Gặp người đề xuất đặt tên đường Hoàng Sa, Trường Sa: "105 tuổi tôi vẫn đi bộ và viết sách"

Thứ Bảy, 20/01/2024 13:19

|

(CATP) Xuân này tính theo tuổi ta thì cụ Nguyễn Đình Tư, 105 tuổi. Cụ sinh tại H.Thanh Chương (Nghệ An). Cuối năm 2023, cụ vinh dự nhận Giải thưởng Trần Văn Giàu về bộ sách lịch sử Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698 - 2020). Trước đó, cụ nhận Bằng kỷ lục Việt Nam (năm 2022) về thành tích hơn 80 năm nghiên cứu, viết sách, xuất bản trên 60 tác phẩm giá trị.

Gương sáng hiếu học

Tại ngôi nhà nhỏ trong con hẻm nhỏ ở Q.Bình Thạnh (TPHCM), cụ Nguyễn Đình Tư tiếp chuyện tôi rất cởi mở, tinh thông, thân tình. Cụ tâm sự về cuộc đời mưu sinh đầy cực nhọc và gần một thế kỷ lao động, sáng tạo.

"Mới 12 tuổi, tôi đã nghĩ nếu mình không học thì sau này chỉ đi hầu hạ người ta. Tôi năn nỉ bố và mẹ kế, xin đi học. Vì nhà nghèo nên tôi đến nhà riêng của thầy Hoàng Đình Mại để học (thầy Mại sau này là nhà cách mạng, lãnh đạo H.Thanh Chương). Ngay năm đầu học lớp nhì trường huyện, tôi đứng đầu lớp. Liên tục 3 năm sau, tôi đều đứng nhất lớp. Năm 1942, tôi học trung học ở Vinh do thầy Võ Thuần Nho làm Hiệu trưởng (thầy là em của Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Suốt 9 tháng học, tôi đều đứng đầu lớp. Lên học đệ nhị, tôi vẫn nhất lớp nhưng đành bỏ học vì nhà nghèo. Thầy Nho nghe tin, giữ tôi ở lại. Thầy vận động các thầy góp tiền giúp tôi. Nhưng vài tháng sau, khi biết tôi là con ông cai tổng, các thầy không giúp nữa".

Cụ Nguyễn Đình Tư luôn sống vui, viết khỏe

"Tôi đành bỏ học về quê làm gia sư. Tuy bố tôi làm cai tổng nhưng liêm khiết, nhà nghèo. Tôi lại mồ côi mẹ từ lúc 4 tuổi, ở với mẹ kế nên rất cực khổ. Tôi đành thưa với bố: "Con biết bố mẹ sẽ để hồi môn cho con. Con xin được nhận trước để có tiền đi học ạ”. Thương tôi hiếu học nên bố đồng ý. Thế là tôi lại lên Vinh gặp thầy Hiệu trưởng Nho, xin học tiếp. Vì bỏ học nhiều tháng nên học bạ của tôi không đủ điều kiện để thi lên lớp đệ tam. Thầy Nho lại thuyết phục các thầy cho điểm khống để tôi được thi và kết quả thi của tôi lại cao nhất trường...".

Lận đận viết sách, mưu sinh

Đến năm 1954, do hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng ông bồng bế bốn con nhỏ vào TP.Nha Trang sinh sống. Ông kể: "Đến Sài Gòn, tôi thi đậu làm nhân viên Sở Điền địa. Vì khai thật quá khứ của mình nên tôi bị nghi là gián điệp Miền Bắc, bị theo dõi và điều đi Phú Yên". Tại đây, ông vào thư viện thu thập tư liệu viết cuốn Non nước Phú Yên. Họ lại điều ông về Khánh Hòa, rồi về Ninh Thuận. Thế là ông cho ra đời 2 tập: Non nước Khánh Hòa và Non nước Ninh Thuận.

Sau tháng 4/1975, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên gia đình Nguyễn Đình Tư chuyển vào Sài Gòn. Hằng ngày, ông đem hộp đồ nghề ra ngã tư Xe lửa (nay là đường Nguyễn Văn Trỗi) sửa xe, bơm xe kiếm sống... Tranh thủ xem những cuốn sổ ghi chép từ xưa rồi sưu tầm thêm tư liệu lịch sử, ông viết tiểu thuyết Loạn 12 sứ quân. Những lúc vắng khách, ông ngồi bên hộp đồ nghề để viết. Sau gần 20 năm, cuốn tiểu thuyết này được xuất bản.

Dù tuổi cao, đến nay cụ Nguyễn Đình Tư vẫn miệt mài tra cứu nhiều nguồn tư liệu rồi viết Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ, Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859 - 1954), Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc (1859 - 1954)... Các tác phẩm này đều được trao giải thưởng của Nhà nước. Cụ đã dành hơn 20 năm sưu tầm, nghiên cứu các sách tiếng Pháp, tiếng Hán Nôm, dịch và tham khảo 214 cuốn khác để viết bộ sách đồ sộ Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, dặm dài lịch sử (1698 - 2020) xuất bản năm 2023. Bộ sách gồm 2 tập: Giai đoạn 1698 - 1945 và giai đoạn 1945 - 2020, với hơn 1.500 trang, hội tụ đủ các lĩnh vực của Sài Gòn - TPHCM.

Tác giả phỏng vấn cụ Nguyễn Đình Tư

Người đề xuất đặt tên đường Trường Sa, Hoàng Sa

Năm 1996, cụ Nguyễn Đình Tư được mời vào Hội đồng đặt và đổi tên đường TPHCM. Cụ tham gia đặt tên hàng trăm con đường, đặc biệt nhất là đề xuất đặt tên hai đường Hoàng Sa và Trường Sa, được cả Hội đồng chấp nhận ngay.

Hằng ngày, cụ đi bộ, đọc sách và đánh máy mà không cần đeo kính. Mỗi buổi chiều, cụ đi bộ lên xuống cầu thang từ tầng 1 đến tầng 3 tổng cộng 27 lần, nhưng 2 năm nay cụ chỉ đi lên xuống 10 lần/buổi chiều. Cụ thường dậy sớm, mở máy tính làm việc khoảng một tiếng, sau đó tập thể dục nhẹ nhàng. Ban đêm, cụ mở tivi xem thời sự rồi làm việc đến 23 giờ. Cụ chia sẻ: "Cuộc sống cần nhất là tạo sự thanh thản, vui, luôn suy nghĩ tích cực và không hút thuốc. Rượu, bia hay cà phê thì tôi hạn chế dùng".

Cụ vẫn miệt mài viết cuốn tự truyện về đời mình qua 2 thế kỷ và dự định viết 3 bộ sách từ điển địa danh hành chính Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên. Chúng ta hãy chờ xem!

Bình luận (0)

Lên đầu trang