Ngoài ra, với kinh nghiệm trải qua nhiều năm hạn mặn lịch sử, người dân đã có những giải phảp thích ứng và bắt đầu mang lại quả ngọt.
Cống âu Nguyễn Tấn Thành (Tiền Giang) được đóng lại để ngăn mặn xâm nhập.
VẬN HÀNH NHIỀU CỐNG NGĂN MẶN
Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Tiền Giang, xâm nhập mặn có khả năng duy trì, sau đó sẽ tiếp tục tăng và đạt đỉnh mặn cao nhất năm vào ngày 14, 15/03. Dự kiến biên mặn khoảng 1g/l sẽ lấn sâu vào nội đồng từ 52 - 56km, đến cầu Song Thuận (vàm kinh Nguyễn Tấn Thành) và có khả năng kéo dài đến giữa tháng 04/2024, sau đó sẽ giảm chậm.
Từ tình hình trên, Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang đề nghị Ban Quan lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi (ĐTXDTL) 10 vận hành đóng ngăn mặn cống âu Nguyễn Tấn Thành. Trong chiều ngày 01/03, Ban Quản lý ĐTXDTL 10 đã hoàn thành việc đóng cống âu Nguyễn Tấn Thành theo đề nghị của tỉnh Tiền Giang.
Theo đơn vị này, hiện nay, tiến độ cống âu Nguyễn Tấn Thành đã đạt khoảng 77%. Dự kiến, đến cuối tháng 8/2024, công trình sẽ hoàn thành, vượt tiến độ khoảng 3 tháng so với kế hoạch. Như vậy, cùng với 6 cống ngăn mặn tại các đầu kinh ra sông Tiền trên đường tỉnh 864 vừa hoàn thành, cống âu Nguyễn Tấn Thành sẽ tạo nên hệ thống cống ngăn mặn, trữ ngọt, ngăn triều cường khép kín, bảo vệ sản xuất và dân sinh cho nhân dân.
Lo ngại nhất khi mặn xâm nhập ở tỉnh Tiền Giang là diện tích vườn cây sầu riêng ở khu vực ven sông Tiền thuộc các huyện Châu Thành, Cai Lậy. Bởi cây này khi nước nhiễm mặn 0,5 gam/lít là sẽ chết, nên việc bảo vệ vườn cây trước nguy cơ nước mặn tấn công là rất khẩn trương.
Ông Trần Quốc Bình (Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy) cho biết, trước mắt từ nguồn kinh phí trên 6 tỷ đồng, huyện đang triển khai xây dựng 5 cái đập tại đầu kênh rạch ở cù lao Ngũ Hiệp với mỗi đập là 1,2 tỷ đồng và một cái đập nhỏ tại xã Tam Bình; từ nguồn ngân sách huyện và nhân dân đóng góp sẽ tiến hành đắp khoảng 20 cái đập ngăn mặn cục bộ khác tại cù lao Tân Phong, Ngũ Hiệp. Đối với khoảng 200ha vườn cây sầu riêng ven sông Tiền nằm ngoài hệ thống cống đập ngăn mặn tại các xã Hội Xuân, Tam Bình, Ngũ Hiệp thì nhà vườn tự gia cố đê bao ngăn mặn, triều cường.
Cống ngăn mặn cho vùng ngọt hoá thuộc xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Tại tỉnh Cà Mau, ngành nông nghiệp đã xây dựng nhiều giải pháp như dự trữ, sử dụng nguồn nước mưa, khai thác nước ngầm để phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Với hệ thống thuỷ lợi các tiểu vùng được đầu tư khép kín, cùng với kế hoạch vận hành hợp lý, đã mang lại nhiều hiệu quả, giúp người dân an tâm sản xuất, tăng thu nhập.
Theo quy hoạch hệ thống thủy lợi, tỉnh Cà Mau được chia làm 2 vùng, bao gồm vùng bắc Cà Mau (được chia làm 5 tiểu vùng), thuộc hệ sinh thái ngọt với tổng diện tích 204.000ha và vùng nam Cà Mau (được chia làm 18 tiểu vùng), thuộc hệ sinh thái mặn - lợ với tổng diện tích 314.000ha.
Đến thời điểm này, vùng bắc Cà Mau đã đầu tư hoàn chỉnh được tiểu vùng 2 và 3; vùng nam Cà Mau đầu tư được các tiểu vùng 2, 3, 5, 10, 17, 18, còn lại các tiểu vùng khác của 2 vùng chỉ đầu tư bờ bao tiểu vùng là chính (chưa khép kín). Cách làm này đã đem lại hiệu quả.
Tại địa bàn xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời 2 năm trở lại đây nông dân phấn khởi khi thu hoạch vụ lúa trên đất nuôi tôm trúng mùa, được giá. Ông Nguyễn Việt Khái (Chủ tịch UBND xã Lợi An) cho biết, những năm trước, khi hệ thống thuỷ lợi chưa khép kín, vụ lúa trên đất nuôi tôm thường bấp bênh, đa phần thiếu nước ngọt vào thời điểm cuối vụ, dẫn đến lúa không đạt hiệu quả, có năm còn thất trắng. Tuy nhiên 2 năm gần đây, vụ lúa trên đất nuôi tôm đạt nhiều hiệu quả do hệ thống thuỷ lợi được đầu tư khép kín. Diện tích sản xuất lúa tôm cũng ngày càng được mở rộng. Riêng vụ lúa - tôm năm 2023 người dân trên địa bàn xã xuống giống hơn 1.380ha, trong khi vụ trước xuống giống được 1.120ha. Hệ thống thuỷ lợi không chỉ giúp cho việc sản xuất lúa tôm hiệu quả mà còn hạn chế thiệt hại khi triều cường dâng cao.
Người dân đi lấy nước ngọt về sử dụng.
XÂY DỰNG NHÀ MÁY NƯỚC NGỌT
Để giảm ảnh hưởng của tình trạng thiếu nước sinh hoạt, mới đây, UBND tỉnh Sóc Trăng đã mở cuộc họp để bàn phương án tháo gỡ khó khăn, khắc phục tình trạng thiếu nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt dưới sự chủ trì của ông Lâm Hoàng Nghiệp (Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh).
Theo Soctrangwaco, đơn vị đang quản lý và khai thác 24 nhà máy/trạm với tổng công suất được cấp phép là 97.770m3/ ngày đêm. Trong đó TP Sóc Trăng có 7 nhà máy, 3 nhà máy tại thị xã, còn lại phân bổ tại các xã, thị trấn (14 nhà máy). Công suất cấp nước vào mạng lưới của Soctrangwaco khoảng 70.000m3/ngày đêm và nguồn nước khai thác chủ yếu là nước ngầm (89%) và nước mặt (11%). Doanh nghiệp hiện có 64 giếng (14 giếng tầng sâu, 50 giếng tầng nông) và 2 trạm khai thác nước mặt để cung cấp nước sạch cho gần 100.000 hộ khách hàng.
Ông Đặng Văn Ngọ (Tổng Giám đốc Soctrangwaco) cho biết, từ ngày 8/02, nước mặn đã xâm nhập khu vực nhà máy khai thác nước mặt của công ty, với độ mặn tăng dần từ 270 lên 760mg/lít. Hiện, độ mặn dao động từ 630 – 660mg/lít, đây là nguyên nhân khiến doanh nghiệp khai thác nước mặt chịu ảnh hưởng rất lớn từ việc mặn xâm nhập, đồng thời cũng gây ra tình trạng thiếu nước cục bộ.
“Thực trạng xâm nhập mặn không chỉ xảy ra ở nguồn nước mặt mà nước ngầm cũng bị nhiễm mặn. Các nhà máy khai thác nước ngầm trên địa TP.Sóc Trăng phải tăng cường hoạt động các giếng tầng nông (có độ mặn tương đối cao) vượt ngưỡng cho phép rất nhiều. Có những giếng nhiễm mặn trước đây không khai thác, hiện đã khai thác trở lại để pha vào nguồn nước không nhiễm mặn, với mong muốn ứng phó tạm thời giai đoạn khó khăn hiện nay”.
Về giải pháp lâu dài trước thực trạng khan hiếm nguồn nước sạch phục vụ mùa khô hạn, Soctrangwaco đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh Sóc Trăng việc quy hoạch vị trí, diện tích đất để đầu tư xây dựng nhà máy nước mặt công suất 200.000 m3/ngày đêm. Địa điểm được đề xuất là khu đất rừng thuộc phân trường Phú Lợi (xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành) với tổng diện tích 110ha.
Đại diện Soctrangwaco cho biết, vị trí này có nguồn nước xa khu vực xâm nhập mặn (nằm ở vùng lõi ngọt quanh năm). Địa điểm nhà máy chỉ cách TP.Sóc Trăng khoảng 20km (hướng về TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) cũng thuận tiện cho việc xây dựng hệ thống đường ống nước; khu vực được chọn nằm gần nguồn nước mặt sông Hậu.
Phát biểu tại buổi làm việc trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lâm Hoàng Nghiệp cho rằng: “Câu chuyện thiếu, khan hiếm nước sạch trong mùa khô hạn không phải mới xảy ra, mà đã xảy ra từ những năm trước. Do đó, doanh nghiệp cung cấp nước và các đơn vị quản lý nhà nước có liên quan cần chủ động đề xuất sớm những giải pháp tháo gỡ khó khăn, không thể chờ đến lúc người dân thiếu nước thì mới đề xuất. Vì thiếu nước sạch là vấn đề rất cấp bách, nan giải, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động rất lớn đến mọi mặt đời sống, sản xuất của người dân”.
Tình hình hạn hán, thiếu nước đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội và đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh. Để bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho người dân, đồng thời, tiếp tục chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trước tác động của hiện tượng El Nino, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã đề nghị thủ trưởng các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, thường xuyên cập nhật, thông báo diễn biến tình hình hạn hán, thiếu nước; hướng dẫn các địa phương rà soát, thống kê, phân loại cụ thể các đối tượng khó khăn trong tiếp cận nguồn nước sinh hoạt…
Người dân phải đi xa để lấy nước ngọt.
CĂNG SỨC GIỮ RỪNG
Vườn quốc gia Phú Quốc quản lý 37.200ha rừng, địa hình phức tạp, chia cắt và không có cửa rừng, công cụ phục vụ chữa cháy vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nếu như có xảy ra cháy. Theo ghi nhận tại đồng tràm ở xã Bãi Thơm của TP.Phú Quốc (rộng 2.000ha) các nhân viên bảo vệ ngày đêm căng sức để bảo vệ.
Cứ 10 giờ sáng hàng ngày là các nhân viên phải chuẩn bị nước uống và các dụng cụ cần thiết rồi chia nhau đi nhiều hướng vào rừng. Giữa đồng tràm, các nhân viên ở Vườn quốc gia Phú Quốc dựng lên lán trại tạm bợ. Trong lán chẳng có gì quý giá ngoài hai giường ngủ, bếp gas, thùng nước lọc, ít gói mì và bọc bánh tây được các anh treo trên vách để ăn chống đói khi đi kiểm tra về. Đi liên tục rất mệt nhưng chẳng ai dám nghỉ vì đối với họ bảo vệ rừng là việc không thể lơ là được.
Nhân viên giữ rừng quan sát để kịp thời phát hiện tình huống xấu.
Theo ông Phạm Viết Giáp (Trưởng phòng quản lý bảo vệ Vườn quốc gia Phú Quốc), điều đáng quan tâm trong chữa cháy rừng là phải đảm bảo giờ vàng - dập tắt lửa trong vòng 1 giờ. Vì thế xen kẽ với các đường băng cản lửa, anh em Vườn quốc gia Phú Quốc phải đào giếng nước hoặc chôn thùng phuy nước dưới đất để chủ động dập nhanh lửa khi có sự cố xảy ra cháy. Cháy rừng thường lan diện rộng, nguy hiểm lắm nên khi dập lửa phải đảm bảo có 3 lớp, gồm: người phun nước đi đầu, người đi tiếp theo dập tàn lửa và người còn lại quan sát xử lý tình huống khác xảy ra.
Vườn Quốc gia U Minh Hạ quản lý khoảng 8.500 ha rừng đặc dụng và Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp U Minh Hạ quản lý hơn 20.000 ha rừng sản xuất là hai chủ rừng lớn trong lâm phần rừng U Minh Hạ. Tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ, máy móc, trang thiết đã được bố trí để sẵn sàng cơ động khi có tình huống xấu.
Lực lượng chức năng tuần tra để kịp thời ngăn chặn cháy rừng.
Anh Nguyễn Văn Tâm (nhân viên làm nhiệm vụ trực bảo vệ rừng) cho biết: “Đầu mùa khô, anh em chuẩn bị các dụng cụ, phương tiện như máy, ống bơm, chuẩn bị đồ bảo hộ này kia để phục vụ tốt cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Do địa bàn rộng và kênh mương có nhiều sậy, với cỏ thì mình đi dọn luồng cho chống để khi có sự cố thì mình dễ đi tới chỗ cháy. Những điểm nào khô hạn thì mình theo dõi, để hạn chế cháy xảy ra, đến nay mọi thứ sẵn sàng hết rồi”.
Những vùng đất mà chúng tôi đi qua, thỉnh thoảng vẫn bắt gặp khuôn mặt, địa chỉ thân quen, là nơi hơn 40 năm qua Báo Công an TPHCM đã thực hiện các chương trình từ thiện. Trong thời gian tới, mong các nhà hảo tâm chú trọng hỗ trợ cho các thôn, ấp các công trình nước sạch, nước ngọt để san sẻ khó khăn với bà con. |
(Còn tiếp...)
(CATP) Tình trạng hạn - mặn ở nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang diễn ra khóc liệt, khiến cho hoa màu héo úa, nhiều khu rừng rơi mức báo động, cuộc sống người dân lâm cảnh khốn khổ vì thiếu nước ngọt.
Nguyễn Nhân - Trọng Nguyễn