Dọc đường đất nước:

Sôi nổi Lễ đua thuyền mừng Tết độc lập trên quê hương Đại tướng

Thứ Sáu, 02/09/2016 12:02  | Hoàng Quân

|

(CAO) Hiếm có nơi nào lễ hội đua thuyền truyền thống được tổ chức quy mô, độc đáo như ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) – quê nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Dù ai đi Tây về Đông/ Mùng 2 tháng 9 cũng mong về nhà/ Về nhà xem hội quê ta/ Dưới sông bơi trải, nhà nhà cờ bay”. Thẳm sâu trong tâm thức người dân, Tết Độc lập được xem là lễ tết quan trọng nhất trong năm. Người Lệ Thủy ở đâu xa, bận việc gì đều về quê để gặp gỡ, sum họp, vui lễ hội… Tết Nguyên đán có thể không về được nhưng Tết Độc lập phải về để báo hiếu với tổ tiên, ông bà cha mẹ, tri ân những người có công với đất nước, với quê hương, bày tỏ tình yêu, sự gắn bó với mảnh đất mình.

Và gần 3 năm nay từ khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi xa, bà con về quê để tri ân, tưởng niệm vị Đại tướng lừng danh, kiệt xuất của dân tộc và thế giới, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Lệ Thủy những ngày đầu mùa thu rộn ràng mừng Tết Độc lập. Từ thị trấn Kiến Giang đến khắp các đường làng, xã, trong nhà ngoài ngõ, đâu đâu cũng rợp cờ hoa, biểu ngữ, dòng người đông đúc. Người dân và du khách chìm đắm trong các chương trình văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hội chợ, triển lãm sôi nổi, lành mạnh. Chương trình nghệ thuật “Âm vang mùa thu” diễn ra vào tối 31-8 đem đến cho người dân và du khách “bữa tiệc” văn hóa nghệ thuật đặc sắc với những ca khúc ca ngợi quê hương đất nước, mảnh đất Lệ Thủy anh hùng, ca ngợi Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp…

Khoảnh khắc hiếm có khi hai đò bơi nữ tranh tài sôi nổi - Ảnh: Hoàng Quân 

Mảnh đất Lệ Thủy đã sinh ra vị Đại tướng làm rạng danh quê hương đất nước. Con đường bê tông, nhựa dọc sông Kiến Giang dẫn khách về ngôi nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại làng An Xá (xã Lộc Thủy). Nơi đây mỗi ngày thu hút hàng nghìn người dân, du khách thập phương. Ngôi nhà thân thương, gần gũi gắn liền với tuổi thơ Đại tướng. Mỗi dịp Tết Độc lập, ngôi nhà chào đón hàng nghìn người dân và du khách thập phương về dâng hương, tưởng niệm Đại tướng. Gần 3 năm Đại tướng về cõi vĩnh hằng, hàng triệu triệu trái tim vẫn không nguôi tiếc nuối, nhớ thương.

Tết Độc lập hàng năm ở Lệ Thủy đều diễn ra lễ hội bơi, đua thuyền. Đây là “đặc sản”, món ăn tinh thần không thể thiếu ở Lệ Thủy, đã trở thành thương hiệu ở miền Trung và cả nước. Dường như cả đêm 1-9, rạng sáng 2-9, người dân Lệ Thủy không ngủ vì ai cũng háo hức với Lễ hội.

Hội đua thuyền là một môn thể thao giàu chất thượng võ, được hình thành và phát triển từ trong đời sống lao động sản xuất, nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, an cư lạc nghiệp; tạo thêm sức mạnh, động lực cho người dân…

Các đội thuyền nô nức bước vào lễ khai mạc - Ảnh: Hoàng Quân 

Ông Nguyễn Quang Năm – Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy phấn khởi: “Lễ hội đua thuyền truyền thống Lệ Thủy đã có từ hơn 600 năm trước. Lễ hội ban đầu có tên là Lễ cầu Đảo nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, trai gái rèn luyện sức khỏe đi lao động sản xuất, chế ngự thiên nhiên. Đến ngày 2-9-1946, Lễ được đổi tên thành Lễ hội đua thuyền truyền thống. Điều độc đáo, khác biệt so với các nơi khác là được tổ chức thường niên, rất ít khi gián đoạn, chỉ trừ một số năm chiến tranh ác liệt (1965 – 1972), cho cả vận động viên nam và nữ.

Gần đến ngày lễ hội, người dân nô nức chuẩn bị mọi thứ. Trong đó thuyền là phương tiện gắn liền với vùng đất chiêm trũng, thường hứng chịu mưa bão. Thuyền được đóng bằng các loại gỗ nhẹ, chịu nước tốt và kỹ thuật tinh xảo. Đến ngày Lễ hội, sông Kiến Giang vốn yên bình bỗng “dậy sóng”. Hàng vạn người đứng 2 bên hò reo cổ vũ hăng say. Đường đua thường dài 24km dọc sông Kiến Giang, đi qua các làng, các xã cũng đảm bảo yêu cầu của người cổ vũ là thuyền, đò các đội đua phải đi qua làng mình.

Các tay đua vốn là những người dân quanh năm lam lũ làm ăn để rồi đến ngày hội đã làm chủ tay chèo, góp phần thành công của ngày Tết Độc lập. Khi tiếng trống khai hội vừa vang lên cũng là lúc Đội hình diễu hành gồm các thuyền trang trí lộng lẫy với cờ, hoa, biểu ngữ… cổ vũ lễ hội. Sau lễ buông phao, bắn phát sung báo hiệu xuất phát, các đội tranh tài sôi nổi, quyết liệt nhưng không kém phần đẹp mắt, hấp dẫn để tạo nên thành công, ấn tượng của lễ hội trong lòng công chúng.

Tranh tài quyết liệt - Ảnh: Hoàng Quân 

Các đội đua, đội bơi tranh tài sôi nổi, quyết liệt nhưng vẫn không kém phần cống hiến. Hàng vạn khán giả ở hai bên bờ, trên các cây cầu bắc qua sông Kiến Giang nhiệt liệt hò reo, cổ vũ.

Điều đặc biệt ở Lệ Thủy là có hẳn một ngôi miếu thờ về vận động viên đó là ngôi miếu thờ Bà Lỗ (bà ở truồng) ở cuối làng An Xá - quê nhà của Đại tướng. Đò, thuyền đua làng An Xá luôn đạt giải cao hàng năm gắn liền với một truyền thuyết về miếu Bà Lỗ. Trước kia, đội đua này thường bị thứ hạng thấp. Một lần chuẩn bị vào đua, một người con gái xuất hiện, nói với các trai bơi của làng: “Ngày mai các anh ráng bơi, đừng để ý trên bờ, dưới sông thì nhất định về nhất”.

Đến ngày đua, đã qua một vòng nhưng đội An Xá vẫn ở phía sau.

Bất ngờ khi đến đoạn nước rút, người phụ nữ hôm qua xuất hiện trong tình trạng ở truồng, đứng trên cành cây cổ thụ vươn ra giữa sông, khoát tay cổ vũ cho đội nhà. Những trai đội đua khác thấy người con gái mặt đẹp, da trắng, mắt đưa duyên, khoát tay thì mất tập trung, chùng tay bơi nên chậm nhịp chèo. Còn đội đua An Xá đã được dặn trước nên vẫn dốc sức về đích và giành giải nhất. Người con gái để giữ trinh tiết đã gieo mình xuống sông. Từ đó, đội đua thuyền An Xá luôn giành giải cao. Nhớ ơn này, người dân lập miếu thờ và mỗi lần đến Hội đua thuyền đều đến dâng hương, cầu khấn…

Khua chèo tung sóng - Ảnh: Hoàng Quân 

Đò bơi nữ làng An Xá năm nay giành giải nhất. Ở hạng mục đua thuyền nam, các vận động viên xã Mỹ Thủy đạt giải nhất.

Ông Nguyễn Quang Năm nhiều lần được gặp Đại tướng và cho biết Đại tướng rất thích gạo và dầu tràm của Lệ Thủy. Ông Năm kể tiếp: “Trong những lần về quê, Đại tướng căn dặn cán bộ và nhân dân địa phương chăm lo làm ăn, sản xuất kinh tế; chú trọng phát triển về phía biển Đông; phải gìn giữ truyền thống cách mạng, giữ gìn ngày Tết Độc lập, giữ vững cốt cách, tinh thần là địa phương gương mẫu của tỉnh và cả nước. Lần nào về đúng dịp ngày Tết Độc lập, Đại tướng đến lễ hội, trò chuyện thân mật cùng người dân và cổ vũ cho thuyền của làng, xã mình.

Nhớ lời Đại tướng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương sống, học tập, lao động, công tác tốt để xây dựng quê hương ngày càng vững mạnh, đời sống văn hóa tinh thần được nâng cao”...

Lãnh đạo huyện Lệ Thủy đã lên phương án xây dựng bức phù điêu – tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở vị trí Mũi Viết ngã ba sông Kiến Giang theo hình thức xã hội hóa.

Bình luận (0)

Lên đầu trang