vụ công tác điều tra vụ án.

Bị cáo Trần Thuận Hòa (nguyên là thành viên HĐQT Ngân hàng SCB) bị phía Viện kiểm sát truy tố về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên án từ 4 - 5 năm tù. Luật sư bào chữa trình bày: Theo lời khai của bị cáo Hòa và các tài liệu, chứng cứ trong vụ án thì hành vi vi phạm của bị cáo là có, bị cáo Hòa cũng đã thừa nhận hành vi. Nhưng đề nghị HĐXX xem xét, đánh giá hành vi của bị cáo một cách khách quan và toàn diện, như việc bị cáo Hòa ký 2 phiếu biểu quyết về việc cấp tín dụng cho 71 khách hàng vay là vì công việc chung của Ngân hàng SCB, bản thân bị cáo không có động cơ vụ lợi, cũng không nhận được lợi ích gì trong việc ký 2 phiếu biểu quyết này.

Luật sư của bị cáo Trần Thuận Hòa cho rằng hội đồng tín dụng, tổng giám đốc ngân hàng phải chịu trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ, kiểm tra, đánh giá các khoản vay, điều kiện cho vay, tỉ lệ bảo đảm an toàn, phương án xử lý nợ, cơ cấu nợ để trình HĐQT phê duyệt. HĐQT là cơ quan quản lý chung, dựa vào các nội dung do tổng giám đốc trình để phê duyệt, thông qua hay không. Tại hồ sơ phê duyệt của HĐQT có nội dung "giao cho tổng giám đốc trình Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước phê duyệt trước khi thực hiện". Việc Ngân hàng SCB cho vay và nhận thế chấp các tài sản liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là nhằm xử lý nợ xấu, cơ cấu các khoản nợ trước khi hợp nhất ngân hàng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Việc quyết định có cho vay hay không, có chấp nhận các tài sản thế chấp hay không đều phải được báo cáo cho Tổ giám sát của NHNN phê duyệt trước khi thực hiện. Cho nên việc biểu quyết của các thành viên HĐQT Ngân hàng SCB giai đoạn này chỉ là thủ tục để hợp thức hóa chủ trương đã được thông qua, dưới sự chỉ đạo từ Tổ giám sát của NHNN.

Bị cáo Trương Mỹ Lan

Luật sư cũng nêu việc bị cáo Trần Thuận Hòa đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt, tác động gia đình khắc phục một phần hậu quả, hợp tác tích cực với cơ quan điều tra để xử lý nhanh chóng vụ án. Vì vậy, luật sư đề nghị HĐXX xem xét tính chất, mức độ của hành vi, động cơ, nhận thức, vai trò của bị cáo Trần Thuận Hòa không có động cơ vụ lợi, là người làm công ăn lương và chỉ đơn thuần thực hiện theo chỉ đạo. Khi tự bào chữa, bị cáo Hòa cũng tỏ ra ăn năn hối cải, xin được khoan hồng.

Nỗ lực khắc phục hậu quả

Nội dung các luật sư bào chữa và phần tự bào chữa của các bị cáo cho thấy các bị cáo nhóm nguyên là lãnh đạo Ngân hàng SCB đều thành khẩn khai báo, thừa nhận sai phạm và là người làm công ăn lương, không vụ lợi. Trong đó, luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Anh Phương (nguyên Giám đốc Ngân hàng SCB - Chi nhánh Sài Gòn, bị đề nghị tuyên phạt mức án từ 8 - 9 năm tù) cho rằng tính chất, vai trò đồng phạm của bị cáo này trong vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thuộc nhóm chủ động không làm theo chỉ đạo và nghỉ việc, vai trò không đáng kể. Bị cáo Lê Anh Phương đã nhận chỉ đạo của Nguyễn Phương Hồng, sau đó là Trần Thị Mỹ Dung (nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) rồi ký tờ trình thẩm định, hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, cầm cố... để các khách hàng thuộc "hệ sinh thái" Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay vốn. Các khoản vay này được Hồng, Dung chỉ đạo Khối tái thẩm định lập thông tin khoản vay trước, sau đó gửi về Chi nhánh Sài Gòn để hoàn tất thủ tục và hợp thức hóa.

Ngoài ra, luật sư cũng cho rằng thân chủ mình là bị cáo Lê Anh Phương không được trao đổi, bàn bạc, hứa hẹn, cho hưởng lợi gì ngoài lương, thưởng và chính sách theo hợp đồng lao động. Mô hình quản trị Ngân hàng SCB là quản trị tập trung tại hội sở. Giám đốc chi nhánh chỉ thực hiện nhiệm vụ ký hợp hợp đồng tín dụng mà không có quyền thẩm định lại những hồ sơ do Khối tái thẩm định đưa xuống, do tin tưởng cấp trên và danh tiếng của bà Trương Mỹ Lan, tại thời điểm đó cũng không thể biết những người đứng tên hộ.

An ninh phiên tòa luôn được thắt chặt

Khi được cơ quan điều tra hỏi về quy trình cho vay và cách nhận diện những hồ sơ vay vốn của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị cáo Phương khai đúng thực trạng quy trình phê duyệt đối với nhóm khách hàng của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Theo đó, Phương nhận chỉ đạo trực tiếp của Nguyễn Phương Hồng, sau đó là Trần Thị Mỹ Dung và buộc phải làm theo, nếu ai không tuân thủ, không đồng ý cho vay thì có thể sẽ bị thay thế, cho nghỉ việc, như cá nhân Phương bị cho nghỉ việc vào năm 2020, khi đang làm Giám đốc Ngân hàng SCB - Chi nhánh Sài Gòn. Có một số khoản vay được Trần Thị Mỹ Dung, Trương Khánh Hoàng chỉ đạo chi nhánh này lập hồ sơ cho vay, bị cáo Phương đã có ý kiến không đồng ý đối với các khoản vay thì ngay sau đó, Bùi Anh Dũng (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) mời Phương đến và nói sẽ sắp xếp cho qua đơn vị khác; Phương nghỉ làm việc tại ngân hàng kể từ thời điểm này. Luật sư cho rằng các điểm trên thể hiện ý chí chủ quan của bị cáo Phương khi nhận biết những hồ sơ vay vốn sai nên không thực hiện và chấp nhận nghỉ việc.

Cạnh đó, quá trình phê duyệt hồ sơ vay, bị cáo Lê Anh Phương cũng không trực tiếp gặp, trao đổi, giao dịch, đàm phán với khách hàng vay vốn mà tất cả chỉ thông qua Nguyễn Phương Anh và Thái Thị Thanh Thảo; Phương cũng không được liên quan đến các hoạt động giải ngân, rút tiền mặt. "Như vậy, bản thân bị cáo Phương cũng chỉ tham gia với vai trò người giúp sức nhưng không đáng kể, phạm tội không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, là người có quan hệ lệ thuộc, người làm công hưởng lương, khi phát hiện sai phạm đã kiên quyết không thực hiện và xin nghỉ việc" - Luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Anh Phương trình bày.

Tương tự nhiều bị cáo khác, bị cáo Lê Anh Phương đã ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, tự nguyện nộp tiền, tài sản để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra. Luật sư cho rằng trong quá trình điều tra, từ giai đoạn ban đầu khi chưa bị khởi tố bị can và khi được triệu tập đến lấy lời khai, Lê Anh Phương đã tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, cung cấp nhiều thông tin đúng sự thật, không chỉ về nhóm tội phạm "vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" mà còn cung cấp tài liệu, chứng cứ của những tội phạm khác, giúp mở rộng điều tra, củng cố tài liệu, chứng cứ về hành vi của bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm khác. Đặc biệt, chính bị cáo Lê Anh Phương đã cung cấp những tài liệu quan trọng để cơ quan điều tra làm rõ hành vi nâng khống trị giá tài sản được định giá.

Theo cáo trạng, bị cáo Trần Văn Tuấn (nguyên Thanh tra viên của Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp (Vụ II) thuộc Thanh tra Chính phủ) đã nhận 6.000 USD và 40 triệu đồng của Ngân hàng SCB, bị đề nghị HĐXX tuyên phạt từ 3 - 4 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tại tòa, bị cáo này tỏ ra ăn năn hối cải, bản thân già yếu, cũng xin được khoan hồng và đã nộp lại số tiền trên.

Bình luận (0)

Lên đầu trang