"Vòi bạch tuộc" tín dụng đen bủa vây công nhân

Thứ Ba, 26/03/2024 08:49  | Tiêu Ngọc

|

(CATP) Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, cuộc sống của công nhân gặp nhiều khó khăn. Lợi dụng tình trạng đó, các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" tiếp cận, dụ dỗ công nhân đang làm việc tại các Khu công nghiệp (KCN) vay tiền với lời mời gọi hấp dẫn: "lãi suất thấp, thủ tục đơn giản". Để có tiền giải quyết công việc, trang trải cuộc sống, nhiều công nhân đã "sập bẫy".

Dạo quanh những khu vực tập trung đông công nhân hoặc KCN, nhan nhản những tờ rơi quảng cáo "hỗ trợ tài chính", "cho vay tiền góp" được dán khắp các cột điện, tường nhà. Với những chiêu thức ngày càng tinh vi, các dịch vụ hỗ trợ tài chính, cầm đồ, vay nhanh, trả gọn, "tín dụng đen" đang ngày càng "len lỏi" vào đời sống của công nhân lao động. Đồng thời, công nghệ phát triển đã tạo điều kiện để "tín dụng đen" tiếp cận người vay nhanh hơn thông qua các app cho vay trực tuyến với lãi suất rất cao. Nhiều người lao động trong tình cảnh khó khăn và đang cần những khoản tiền gấp để trang trải cuộc sống rất dễ dàng dính các "bẫy" tín dụng đen.

Một nữ công nhân làm việc ở KCN Tam Thăng (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) kể, cuối năm vừa rồi, công ty ít hàng và cắt giảm giờ làm khiến thu nhập của chị cũng giảm đáng kể. Không đủ tiền chi trả sinh hoạt gia đình, chị liên hệ vay tiền thông qua tờ rơi nhặt được tại phòng trọ. Theo yêu cầu, chị photo CCCD đưa cho một người đàn ông để vay 10 triệu đồng với lãi suất 20%/tháng.

Trần Văn Thao
Nguyễn Văn Mạnh tại cơ quan điều tra

"Lúc làm thủ tục vay tiền, nhóm người này nói nộp tiền lãi trễ vài ngày cũng được. Tuy nhiên, khi tôi không kịp trả lãi thì bị các đối tượng gọi điện thoại đe dọa sẽ hành hung và tự ý tăng lãi suất với lý do vi phạm hợp đồng. Liên tục bị "khủng bố" tinh thần, tôi đành mượn tiền bạn bè, người thân trả tiền gốc và tiền lãi cho các đối tượng. Tổng số tiền lãi phải trả sau 6 tháng là gần 20 triệu đồng", nữ công nhân kể.

Tiếp nhận phản ánh của người bị hại, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp Công an TP.Tam Kỳ xác lập chuyên án, tập trung lực lượng điều tra. Lực lượng Công an đã làm rõ nhóm đối tượng quê ở Ninh Bình vào Quảng Nam hoạt động cho vay nặng lãi. Ngày 12/01/2024, Công an TP.Tam Kỳ đã bắt giữ Trần Văn Thao (SN 1993, quê Ninh Bình; tạm trú phường An Sơn, TP.Tam Kỳ) cùng 4 đối tượng khác về hành vi "cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".

Theo điều tra, đường dây "tín dụng đen" do Thao cầm đầu cùng đồng bọn hoạt động trên địa bàn TP.Tam Kỳ và các huyện lân cận như: Núi Thành, Phú Ninh... với lãi suất 365%/năm. Người vay chủ yếu ngoài công nhân lao động thì "khách hàng" bọn chúng nhắm đến là tiểu thương ở các chợ, người buôn bán nhỏ lẻ... Đường dây của Thao có sự phân công công việc cho từng người như phát tờ rơi, thu lãi, đòi nợ...

Khi người vay liên hệ thì các đối tượng sẽ gặp mặt trực tiếp trao đổi về các khoản vay, hình thức trả góp hàng ngày và kiểm tra thông tin cá nhân, nơi ở. Người vay nhận tiền vay và đóng tiền góp qua tài khoản ngân hàng. Khi người vay mất khả năng trả nợ, Thao và các đối tượng sẽ đe dọa, uy hiếp để gây áp lực buộc người vay trả tiền. Theo thống kê ban đầu, từ năm 2023 khi bị bắt, các đối tượng cho vay lãi nặng với số tiền trên 1,3 tỷ đồng, thu lợi bất chính gần 500 triệu đồng.

Mở rộng điều tra, Phòng CSHS Công an tỉnh Quảng Nam tiếp tục bắt thêm Nguyễn Văn Mạnh (SN 1968, quê Ninh Bình; tạm trú TP.Tam Kỳ) về hành vi "cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự". Từ tháng 9/2023 đến nay, Mạnh cùng một số đối tượng trên địa bàn TP.Tam Kỳ (trong đó có Trần Văn Thao) cũng cho nhiều người vay với lãi suất "cắt cổ" lên đến 365%/năm, thu lợi bất chính hơn 300 triệu đồng.

Để tránh rơi vào bẫy "tín dụng đen", cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nên tìm đến các tổ chức tín dụng chính thống. Trong trường cấp thiết, phải tìm hiểu rõ các quy định về trả lãi, phạt trả lãi chậm, trả nợ gốc chậm; lưu ý nếu cộng cả tiền lãi và tiền phí khác chia trên số tiền gốc mà quá 20% thì cần cẩn trọng. Người vay không nên ký các hợp đồng bán tài sản, cầm cố giấy biên nhận tiền không đúng với lãi suất thực tế phải trả. Ngoài ra, phải cẩn thận với các app, website cho vay trên mạng; cần đọc kỹ thông tin để tránh bị lừa; không cho các ứng dụng này được quyền truy cập vào danh bạ, các tài khoản mạng xã hội cá nhân... Nếu phát hiện cho vay lãi nặng, người vay cần sớm trả các khoản nợ; hoặc báo ngay cho cơ quan công an nếu thấy các đối tượng có dấu hiệu phạm tội. Trường hợp bị chủ nợ đe dọa, đập phá đồ đạc, gây tương tích, bắt giữ người trái pháp luật để đòi nợ, lập tức báo cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc có thể làm đơn, gọi điện thoại tố cáo...

Bình luận (0)

Lên đầu trang