Nhìn sao, dò đáy biển, xuôi ngược Hoàng Sa - Trường Sa:

Bài 3: Cả đời gắn với biển khơi

Thứ Năm, 29/02/2024 15:53

|

(CATP) Ngày 20/01/2024, bà Phạm Thu Hằng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng và nêu quan điểm khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều đó càng làm lão ngư dân Nguyễn Đông (SN 1949, ở cửa biển Kỳ Hà, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) nhớ đến ký ức bám biển. Tôi từng theo con tàu cùng ông ra tận vùng biển Hoàng Sa, nên được nghe nhiều câu chuyện từ lão kình ngư.

Khát khao ra biển lớn

"Chiều chiều mà vác lưới xuống ghe/ Gạo, nước, muối, chè, vợ gánh mang theo/ Ơ... nhổ sào xuống lái thẳng lèo/ Gió trong thổi mạnh gác chèo mà chạy ra... ơ... hò là hò ơi!". Chàng thanh niên Nguyễn Đông lớn lên đã nghe nhiều người già ở làng chài thuộc thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang hát những câu hò về nghề biển, rồi kể về những chiếc thuyền bầu của ông Lương Văn Ngao mượn sức gió, căng buồm đi khắp nơi.

Sau năm 1975, với những người dân ở cửa biển Kỳ Hà, nghề chài lưới, đánh bắt vẫn chưa phát triển mạnh. Trước cửa biển có bãi rạn san hô. Cứ dịp cuối năm lại vào ngày mùa, các loại cá ngừ, cá lục, cá cơm, cá trích quần tụ về, giống như bầy cá thường hay kéo vào đảo Cù Lao Xanh ở tỉnh Bình Định. Muốn phát triển nghề biển, đánh bắt chủ động quanh năm thì phải có tàu to, máy lớn.

Năm 1979, sau nhiều năm làm nghề câu mực, lưới chuồn trên thuyền nhỏ, chàng thanh niên Nguyễn Đông, Nguyễn Lý, Dương Dũng cũng đã ở tuổi 30, không còn trẻ nữa. Ba anh em ngồi tính chuyện phải đánh bắt hiện đại như tàu của Hồng Kông, Đài Loan và bàn cách ra tỉnh Thừa Thiên - Huế để xin được trục vớt 1 chiếc tàu đánh cá đi vượt biên bị chìm mang về sử dụng.

Lão ngư Nguyễn Đông trong một chuyến ra khơi ở quần đảo Hoàng Sa

Mất 2 tháng để trục vớt và sửa chữa tàu, ngày nào ông Đông cũng nôn nóng cho tàu đi biển. Thời đó, người dân chài với chiếc ghe nhỏ xíu ở thôn Sâm Linh Tây nhưng ra tới quần đảo Hoàng Sa, vừa đánh cá chuồn, vừa câu mực. Có người đi 1 phiên về kiếm được 2 chỉ vàng, trị giá bằng nuôi 2 con heo trong khoảng 6 tháng ròng rã.

Đưa con tàu từ Huế trở về, ông Đông đặt tên là Tam Kỳ 1, đồng thời thành lập Hợp tác xã đánh bắt cá Quyết Tiến 1. Các ngư dân quyết định mở nghề lưới vây rút, vì nghề này đang kiếm được bộn tiền. Chính quyền địa phương vui mừng vì có được con tàu lớn thì sẽ giúp các ngư dân an toàn khi ra khơi, tạo ra cú hích nghề cá cho địa phương.

Thu nhập khủng từ con tàu này được các ngư dân chứng minh bằng cách sắm thêm một con tàu lớn như vậy vào năm sau, với giá 40 cây vàng. Tàu đi cặp và hỗ trợ nhau thì ngư dân càng có điều kiện vươn ra vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, đi qua từng hòn đảo Bạch Quy, Bom Bay, Đá Lồi, Phú Lâm...

Đêm nghe tiếng sóng

Ông Đông kể rằng, người cha của mình là một ngư dân giỏi, ông dạy lại cho con cách đi biển qua biến tấu thành các bài hò, vè: "Ơ... trong săn gió chạy một buồm lòng, êm gió dựng mũi, ưng bong thêm vào, ơ nhắm chừng". Cha của ông giải thích, đó là con thuyền có chiếc buồm lòng rất to, nhưng nếu muốn thuyền chạy nhanh thì thêm một buồm mũi, buồm sau đuôi. Nếu muốn thuyền buồm tăng tốc để trở về nhà, kẻo vợ con mong, kịp chợ bán cá thì gắn thêm một chiếc bong để hứng gió, cho con thuyền trôi vùn vụt.

Người cha qua đời, tiếp tới ông Đông đi biển, đào tạo cho 3 người con trai, sau đó nghỉ biển và thỉnh thoảng đi bạn một chuyến. Tôi gặp ông trên chuyến ra vùng biển giữa biển Đông, nằm trên bãi ngầm Maclesfield, tọa độ 15 độ 45 phút vĩ độ bắc - 114 độ 20 phút kinh độ đông, cách đất liền gần 350 hải lý. Có lần, lão ngư Nguyễn Đông đang nằm ngủ thì bật dậy như một chiếc lò xo. Động tác của lão khiến tôi thoáng giật mình và lặng nhìn. Đã 1 giờ sáng, nhưng lão vẫn đi thật chậm ra ngoài boong, nhìn về phía biển, rồi gật đầu như bắt được một tín hiệu nào đó từ biển.

Ngư dân trên tàu của con trai ông Đông đang thả lưới vây cá trên biển. Ảnh: Văn Chương

Tôi tin rằng, lão ngư dân già đã đoán trước được điều gì. Ông Đông cho biết, cả đời đi biển, ngư dân dù ngủ nhưng lỗ tai luôn lắng nghe tiếng sóng. Sóng đập ầm ầm như tối qua thì sẽ đoán ra được phần nào thời tiết của những ngày tới sẽ xấu đi. Đúng như lời ông Đông nói, chiều tối, khi những bóng đèn pha thu hút cá bật lên thì mực chạy đỏ mặt nước. Ngư dân đi biển thường có thể kiếm thêm nguồn thu nhập bằng câu mực. Trước giờ đánh lưới, toàn bộ ngư dân dàn ra thành tàu câu mực để sáng mai xẻ, phơi khô.

Gần 3 giờ sáng, mẻ lưới đầu tiên được kéo lên và sàn tàu đổ mực lai láng. Mực đánh ngoài khơi là loại mực lá, hương vị thơm ngon. Các ngư dân vừa hò reo, vừa kéo lưới, còn lão ngư dân Nguyễn Đông thì lẳng lặng nhìn hướng gió thổi, sau đó nói anh em ngư dân tranh thủ căng thêm buồm.

Các ngư dân nhìn lão ngư già và đồng ý ngay với phương án căng buồm trên tàu vỏ thép. Vì vòng lưới quây cá đang nằm ngược với hướng gió, lưới có thể chui qua bụng tàu và gây ra vấn đề quấn chân vịt vô lưới. Nhưng nhờ cách căng cánh buồm, con tàu đã trôi ngang, vòng cung lưới rộng mở ra, ngư dân lại tiếp tục hò dô, kéo lưới.

Gây dựng nghề biển

Ngày tôi đồng hành cùng ông Đông trên con tàu bám biển, cả 3 người con trai của ông đều là thuyền trưởng của 3 con tàu. Những chiếc tàu này đều đánh bắt xa bờ, cách đất liền vài trăm hải lý, ra tận vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Ông Đông kể lại rằng, để các con dày dạn nghề biển, ông đã cho con đi theo những chuyến biển dài ngày, hướng dẫn cho con quen với các phương pháp đánh bắt, sau đó thì mỗi người con tự tách ra, trở thành chủ nhân của tàu bám biển.

Năm 2017, chiếc tàu vỏ thép của người con trai của ông hạ thủy, sơn thêm dòng chữ tàu Quyết Tiến trên nóc ca-bin. Quyết Tiến vốn là tên của Hợp tác xã đánh bắt cá được ông lập ra từ năm 1980. Ông kể, thời đó ngư dân ở địa phương đánh bắt khá thô sơ, nhưng khi ông thành lập hợp tác xã, phát triển nghề lưới vây rút thì ngư dân ở cửa biển Kỳ Hà lập tức bám theo, chuyển đổi nghề và nhiều người thành công.

Cửa biển Kỳ Hà hiện nay là thủ phủ nghề biển lớn nhất của tỉnh Quảng Nam. Dọc hai bờ sông, làng Tam Giang phát triển nghề câu mực khơi ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, còn phía xã Tam Quang thì phát triển nghề lưới vây rút, chuyên ra đánh bắt cá ở quần đảo Hoàng Sa. Năm 1985, quần đảo Hoàng Sa xuất hiện hàng trăm chiếc tàu đánh cá, trong đó có tàu của ông Đông. Các ngư dân từ cửa biển Kỳ Hà băng ra đảo Lý Sơn, sau đó rẽ về hướng Đông Bắc và đi hơn 1 đêm thì đảo Hoàng Sa hiện ra trước mũi con tàu.

Ngư dân Ngô Ry, một thuyền trưởng giỏi ở địa phương cũng không ngớt lời ca ngợi những thế hệ ngư dân như ông Đông, vì giúp làng chài mở mang nghề lưới vây rút, thay đổi hẳn bộ mặt của làng quê bên sông Bồ Đề.

Năm 1979, ông Đông cùng các ngư dân chạy chiếc ghe dài 19m băng băng ra tới quần đảo Hoàng Sa đánh cá chuồn. Ông không thể quên ký ức về chim bay rợp trên trời, dưới nước cá dày đặc, phiên biển chỉ mấy ngày nhưng cá đã đầy khoang, củi nấu cơm vẫn còn nhiều nhưng chiếc ghe phải quay về.

(Còn tiếp...)

Bài 2: Đi hết Hoàng Sa từ 34 năm trước
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang