Kỷ niệm Quốc khánh 2-9:

Kỳ 1: Về Lý Sơn gặp người “nặng nợ” Hoàng Sa

Thứ Sáu, 02/09/2016 10:16  | Xuân Hoài

|

(CAO) Những ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, trên đảo Lý Sơn càng ấm áp và ý nghĩa khi những người con xa quê trở về quê hương và dòng du khách tấp nập ra thăm quan, tìm hiểu về lịch sử biển đảo quê hương, đặc biệt là lịch sử Hoàng Sa.

Nơi đây là minh chứng đầy đủ nhất về những chứng tích Hoàng Sa, về Đội hùng binh Bắc Hải với bao ký ức linh thiêng, hào hùng… Gặp những người “nặng nợ” với Hoàng Sa - Lý Sơn, chúng tôi càng thẩm thấu những giá trị lịch sử, chủ quyền biển đảo mà bao đời nay ông cha quyết tâm gìn giữ phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.

“Pho sử sống” về Hoàng Sa

Cụ Võ Hiển Đạt năm nay đã 86 tuổi, được xem là “pho sử sống” trên đảo Lý Sơn lưu giữ những tư liệu, ký ức Hoàng Sa. Cụ tiếp chúng tôi trong căn nhà gỗ cổ trên 200 tuổi với những họa tiết hoa văn chạm khắc hiếm có một ngôi nhà thứ 2 kể cả ở nhiều vùng miền khác. Căn nhà đã gắn với gia đình cụ qua bao thế hệ, là biểu tượng cho sự vững chãi, bền chặt trong mỗi gia đình nhiều thế hệ trên hòn đảo  này.

Cụ Đạt là hậu duệ đời thứ 9 dòng họ Võ trên đảo Lý Sơn. Được ăn học tử tế, cậu bé Võ Hiển Đạt miệt mài với sách vở, đặc biệt là niềm đam mê học chữ Hán từ các ông đồ trong làng. Dù không theo tiếp con đường học vấn, phải bôn ba khắp nơi mưu sinh, làm thương buôn sản vật Lý Sơn vào miền Nam và ngược lại, nhưng chữ nghĩa cứ khắc trong tâm khảm cũ với niềm đam mê nghiên cứu Hán tự không bao giờ nguôi.

“Nó càng thôi thúc hơn khi tôi “ngộ” ra, trong gia phả các tộc họ, trong các di tích, đền thờ trên đảo lưu giữ rất nhiều thông tin về Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, về chủ quyền Hoàng Sa, nên tôi quyết tâm phải học và đọc bằng được các văn tự này”, cụ Đạt cho biết.

Cụ Võ Hiển Đạt - "pho sử sống" về Hoàng Sa - Ảnh: Xuân Hoài 

Nhờ vốn chữ Hán - Nôm uyên thâm, phong phú, từ đó phát hiện nhiều chứng cứ về chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam trên đảo Lý Sơn, cụ được xem là “bảo tàng sống” của quê hương đội hùng binh Hoàng Sa. Bên cạnh đó, cụ còn là người đã gắn trọn cả đời mình với ngôi đền Âm Linh tự - vừa là nơi thờ cúng các bậc tiền hiền đã có công khai phá đất đảo, vừa là nơi thờ tự linh hồn của hàng trăm nghĩa sỹ - binh phu một thời khai khẩn Hoàng Sa, Trường Sa.

Hằng năm, thay vì chỉ có một lệ trong tiết Thanh Minh, Âm Linh tự có rất nhiều lệ cúng, từ chuyện tế lễ trước mỗi dịp đua thuyền truyền thống, rồi lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Ngôi đền còn là chỗ cất giữ nhiều tài liệu quý giá về lịch sử hình thành của đảo Lý Sơn.

Trong số những đóng góp về tư liệu, những hiểu biết của thế hệ trẻ về chủ quyền Hoàng Sa, Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, về Lý Sơn xa xưa thì cụ Đạt là người góp công không nhỏ. Cụ sưu tầm, dịch ra tiếng Việt những tư liệu như “Cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa”; “Lai lịch hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải”; “Lai lịch cư dân đến đảo Lý Sơn và tuyển binh phu đi Hoàng Sa”...

Đặc biệt, với cuốn “Bằng cấp tái xuất vãng Hoàng Sa xứ” (Tờ lệnh đi quần đảo Hoàng Sa) của triều đình xưa, cụ Đạt khẳng định: “Không ai, không có một thế lực ngoại bang nào có thể phủ nhận hoặc đưa ra bằng chứng Hoàng Sa không phải của Việt Nam. Đó là những bằng chứng từ xa xưa như lễ khao lề thế lính, những ngôi mộ chiêu hồn và hàng loạt các di tích văn hóa vật thể và phi vật thể liên quan đến Đội Hùng binh Hoàng Sa,các Tờ lệnh được lưu giữ lại càng nhắc nhở cho chúng ta phải ghi xương khắc cốt về một góc trời thiêng liêng của Tổ quốc. Các văn tự còn nguyên con dấu, một bằng chứng hiển nhiên rõ rệt không ai chối cãi được.

Ngồi ở đảo Lý Sơn, hướng mắt ra Hoàng Sa, nơi hiện nay đang bị Trung Quốc chiếm giữ, cụ Đạt bảo “lòng như quặn thắt”. Cụ càng buồn hơn khi nơi ông cha một thời đặt dấu mốc chủ quyền để khai thác nhưng giờ thỉnh thoảng lại bị tàu Trung Quốc xua đuổi. Nhưng cụ tin, thế hệ trẻ hôm nay, những ngư dân vững chãi của Lý Sơn và của Việt Nam vẫn luôn kiên cường bám biển để góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương.

Cụ Đạt cho biết mình là “tổng đạo diễn” của lễ khao lề thế lính Hoàng Sa hằng năm, người có tiếng nói, sức nặng trong nghi thức tế lễ. Cụ còn là người chế tác ghe Câu và ghe Bầu đạt chuẩn, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Ngãi và Bảo tàng Lý Sơn.

Với những cống hiến đó, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch công nhận cụ Võ Hiển Đạt là Nghệ nhân văn hóa dân gian. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao cũng đã cấp cho cụ chứng chỉ dịch thuật bởi những đóng góp của cụ khi dịch rất nhiều tư liệu từ chữ hán, chữ nôm ra tiếng Việt để lưu giữ tại bảo tàng quốc gia…

Người con Lý Sơn đau đáu Hoàng Sa

Là người con Lý Sơn, từ nhỏ đã được hun đúc về văn hóa, lịch sử đảo quê nhà, lại đam mê tìm hiểu về ký ức Hoàng Sa, lớn lên ông Phan Đình Độ (Trưởng phòng quản lý di sản, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Quảng Ngãi) theo nghiệp sử như vốn dĩ duyên số vận vào. Dù ở thành phố Quảng Ngãi, nhưng hễ cứ rảnh là ông về quê, về để tận hưởng, tìm hiểu những giá trị văn hóa liên quan đến Hoàng Sa vì “càng hiểu thì càng mê”.

Ông Độ là hậu hiền, đời thứ 12 của dòng họ Phan ở Lý Sơn. Ông kể, từ nhỏ đã rất thích thú khi được nghe các cụ già, nhất là bà nội của mình kể chuyện về đảo Lý Sơn, thích thú những câu chuyện cha kể, câu ca mẹ ru về đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, về hải trình vượt sóng gió một đi không trở lại với nhiệm vụ hết sức thiêng liêng, cao cả là mở mang bờ cõi đất nước, quê hương.

Ông Độ trao đổi với phóng viên - Ảnh: Xuân Hoài 

Sau nhiều năm cất công nghiên cứu, tìm hiểu, ông nhận ra rằng đối với ngoài những chứng tích còn lại trên đảo, những cứ liệu được ghi chép trong gia phả các tộc họ, những “tờ lệnh” được phát hiện sau này thì trong tâm thức người dân họ vẫn nhớ và kể về đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, nối tiếp từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Những năm 1990, anh Độ bắt đầu sưu tầm các tài liệu có liên quan, qua các câu ca, chuyện kể, từ đó phát hiện ra ở Lý Sơn có một lễ thức dân gian đặc biệt liên quan đến Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, đó là lễ tế sống người đi lính, một lễ thức vô giá.

Ngoài các bài viết trên các báo, tạp chí về nghi thức đặc biệt này, năm 2005, anh và một số đồng nghiệp ở Sở Văn hóa quyết định đăng ký đề tài nghiên cứu cấp bộ, đồng thời đưa ra ý tưởng phục dựng lại Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn. Năm 2008, sau nhiều lần kiểm chứng, thẩm định, ngành văn hóa Quảng Ngãi có đầy đủ cơ sở để phối hợp với địa phương tiến hành phục dựng lại Lễ khao lề cho đến ngày nay. Giờ nó đã trở thành một lễ hội truyền thống, lễ thức đặc biệt của cư dân trên đảo liên quan mật thiết đến sự ra đời, tồn tại và phát triển của Đội hùng binh Hoàng Sa lừng lẫy một thời.

Theo ông Phan Đình Độ, căn cứ vào các tài liệu chính sử còn ghi lại, thì Đội Hoàng Sa ra đời vào thời kỳ Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1614-1635), hay nói cách khác, Chúa Nguyễn Phúc Nguyên là người đã lập ra Đội Hoàng Sa - một hình thức khai chiếm, xác lập và thực thi chủ quyền hết sức độc đáo trên các vùng thuộc quần đảo giữa biển Đông. Cuốn sách cổ ghi chép tương đối đầy đủ và cụ thể về Đội Hoàng Sa là “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn, được viết vào năm 1776 và “Hoàng Việt địa dư chí” của Phan Huy Chú... Theo đó hằng năm, các Chúa Nguyễn đã sai người tuyển 70 dân đinh giỏi nghề đi biển ở hai làng An Vĩnh và An Hải vùng cửa biển Sa Kỳ, sau này là dân đinh ở hai phường An Hải và An Vĩnh ở đảo Lý Sơn giương buồm theo gió nồm vượt sóng ra Hoàng Sa. Cứ tháng 2 nhận lệnh ra đi, tháng 8 trở về cửa biển Thuận An (Thừa Thiên Huế) để nộp sản vật khai thác được cho kinh thành...

Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn - Ảnh: Xuân Hoài 

“Mỗi năm 70 suất đi Hoàng Sa (và sau này là cả Trường Sa) được chia đều cho các tộc họ, không phân biệt tiền hiền hay hậu hiền, và theo nguyên tắc luân phiên nhau, đặc biệt không bao giờ lấy người con trưởng, bởi người con trưởng phải ở nhà lo việc tế tự, người con thứ phải đăng lính. Vì thế hầu như toàn bộ tộc họ thuộc xã An Vĩnh và An Hải trên đảo Lý Sơn đều có người đi lính Hoàng Sa. Nhưng những người đi lính Hoàng Sa thuở ấy, không mấy ai còn được trở về”, ông Độ nói.

Ông Độ cho hay, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, hay còn được gọi bằng một tên khác, thay chữ “thế lính” bằng “tế lính”. Khi nói “thế lính” là dùng để chỉ các bước tiến hành của buổi lễ mà ở đó, thầy pháp (phù thủy) bằng phép thuật của mình đã “yểm” vào các hình nhân thế mạng cũng như các con thuyền cách điệu là sẽ phải “chết thế” (thế lính) cho số binh phu sắp lên đường. Còn nói “tế lính” là để chỉ việc tri ân những người đã bỏ mạng ngoài Hoàng Sa hoặc “tế sống” những người sắp lên đường. Ý nghĩa của việc làm này là tạo nên tâm lý hết sức ổn định cho người đi, rằng mình đã được cúng thế rồi, nếu có chuyện gì xảy ra thì đã có hình nhân thế mạng, họ sẽ tự tin đi dù có sóng gió, bão bùng gì cũng được che chở.

“Câu chuyện về đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải sẽ được lưu truyền bền lâu bởi qua các thế hệ xem đây là dòng chảy văn hóa nối tiếp thế hệ này qua thế hệ khác và được lưu giữ bền chặt, không dễ gì mai một”, anh Độ nhận định. 

(Còn tiếp) 

Đông đảo du khách đến tìm hiểu về Hoàng Sa tại Bảo tàng Đội Hoàng Sa Bắc Hải - Ảnh: Xuân Hoài 
Lễ Khao lề Hoàng Sa - Ảnh: tư liệu

Bình luận (0)

Lên đầu trang