Nhộn nhịp mùa kết cội chà
tại cảng cá ở P.Phú Hài, TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, không khí đánh bắt đầu năm tấp nập như sân ga ngày đầu năm. Tôi dừng xe tại bến cảng và quan sát khá lâu boong tàu cá BTh 96365 TS, được xếp đầy đá hộc. Giá thành mỗi sọt đá là 500.000 đồng. Nhìn các ngư dân ngồi trên đống đá và vẫn đang chờ đợi điều gì, tôi bước tới hỏi một ngư dân tên Sơn thì được anh cho biết, "đang chờ lá dừa đến để chở đá, chở lá ra khơi làm nghề thả chà”.
Đánh bắt cá bằng cội chà, dẫn dụ cá tự bơi vào 1 khu vực, sau đó quây lưới đánh bắt, đây là phương pháp được ngư dân áp dụng rất nhiều vào thời điểm cách đây 30 năm. Nhưng theo thời gian, luồng cá gần bờ cạn kiệt nên nghề chà gần bờ từng phát triển rầm rộ một thời gần như chấm dứt, chỉ còn nghề chà vùng lộng, vùng khơi. Một ngư dân chỉ vào chiếc neo bằng thép không rỉ (trị giá 20 triệu/chiếc) cho biết, mỗi cội chà thả 2 neo, có chuyến ra quây được đàn cá nặng cỡ 14 tấn.
Những người dân trong đất liền phải nghe ngư dân kể chuyện làm "nhà” cho cá thì mới hình dung ra được phương pháp đánh bắt của ngư dân TP.Phan Thiết, đó là giữa biển khơi mênh mông, ở những vùng nước sâu chỉ cần có những vật thể lớn trôi nổi như cây gỗ, chum phuy, lưới... thì lập tức cá sẽ tụ về thành đàn. Ngư dân đi câu mực và ngư dân làm nghề đánh lưới vây thường kết bạn thân hữu với nhau, khi đi câu mực và gặp những luồng cá như thế này thì còn hơn bắt được vàng.
Ngư dân Trần Văn Thu, quê ở xã Bình Chánh, H.Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi kể lại, có chuyến đi biển vào năm 2020, tàu đang thả trôi ở gần quần đảo Hoàng Sa thì anh em phát hiện ra một khúc cây trôi, khi tới gần thì cá bu đen dưới nước. Có ngư dân sướng quá lao người xuống nước để bơi và ngắm bầy cá ngừ, sau đó ước chừng khoảng 30 tấn.
Đá để giữ neo cội chà. Ảnh: VĂN CHƯƠNG.
Việc tranh luận 30 hay 40 tấn diễn ra sôi nổi trên boong tàu. Nhưng rồi các ngư dân phá lên cười vì cho rằng, có bao nhiêu tấn cũng bấy nhiêu chuyện, vì tàu làm nghề câu mực làm gì có lưới đánh cá. Vậy là thuyền trưởng bắt đầu điện cho vài chiếc tàu làm nghề lưới vây. Món quà từ thiên nhiên, nếu ai bắt gặp thì giống như trúng lộc biển. Sau đó, thuyền trưởng thương lượng với một số chủ tàu, nếu cung cấp thông tin thì sẽ được chủ tàu chia phần trăm như thế nào.
Ôn ào nơi "nhà cá”
"Mình ra tới nơi là họ rượt, bỏ chạy, mà có tới mấy chiếc vây quanh dợt cái chà tội nghiệp" - ngư dân tên Huỳnh kể chuyện có lần trong bờ ra biển, chưa kiếm được con cá nào thì đã chứng kiến cảnh ghe vây xung quanh "nhà cá” của mình để đánh bắt sạch bầy cá đã quần tụ 3 ngày. Vậy là mọi chuyện trở nên ồn ào, ngư dân đi bạn (cách ngư dân miền biển gọi lao động trên tàu - PV) suýt xoa vì chạy ra tới chà thì người khác đã hốt sạch cá. Đó là chuyện đã qua từ lâu, khi ngư dân còn thả cội chà ngay vùng biển trước làng chài và có người ngày đêm canh gác.
Hiện nay đã khác, ngư dân phải ra khơi ở vùng biển nước sâu thả chà mới mong bội thu được nhiều cá. Ở tỉnh Bình Định, ngư dân Trần Ngọc Hoan đã liên kết 5 tàu đánh cá, ra tới đảo An Bang, quần đảo Trường Sa để đặt 8 cây cội chà. Có tháng, nhóm tàu của ông đánh bắt được từ 50 - 70 tấn cá ngừ.
Ngư dân Phan Quốc Thành, người nối nghiệp gia đình làm nghề thả cội chà kể về tình cảnh ngư dân Phan Thiết phải ra cách bờ rất xa để xây dựng "nhà” cho cá tới trú ẩn. Một số ngư dân đi bạn trên tàu của anh Thành cho biết, có nghe nói ở xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ, ngư dân vẫn đặt cội chà cách bờ chưa tới 2 hải lý, nơi này thường xuyên xảy ra tranh chấp ngư trường, vì một số tàu cá tranh thủ ban đêm đã tới đánh bắt chớp nhoáng.
Thỉnh thoảng có vụ tàu giã cào, hoặc ngư dân nghề lưới đến phá chà, người ta lại than phiền bằng câu ví von "nặng như đá chà” để nói về sự cơ cực của việc xây dựng gốc chà. Bởi việc xây dựng chà cực kỳ công phu, mỗi cục đá để neo chà có trọng lượng nặng hàng trăm ký, được gắn thêm các khoen, hệ thống con nêm, đến ngày thả chà thì phải mang theo lễ vật, chọn ngày không "động thủy", mỗi gốc chà phải chèn lượng đá nặng khoảng 300kg, có nơi bắt đèn năng lượng mặt trời để thu hút cá.
Việc kiện thưa tàu giã cào phá lưới, phá chà giống như đem muối bỏ biển. Bởi vì ngư dân thả chà đâu phải lúc nào cũng có mặt ngoài biển nên không biết ai là thủ phạm tới trước để xúc cá. Tại tỉnh Cà Mau, việc thả chà được chính quyền hiện đại hóa bằng cách thả 900 cấu kiện bê tông tạo rạn nhân tạo cách đất liền 15km. Sau 10 tháng tạo "nhà cá” dưới đáy biển, Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau khảo sát và công bố hệ sinh thái đã phục hồi với hơn 78 loài đại diện, mật độ cá chiếm tỷ lệ cao với 48 loài, nhóm động vật sống ở tầng đáy rạn với 23 loài...
Các loại lá ngư dân thường sử dụng để tạo nơi trú ẩn cho cá. Ảnh: VĂN CHƯƠNG
Việc tạo "nhà cá” dưới đáy biển bằng cấu kiện bê tông không gây ồn ào như ngư dân Phan Thiết tạo "nhà cá” bằng tre và lá dừa. Vì các tàu kéo lưới giã cào phải tránh né khu "nhà cá” được xây dựng chắc chắn, nếu không muốn bị toạc lưới.
Thả chà là phương pháp đánh cá đã có từ hàng trăm năm nay và ngư dân ở nhiều nước đã áp dụng. Ngư dân Nguyễn Đông ở H.Núi Thành, tỉnh Quảng Nam mô tả, thỉnh thoảng tàu làm nghề lưới vây ra khơi, đánh bắt 2-3 ngày nhưng kiếm không ra cá, biển quá êm nên cá vắng. Vậy là thuyền trưởng quyết định biến tàu thành chà, đó là neo đứng im một chỗ. Sau khoảng 4 ngày chờ đợi chán chê, ngư dân bắt đầu thay phiên nhau lặn xuống để ước lượng đàn cá quần tụ về dưới bóng con tàu, khi số lượng cá lên tới vài tấn thì bắt đầu quây lưới.
Phương pháp đánh bắt thụ động biến tàu thành chà, cội chà được một số ngư dân thực hiện khá kiên nhẫn. Vì không phải ai cũng đủ nhẫn nại cho tàu ra khơi, sau đó cho cả chục ngư dân thảnh thơi chờ cá, trong khi các tàu đánh cá khác ngày nào cũng lên Icom thông báo đã đánh bắt được cả tấn cá. Có tàu cá neo được 2 ngày, thuyền trưởng chịu không nổi, không thể kiên nhẫn nên đã cho tàu chạy dạo, ngư dân ngồi trên nóc tàu luôn quan sát bốn phía, cầu sự may rủi bằng cách kiếm vật trôi nổi trên biển, vì đó là nơi cá trú ngụ.
Nghề thả cội chà ở TP.Phan Thiết được các ngư dân học hỏi, chia sẻ để mỗi ngày một phát triển. Có ngư dân thả neo kèm sợi dây dài hàng ngàn mét, phía trên buộc phao xốp, kèm lá dừa và mỗi cội chà không ẩn dưới mặt biển để giữ bí mật, mà đánh dấu bằng một lá cờ Tổ quốc. Lá cờ phấp phới trên mặt biển đánh dấu sự hiện diện của ngư dân Việt Nam ngày đêm có mặt trên vùng biển chủ quyền