Còn nhiều “điểm nóng” khai thác cát trái phép
Theo kết quả thực hiện Đề án Phòng, chống khai thác cát trái phép (KTCTP) trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa thành phố (TP) với các tỉnh năm 2023, được biết các hoạt động đầu tư công trong việc phát triển hạ tầng giao thông được đẩy mạnh trên cả nước, dẫn đến nhu cầu sử dụng cát san lấp, cát xây dựng ngày càng gia tăng trên địa bàn TP và các tỉnh lân cận. Trong khi đó, thực hiện chủ trương của Thành ủy, TPHCM đã không cấp phép khai thác khoáng sản nói chung và khai thác cát nói riêng kể từ năm 2013, việc cấp phép khai thác cát ở các tỉnh, thành cũng rất hạn chế đã dẫn tới lợi nhuận từ hoạt động KTCTP tăng mạnh.
Báo cáo của CATP và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) TP cho thấy, hiện vẫn còn một số địa điểm thường xuyên diễn ra tình trạng KTCTP như: Tuyến sông Đồng Nai, sông Tắc, sông Sài Gòn từ xã Trung An đến xã Phú Mỹ Hưng (H.Củ Chi), khu vực H.Cần Giờ (chủ yếu tập trung tại khu vực xã Tam Thôn Hiệp, Long Hòa, Lý Nhơn và vùng biển Cần Giờ). Các đối tượng KTCTP thường lợi dụng địa bàn giáp ranh, đêm tối, đoạn sông vắng người để đưa phương tiện gắn máy bơm hút cát có công suất lớn bơm hút cát trái phép sang các ghe mua vận chuyển đi tiêu thụ.
Bộ đội biên phòng TPHCM phối hợp kiểm tra.
Nhằm hạn chế việc khai thác, vận chuyển cát trái phép trên địa bàn TP, trong năm 2023, các Sở, ban ngành tiếp tục chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao trong Đề án Phòng, chống KTCTP trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa TP với các tỉnh giai đoạn 2023 – 2026, cũng như tăng cường biện pháp phòng, chống KTCTP; kinh doanh, vận chuyển cát không có nguồn gốc hợp pháp trên địa bàn TP.
Theo đó, các đơn vị chủ động nắm bắt tình hình, tổ chức, sử dụng lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát chặt chẽ để kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của các đối tượng, doanh nghiệp khai thác, vận chuyển khoáng sản (cát) trái phép; kiểm tra nguồn gốc cát tại các bến thủy nội địa có hoạt động bốc dỡ, kinh doanh vật liệu xây dựng tại các xã vùng giáp ranh, các quận , huyện, kiểm tra nguồn gốc cát chặt chẽ; rà soát các bến, bãi tập kết cát tại các xã, thị trấn khu vực biển Cần giờ có dấu hiệu vi phạm; rà soát hoạt động của các đối tượng, phương tiện, doanh nghiệp có liên quan hoạt động mua bán vận chuyển khoáng sản (cát) trái phép trên địa bàn; bố trí sử dụng lực lượng và tăng cường lực lượng đặc nhiệm xuống các địa bàn trọng điểm để mật phục bắt giữ các phương tiện khai thác, vận chuyển cát trái phép; tổ chức điều tra, xác minh, kết luận xử lý nghiêm bảo đảm đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật….
Bên cạnh đó, trong năm qua, UBND TP cũng đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với CATP xử lý 2 vụ án hành chính về khai thác thác cát lậu và tịch thu phương tiện tang vật của Cty Đại Phương Nam và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Thiên Long.
Nỗ lực phòng, chống khai thác cát trái phép
Thời gian qua, CATP và Bộ chỉ huy BĐBP TP đã triển khai đồng bộ các biện pháp, trong đó chú trọng công tác nắm tình hình về phương thức, thủ đoạn, quy luật hoạt động của các đối tượng khai thác, vận chuyển cát trái phép tại các điểm nóng như: khu vực Cồn ngựa - biển Cần Giờ, khu vực chân cầu cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (P.Long Phước, TP. Thủ Đức); khu vực Sông Đồng Tranh - địa bàn giáp ranh giữa TPHCM và tỉnh Đồng Nai, sông Lòng Tàu xã Tam Thôn Hiệp, H.Cần Giờ... để kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn. Các lực lượng phối hợp cũng đã rà soát, kiểm tra tính pháp lý và nguồn gốc cát của các bến bãi tập kết cát tại các phường, xã, thị trấn khu vực giáp ranh với các tỉnh có dấu hiệu vi phạm.
Trong năm 2023, lực lượng chức năng TP đã bắt và xử lý 45 trường hợp khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát không có nguồn gốc hợp pháp; với 107 phương tiện, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 2,6 tỷ đồng và tịch thu 12.489,84m3 cát. Ngoài ra, CATP cũng chủ trì, phối hợp UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức tiến hành kiểm tra, bắt giữ 20 vụ liên quan đến các hành vi quản lý, khai thác, mua bán trái phép khoáng sản với số tiền phạt gần 143 triệu đồng, trong đó có 03 vụ khai thác cát trái phép; tạm giữ 04 phương tiện ghe hút, 18 phương tiện là ghe, sà lan vận chuyển cát và 8.624 m3 cát. Trong khi đó, Bộ Chỉ huy BĐBP TP đã chỉ đạo các Đồn Biên phòng Thạnh An, Cần Thạnh, Long Hòa phát hiện, bắt giữ, xử lý 25 trường hợp có hành vi vận chuyển, khai thác khoáng sản trái phép, 31 phương tiện; xử phạt vi phạm hành chính 24 vụ/28 đối tượng với hơn 1 tỷ đồng, tịch thu 4.557m3 cát và 2 phương tiện trị giá 7,9 tỷ đồng…
Các đối tượng bị bắt giữ.
Nhìn chung công tác phối hợp, kiểm tra, xử lý khai thác, vận chuyển cát trái phép giữa TPHCM với các tỉnh giáp ranh được tăng cường nên các điểm nóng về khai thác cát trái phép đã không còn sôi động như trước; đồng thời đã có nhiều chuyển biến trong việc trao đổi thông tin, phối hợp kiểm tra, tuần tra, bắt giữ, xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Đề án vẫn còn một số khó khăn nhất định như: Công tác phối hợp, kiểm tra, trao đổi, cung cấp thông tin trong công tác phòng, chống KTCTP giữa TPHCM và các tỉnh vùng giáp ranh vẫn chưa thực sự đồng bộ; hiện địa điểm tập kết tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm còn hạn chế, gây khó khăn cho việc trông giữ, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm; chế tài xử lý đối với hành vi mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp chưa đủ sức răn đe.
Theo đồng chí Ngô Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Đề án, trong năm 2024, UBND TPHCM tiếp tục chỉ đạo các Sở ban ngành, UBND các quận, huyện triển khai thực hiện nhiệm vụ theo đề án phòng, chống KTCTP trên vùng biển Cần Giờ, khu vực giáp ranh giữa TP với các tỉnh lân cận; tập trung tăng cường triển khai công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động phòng, chống khai thác khoáng sản trái phép; kiểm tra nguồn gốc cát san lấp của các dự án; tăng cường phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động khai thác khoảng sản; hoạt động của các dự án thi công nạo vét tận thu khoáng sản các tuyến luồng hàng hải, luồng đường thuỷ nội địa, khu nước trước bến cảng thuộc địa bàn để cùng giám sát, kịp thời phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, xử lý vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản…