Tiếng kêu cứu từ miền châu thổ: Khát!

Kỳ 2: Báo động sụt lún vùng ngọt hoá

Thứ Ba, 19/03/2024 15:21

|

(CATP) Do ảnh hưởng của hạn – mặn nên thời gian gần đây tại 2 vùng ngọt hoá Bán đảo Cà Mau và Gò Công liên tục xảy ra sụt lún, ảnh hưởng đến việc đi lại, vận chuyển lúa đang thu hoạch của nông dân.

Tình trạng này không phải mới diễn ra nhưng đang ở mức báo động. Để hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất, chính quyền địa phương và người dân đang cố sức chống chọi từng ngày.

Kênh Trùm Thuật khô chạm đáy, khiến việc vận chuyển lúa trở nên khó khăn.

GHE MẮC KẸT TRÊN SÔNG VÌ HẠN HÁN

Những ngày đầu tháng 03/2024, chúng tôi tìm về vùng ngọt hoá ở H.Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) – nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất của nạn hạn – mặn so với các tỉnh trong khu vực. Từ trên cầu Rạch Ráng (thị trấn Trần Văn Thời) nhìn xuống đoạn kênh rộng hơn 10m, dài hàng cây số đang trong tình trạng trơ đáy, nứt nẻ. Một người dân địa phương cho hay: “Nơi này chưa là gì so với các xã bên dưới”.

Con rạch ở trung tâm H.Trần Văn Thời cạn khô.

Theo chỉ dẫn, phóng viên tìm đến kênh Trùm Thuật (thuộc xã Khánh Hải) thì thấy gần chục xe máy vận chuyển lúa tập kết thành đống trước một cái cống để chờ ghe đến vận chuyển. Men theo con đường nhựa, chúng tội thấy nhiều xuồng, ghe nằm phơi mình do kênh cạn nước.

Đến gần UBND xã, chúng tôi phát hiện nhóm nhân công đang bốc vác lúa từ 4 vỏ lãi lên bờ. Hỏi thăm, một thanh niên cho biết: “Kênh Trùm Thuật này mọi năm còn dùng ghe trọng tải vài tấn để vận chuyển lúa, nhưng nay kênh, rạch cạn không phải dùng vỏ lãi, thậm chí là xe máy”. Chỉ sang con kênh đối diện trong tình trạng cạn khô từ lâu, thanh niên này nói: “Trong kênh đó có lúa của mấy hộ dân ở ngoài chợ nhưng nay không thu hoạch được do máy móc không cách nào vào được”.

Xuồng ghe nằm phơi mình do ảnh hưởng của khô hạn.

Theo ông Phạm Thành Được (Chủ tịch UBND xã Khánh Hải) trên địa bàn xã có 177 điểm sụt lún, sạt lở, thiệt hại hơn 600m lộ đất và lộ bê tông khiến cho việc thu hoạch, vận chuyển lúa của bà con gặp nhiều khó khăn, các thương lái thu mua lúa phải vận chuyển bằng xe máy đến nơi tập kết. Những hộ nào chuẩn bị cắt lúa mà chưa có đường vận chuyển đi bán, địa phương vận động bà con cắt đưa vào nhà phơi khô.

Được biết, vụ đông xuân năm nay, nông dân toàn huyện Trần Văn Thời gieo sạ khoảng 29.000ha lúa. Hiện vùng ngọt hoá này đang vào cao điểm thu hoạch lúa nhưng các tuyến kênh, sông cạn nước do khô hạn. Khắc phục khó khăn này, các thương lái thuê nhân công vào ruộng dùng xe máy để vận chuyển đưa lên xe tải hoặc ghe lớn.

Theo ghi nhận tại tuyến kênh xáng Bình Minh 2 (thuộc xã Trần Hợi) đã khô nước đến tận đáy. Mọi khi thương lái đưa xuồng, ghe vào tận nơi thu mua lúa của người dân địa phương nhờ tuyến kênh này nhưng nay thì không thể, phải thuê xe gắn máy vào chở lúa. Ông Thạch Liền (người vận chuyển) cho biết, tiền công khoảng 250 - 350.000 đồng/tấn, nhưng cũng chỉ chở được tại những đoạn đường chưa bị sụt lún. Công việc này mang lại thu nhập khá cao cho nhiều lao động nhưng phải làm việc từ 9 giờ cho đến đêm khuya hoặc sáng sớm hôm sau. Mỗi ngày người làm mười mấy tiếng, kiếm được từ 700 ngàn – 1 triệu đồng”.

Gặp chị Đặng Hồng Đan (ở kênh 86, xã Khánh Bình Tây Bắc) đang đi qua kênh bằng 2 chiếc ghe nối nhau, chúng tôi hỏi thăm và người này cho biết chưa bao giờ thấy nước dưới kênh cạn nhanh như năm nay. Tình trạng này khiến tàu thuyền không thể chạy, việc vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân gặp nhiều khó khăn. Ngồi nhìn ruộng lúa gần 2ha bị bỏ hoang, một nông dân cho biết do không đủ nước nên năng suất giảm, nếu gọi máy cắt vào thu hoạch thì chỉ lỗ tiền công.

Theo thống kê, trên địa bàn 9 xã, thị trấn của H.Trần Văn Thời còn có hơn 80 tuyến kênh, rạch bị khô cạn, có nơi trơ đáy.

Đoạn đường ở xã Khánh Hải bị sụt lún nghiêm trọng.

SỤT LÚN BỦA VÂY

Chỉ riêng trong ngày 26/02 vừa qua, H.Trần Văn Thời phát sinh thêm 51 vị trí sạt lở với tổng chiều dài hơn 1.000m, làm hư hỏng gần 700m đường bê tông. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, toàn huyện này đã xảy ra 407 vị trí sụt lún, sạt lở đất với tổng chiều dài hơn 10.600m, làm hư hỏng hơn 7.700m đường bê tông và một số kết cấu hạ tầng nông thôn khác, thiệt hại ước tính ban đầu hơn 13,7 tỷ đồng.

Theo ghi nhận, nhiều đoạn đường bị sụt lún trên địa bàn xã Khánh Hải, sâu từ 1-2m, giao thông đi lại khó khăn. Ông Nguyễn Văn Bá (ngụ ấp Trùm Thuật) chia sẻ: “Nhà tôi gần kênh Cây Sộp, cách nay hơn nửa tháng một đoạn lộ bê tông trước dọc kênh bị sụt xuống sâu cả mét. Ban đầu đất nứt ra rồi đoạn lộ bê tông sụt xuống rất nhanh chỉ trong khoảng 10 phút. Hơn 1ha đất trồng lúa đến thời điểm thu hoạch nhưng đường bị hư hỏng, lòng kênh lại khô cạn, gia đình không biết phải làm sao”.

Một điểm sụt lún đất dài hơn 30m tại kênh Quảng Hảo thuộc ấp Bình Minh 2, xã Trần Hợi, làm mặt đường gãy vỡ, xe không thể đi qua. Tuyến lộ này được đầu tư, xây dựng và đưa vào sử dụng khoảng gần 2 năm. Đến nay, toàn tuyến đã có hơn 10 điểm sụt lún, một số đoạn gây hư hỏng hoàn toàn. Địa phương cắm biển, căng dây và dừng việc di chuyển trên tuyến.

Tương tự là điểm sạt lở đường trước nhà ông Dương Văn An (ấp 1, xã Khánh Bình Tây Bắc) dài hơn 200m. Theo ông An, mặt đường chưa bị nứt gãy nhưng bên dưới đất bị sạt ra mé kênh, tạo hố sâu gần một mét. Biết người dân chạy xe qua sẽ rất nguy hiểm nên ông tạo lối đi phía bên trong.

Cách đó không xa, bà Nguyễn Thị Liễu cắm cây cảnh báo người dân tránh di chuyển cặp mép đoạn đường đang bị sụt lún đất. Bà cho biết chủ nhật tuần trước, bà ra cắt bắp chuối thấy đất bị nứt. Khoảng một tiếng sau, toàn bộ phần đất dài khoảng 20m, rộng gần 6m đổ sụp xuống kênh.

Việc sản xuất, đi lại của người dân gặp khó vì sụt lún.

Theo ông Trần Tấn Công (Chủ tịch UBND H.Trần Văn Thời), trước đó, vào mùa khô các năm 2016 và 2020, toàn huyện đã xảy ra gần 1.500 vụ sụt lún, sạt lở đất với tổng chiều dài hơn 70km, làm hư hỏng nhiều tuyến đường nhựa, đường bê tông và nhà dân. Tổng thiệt hại về tài sản gần 140 tỷ đồng, chưa tính thiệt hại về cây trồng, vật nuôi do năng suất giảm. Việc sản xuất nông nghiệp ở địa phương phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa. Năm nay, mưa kết thúc sớm, hạn hán gay gắt làm lượng nước rút nhanh. Ngoài ra, người dân tranh thủ bơm nước vào đồng để đảm bảo sản xuất, khiến hệ thống sông, kênh rạch khô cạn. Tình trạng này gây ra sự chênh lệch độ cao lớn giữa mặt đường ven sông và mực nước bên dưới, dẫn đến sụt lún, sạt lở đất.

Nhận định về tình trạng trên, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện (chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL) cho rằng: Việc sụt lún trong các vùng ngọt hóa như Trần Văn Thời (Cà Mau) và Gò Công (Tiền Giang) khoảng 50.000ha mỗi khu, không phải mới mà đã từng xảy ra nghiêm trọng hồi mùa khô cực đoan 2020.

Nguyên nhân của hiện tượng sụt lún này khá đơn giản. Trước đây các vùng này là vùng có 2 mùa: nước ngọt vào mùa mưa và nước mặn vào mùa nắng. Sau khi các vùng này được bao đê khép kín lại để giữ nước ngọt quanh năm thì vào mùa khô nước mặn không còn vào được nữa. Gặp những năm thời tiết El Nino khô hạn cực đoan thì nước mặn trữ bên trong bị cạn kiệt dần, các kênh mương trong nội đồng bị cạn kiệt đến nứt đáy.

Trước đây chưa bao đê ngọt hóa thì mùa nắng có nước mặn giữ ẩm cho đất, nay thì trong những mùa khô cực đoan thì nước ngọt không còn mà nước mặn cũng không có, do đó đất tầng mặt bị khô, co ngót lại nên sụt lún. Toàn bộ mặt đất bên trong các khu này đều bị sụt lún nhưng mắt thường khó nhìn thấy vì sụn lún đồng đều. Ở những nơi có đường đắp cao ven kênh mương thì độ sụt lún nhiều hơn làm cho đường xá bị đứt gãy, bờ sụp đổ xuống kênh nên dễ tưởng nhầm là sạt lở.

Hiện tượng sụt lún này không liên quan đến tình hình sụt lún chung của ĐBSCL. Sụt lún bên trong các khu ngọt hóa là do sự co ngót của đất tầng nông do thiếu nước ở tầng nông, còn tình hình sụt lún chung của toàn bộ ĐBSCL là do khai thác nước ngầm ở tầng sâu.

Việc canh tác của người dân ở vùng ngọt hoá vô cùng khó khăn do hạn mặn.

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện cảnh báo, nếu cứ tiếp tục duy trì ngọt hóa các khu này thì hiện tượng sụt lún sẽ còn tiếp diễn mãi mãi trong tương lai bất cứ năm nào có thời tiết El Nino nắng hạn gay gắt như năm nay.

Vùng Trần Văn Thời bị sụt lún từ đầu mùa khô năm nay là vì vùng này không có nguồn nước ngọt từ sông Cửu Long mà chỉ có nước mưa. Vùng ngọt hóa Gò Công năm nay đến giờ này chưa sụt lún vì vẫn còn nhận được nước ngọt bổ sung từ sông Tiền qua cống Xuân Hòa. Khi nào mặn vượt qua cống Xuân Hòa, không còn lấy nước ngọt vào được nữa thì bên trong vùng ngọt hóa Gò Công sẽ bị “cắt đứt nguồn tiếp viện” nước ngọt từ sông Tiền. Nếu hạn tiếp tục kéo dài, các kênh mương nội đồng như Kênh 14 mà cạn trơ đáy thì tình hình sụt lún sẽ xuất hiện trở lại.

“Đối với 2 vùng ngọt hóa, Trần Văn Thời ở Cà Mau và Gò Công ở Tiền Giang, nếu vẫn tiếp tục duy trì ngọt hóa như hiện nay thì vấn đề sụt lún sẽ vẫn còn tiếp tục mãi mãi trong tương lai bất cứ năm nào có thời tiết El Nino, nắng nóng cực đoan thiếu nước ngọt”, chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện nhấn mạnh.

Mở vòi nước công cộng miễn phí, cứu trợ người dân vùng xâm nhập mặn

Tỉnh Tiền Giang đã mở 28 vòi nước công cộng miễn phí tại các H.Gò Công Đông, Tân Phú Đông, đồng thời tuỳ theo diễn biến của hạn hán và xâm nhập mặn, tình hình thiếu nước ngọt khi vào cao điểm trong mùa khô năm 2023 - 2024, tỉnh dự kiến sẽ mở thêm khoảng 50 vòi nước công cộng phục vụ miễn phí cho nhân dân các huyện ven biển nhiều khó khăn như: Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công và Tân Phú Đông. 

Thực hiện chỉ đạo ứng phó khẩn cấp triều cường và xâm nhập mặn theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Tiền Giang đang triển khai quyết liệt các giải pháp, bảo đảm phục vụ nước sinh hoạt đầy đủ cho gần 113.000/409.000 dân trong vùng duyên hải phía Đông trước dự báo diễn biến thời tiết, thuỷ văn bất lợi trong mùa khô năm 2023 - 2024. Địa phương quyết tâm không để một ai phải chịu tình trạng thiếu nước sinh hoạt, phải mua hoặc đổi nước ngọt với giá đắt đỏ như trước đây. 

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, đến nay tỉnh đã bố trí kinh phí đầu tư 345 tỷ đồng thực hiện Dự án Mạng lưới đường ống cấp nước phía Đông và Trạm bơm tăng áp Gò Công nhằm tăng khả năng cấp nước sinh hoạt phụ vụ các địa bàn ven biển phía Đông. Trong giai đoạn 2023 - 2025 và sau 2025, Tiền Giang tiếp tục triển khai kế hoạch đầu tư 1.752 tỷ đồng thực hiện 18 công trình cấp nước nông thôn, 11 công trình thuộc dự án đầu tư mạng lưới cấp nước thứ cấp, phục vụ nước sinh hoạt nông thôn và 350 công trình cấp nước sinh hoạt cho các vùng tôm.

ĐỖ MẠNH
 

(Còn tiếp...)

Kỳ 1: Xâm thực mặn tiến sâu vào đất liền
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang