Kỳ 2: Quyết tâm bám biển vì Hoàng Sa, Trường Sa

Thứ Sáu, 02/09/2016 16:54  | Xuân Hoài

|

(CAO) Tiến sỹ (TS) Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao- Du lịch tỉnh Quảng Ngãi được bà con dân làng ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) tâm niệm “nếu chết là sẽ làm bài vị, mộ chiêu hồn thờ tự trên đảo Lý Sơn”. Nghe câu đó, ai cũng “sởn da gà”, nhưng với TS.Vũ thì ấm áp vô cùng bởi người dân thấu hiểu ông, một đời nặng nợ với Lý Sơn, với Hoàng Sa…

Vị tiến sĩ nếu chết được “làm bài vị, lập mộ chiêu hồn”

Học Ngữ văn tại Đại học Tổng hợp Huế, ra trường dạy Văn học phương Tây tại Đại học Quy Nhơn, nhưng nghiệp nghiên cứu Sử lại gắn bó với ông khi về Quảng Ngãi làm tạp chí văn học. Đặc biệt, từ khi ra Lý Sơn, tìm hiểu về đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa và Bắc Hải với những chứng tích, tư liệu lịch sử được ghi lại trong gia phả các tộc họ ở Lý Sơn cũng như các câu chuyện lưu truyền trong dân gian đã hút hồn ông.

Những năm 1995-1996, ông bắt tay tập trung nghiên cứu, tìm hiểu kỹ hơn về đề tài này và sau đó làm luận án tiến sĩ về “Văn hóa dân gian cư dân ven biển Quảng Ngãi”, trong đó đặc biệt là về Lý Sơn, về đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa và Bắc Hải.

TS.Vũ thừa nhận rằng, từ xưa, các tài liệu cổ này được con cháu nhiều đời truyền giữ cẩn thận trong nhà thờ tộc họ. Và người Lý Sơn xem chúng như vật “gia bảo” linh thiêng. Cứ chu kỳ 20 năm một lần, trong các dịp tế lễ trọng đại, họ mới mở chìa khóa hòm kín cất giữ các tờ giấy cổ này một lần, để các bậc cao niên biết chữ Nho xướng đọc lên cho con cháu ghi nhớ công đức tiền nhân. Sau đó, chúng lại được cất kỹ vào hòm kín và thờ tự trang nghiêm để đến dịp tế lễ sau mới mở lại…

“Tờ lệnh đi Hoàng Sa năm Giáp Ngọ 1834 của triều đình nhà Nguyễn được họ Đặng phát hiện và giải mã ở Lý Sơn cách đây vài năm là minh chứng sinh động nhất về chủ quyền của Việt Nam với quần đảo này”, TS.Vũ khẳng định.

Theo đó, ngày 31-3-2009, dòng họ Đặng ở huyện đảo Lý Sơn đã thông tin tới TS.Nguyễn Đăng Vũ (lúc đó là Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi) về việc gia tộc đang lưu giữ những văn bản chữ Nho chưa rõ nội dung, rất có thể là những tài liệu có liên quan đến việc đi Hoàng Sa của tổ tiên. TS.Vũ ngay lập tức lên đường, ra đảo Lý Sơn tiếp cận với văn bản quá quý giá này. Đây kết quả xứng đáng cho những ngày điền dã, cùng ăn cùng ở với Lý Sơn, được người dân nơi đây tin tưởng, giao cho trách nhiệm nặng nề là công bố tờ lệnh về chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam.

TS. Nguyễn Đăng Vũ - Ảnh: Xuân Hoài 

“Thấy đây là một văn bản quý giá, góp phần chứng minh và đấu tranh đòi lại quần đảo Hoàng Sa đang bị phía Trung Quốc chiếm đóng trái phép nên đã thuyết phục gia tộc họ Đặng đã bàn bạc thống nhất hiến tặng văn bản này cho Nhà nước. Sáng ngày 9-4-2009, tại thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, tộc họ Đặng đã tổ chức một ngày giỗ đặc biệt. Con cháu trong họ từ khắp nơi trở về tề tựu đông đủ tại nhà thờ tổ để chứng kiến việc dâng hiến báu vật của dòng họ mình cho Nhà nước.

Ngày 10-4-2009, tại UBND tỉnh Quảng Ngãi, trước sự chứng kiến của đại diện gia tộc họ Đặng, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã trao cho đại diện Ban Biên giới của Bộ Ngoại giao Việt Nam văn bản gốc của tờ lệnh và văn bản này hiện đang lưu trữ tại Bộ Ngoại giao Việt Nam chờ ngày phát huy giá trị có một không hai”, TS.Vũ kể.

Tộc họ Đặng dâng hiến báu vật Tờ lệnh đi Hoàng Sa năm Giáp Ngọ 1834 của triều đình nhà Nguyễn cho Nhà nước 

TS.Vũ được xem là người nâng tầm Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Trong quá trình nghiên cứu đề tài, đặc biệt nghiên cứu về Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, ông phát hiện ra rất nhiều điều thú vị. Nếu những năm trước đây, cứ tưởng Lễ khao lề chỉ có ở làng An Vĩnh, Lý Sơn. Nhưng vào năm 2010, khi đi điền dã TS.Vũ lại tìm thấy bài văn tế Khao lề thế lính Hoàng Sa tại xã Tịnh Long, thuộc huyện Sơn Tịnh, do dòng họ Diệp, vốn có nhiều thế hệ làm thầy pháp, truyền đời lưu giữ.

Từ đó tôi mới biết, nơi nào có người đi lính Hoàng Sa, Trường Sa thì nơi đó có làm Lễ khao lề, chứ không phải riêng ở Lý Sơn. Nhưng ở những nơi khác trong đất liền, từ lâu người ta đã không thực hành nghi lễ này nữa. Còn ở Lý Sơn, có lẽ là nhờ môi trường biển đảo mà lễ thức này vẫn tồn tại rất đậm nét.

Mẹ hát ru, con truyền “hơi thở” Hoàng Sa đến mọi người

Đặng Thị Hiền, cán bộ Phòng VH-TT phụ trách Nhà trưng bày Hoàng Sa tại Lý Sơn, là hậu duệ đời thứ 15 của Đà công Đặng Văn Siểm - một trong những vị “công hầu” khai phá Hoàng Sa thời Minh Mạng thứ 15 (1834). Từ nhỏ, Hiền mê Sử, mê những câu ca mẹ ru, câu chuyện ông bà kể về đội Hùng binh Bắc Hải…đã đi vào tâm khảm. Học nghề hướng dẫn viên du lịch, Hiền trở về Lý Sơn, để ngày ngày thuyết minh cho du khách thập phương hiểu về Lý Sơn, về Hoàng Sa.

“Khi đứng trước các hiện vật, câu chuyện về Đội hùng binh Hoàng Sa, Hiền bảo bản thân luôn cảm thấy tự hào, xúc động. Là hậu duệ của những hùng binh năm xưa, khi được tận mắt nhìn thấy các vật dụng mà tổ tiên sử dụng trong quá trình khai phá Hoàng Sa, rồi những hy sinh, mất mát mà họ gặp phải, tôi không thể nào cầm lòng được”, Hiền chia sẻ.

Hiền chính là con bà Đỗ Thị Hảo, được ví là “người phụ nữ hát ru Hoàng Sa” trên đảo Lý Sơn. Ở đảo Lý Sơn, có câu ví ai cũng nằm lòng: “bà Hảo hát ru, binh phu ông Đạt” (ý nói, muốn tìm hiểu về hát ru thì gặp bà Đỗ Thị Hảo, còn tìm hiểu về binh phu Hoàng Sa thì gặp ông Võ Hiển Đạt)...

Đặng Thị Huyền đang thuyết minh về lịch sử Hoàng Sa - Ảnh: Xuân Hoài 

Trong dân gian còn lưu truyền rất nhiều câu ca về Đội hùng binh Bắc Hải, mỗi câu đều có những ý nghĩa rất sâu sắc. Như mấy câu “Hoàng Sa đi có về không/ Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi”, “Hoàng Sa mây nước bốn bề/Tháng hai -ba khao lề thế lính Hoàng Sa”... Hiền phân tích, mặc dù người lính khi nhận “lệnph vua sai” phải vượt sóng gió, bão bùng ra Hoàng Sa, biết rằng “đi có về không” nhưng họ vẫn hiên ngang đối mặt, chấp nhận hy sinh bất cứ lúc nào.

Theo Hiền, những câu ca ấy xuất phát từ thực tế những cuộc chinh biên của những người lính Hoàng Sa năm xưa, đầy hiểm trở, biết bao người ra đi đã không trở về. Vì vậy, trên mỗi chuyến ra khơi, ngoài những đồ nghề cần thiết, thì những binh phu phải trang bị cho mình đôi chiếu, 7 nẹp tre, 7 sợi dây mây và 1 thẻ tre ghi tên tuổi, quê quán. Họ lường trước cho mình những bất trắc có thể xảy ra, và lỡ không may có người bỏ mạng trên biển, đồng đội sẽ lấy chiếc chiếu đó bọc xác, nẹp 7 thanh tre lại và buộc chặt bằng sợi dây mây cùng thẻ tre đề tên người mất rồi thả xuống biển. Nếu may mắn có người bắt gặp sẽ chôn cất giúp hoặc báo về quê hương bản quán... Nay còn lưu truyền câu ca dao: “Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn/Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây”; “Chiều chiều ra ngóng biển xa/Ngóng ai đi lính Hoàng - Trường Sa chưa về”; “Mãn mùa tu hú kêu thanh/Cá chuồn đã vãn sao anh chưa về”….

“Các thế hệ người lính Hoàng Sa đã hy sinh xương máu của mình, họ là những người tiên phong trong việc mở cõi, góp phần viết nên trang lịch sử chủ quyền vẻ vang của dân tộc ta ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Chính họ là những anh hùng vô danh, xứng đáng để chúng ta và con cháu đời sau ngưỡng vọng, tôn vinh, ghi nhớ, lưu niệm mãi muôn đời”, Hiền tâm niệm.

Xóm lưu “bí kíp” khai thác biển Hoàng Sa

Xóm Ghềnh Cả, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn - được mệnh danh là “xóm biển Hoàng Sa”, ngư trường chính của họ trong suốt nhiều thế hệ, ngoài khai thác hải sản thì điều cốt yếu góp phần giữ mốc chủ quyền Tổ quốc trên biển.

Về xóm Ghềnh Cả gặp ngư dân Bùi Văn Tẩn, anh đang hối hả để chuẩn bị cho chuyến vươn khơi Hoàng Sa. Trên 30 năm bám biển Hoàng Sa, anh tường tận từng ngóc ngách, từng điểm cá trên biển Hoàng Sa và Trường Sa. Anh có cả cuốn sổ ghi chép hàng chục năm qua những tọa độ có nhiều cá tôm, sản vật và còn cẩn thận chép ra 2 sổ, một sổ thường xuyên để ở nhà, còn một sổ để trên tàu để đề phòng bất trắc, mất sổ thì vẫn còn cuốn lưu…

Ngư dân Tẩn cũng rất hào sảng khi cung cấp thông tin trong cuốn sổ được xem là “bí kíp” của mình. Anh còn truyền lại cho những tàu, những anh em đồng nghiệp mà không chút tính toán.

Ngư dân Ghềnh Cả khai thác ở Hoàng Sa chủ yếu là lặn đêm, vì vậy, khi đi vào vùng biển này, tất cả hệ thống đèn tín hiệu trên tàu đều phải tắt. Màn hình máy định vị trên tàu cũng phải che kín lại. Nếu không thuộc nằm lòng các điểm cá, không biết đường ra lối vào thì không thể yên tâm khai thác và khai thác không thể hiệu quả được.

Ngư dân Ghềnh Cả đều có sổ chép điểm cá, nhưng đầy đủ nhất vẫn là cuốn của thuyền trưởng Tẩn. Ngoài việc ghi chép tỉ mỉ các điểm cá ở Hoàng Sa - Trường Sa, trong cuốn “bí kíp” của anh còn ghi chép đầy đủ các điểm vào bờ để tránh trú bão từ vịnh Bắc Bộ vào tận Cà Mau. Bên cạnh đó là những tọa độ, điểm vào tránh, trú bão ở Hoàng - Trường Sa.

Ngư dân Bùi Văn Tẩn với cuốn sổ “bí kíp” của mình - Ảnh: Xuân Hoài 

“Tại Hoàng Sa, mỗi khi có bão, ngư dân thường neo tránh bão và trụ lại ở đảo Đá Bắc và Bom Bay, chịu được sóng gió cấp 9 cấp 10. Nếu ban đêm chạy vào vành đai của đảo san hô Bom Bay thì chạy vào cửa phía Tây, còn về đảo Đá Bắc thì hướng theo cột đèn và được anh Tẩn đánh dấu tọa độ cẩn thận và chi tiết...”.

Tuy đánh bắt cả hiện nay rình rập nhiều hiểm nguy, nhưng anh Tẩn cũng như ngư dân Ghềnh Cả vẫn quyết tâm bám biển vì đó là ngư trường truyền thống, và đặc biệt là khu vực mà cha ông ta - Đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa đã ra dựng mốc chủ quyền.

“Mỗi lần ra Hoàng Sa, mặc dù không thể đặt chân lên đảo, nhưng cá nhân tôi và hẳn là toàn bộ các thuyền viên trên tàu, ai nấy đều cảm thấy ray rứt. Và tôi nguyện cả đời này sẽ ra với Hoàng Sa, ra với phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, để Hoàng Sa gần lại với đất liền”, ngư dân Tẩn cương quyết.

Âm linh tự tại Lý Sơn - nơi thường diễn ra các hoạt động cúng bái lính Hoàng Sa - Ảnh: Xuân Hoài 

Cả xóm Ghềnh Cả có 6 dòng họ lớn là: Bùi, Trương, Dương, Tiêu, Nguyễn, Phạm và dòng họ nào cũng có trai tráng thay nhau đến với Hoàng Sa từ bao đời nay, và ngày sau vẫn thế!.

Bình luận (0)

Lên đầu trang