Thiên tài và những ngã rẽ định mệnh:

Kỳ 3: Từ phó giáo sư đến thợ sơn tường trước khi tự vẫn

Thứ Tư, 28/02/2024 13:31

|

(CATP) Từng là thần tượng của giới khoa học trẻ Trung Quốc khi trở thành Phó giáo sư Vật lý trẻ nhất của Đại học Thanh Hoa - ngôi trường được mệnh danh là "Havard Châu Á" - ở tuổi 31, nhưng khi hoài bão tràn đầy hướng về trời Tây Bắc Mỹ, Tưởng Quốc Binh đã xin nghỉ việc, di cư sang Canada mong đổi đời. Đến khi ước vọng không thành, chẳng thể chấp nhận sự thật, anh lang thang trên đường phố Toronto trước khi quyết định gieo mình xuống sông tự vẫn.

Vươn lên từ nghịch cảnh

Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ý thức được chỉ cố gắng học thành tài mới có thể thoát khỏi nỗi vất vả bám riết quanh năm đồng thời được cha mẹ dồn tâm dốc sức cho đứa trẻ hiếu học là mình, Tưởng Quốc Binh (SN 1962) luôn nỗ lực biến nghịch cảnh thành cơ hội.

Thành tích học tập của cậu bé Tưởng vì thế cũng khiến cha mẹ "nở mày nở mặt" với xóm giềng. Suốt 12 năm ròng, Tưởng Quốc Binh kiên trì vừa học vừa làm và thành tích đầu tiên đạt được vô cùng vẻ vang: Giành giải nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý năm 1978, trước khi Bộ Giáo dục Trung Quốc nối lại kỳ thi tuyển sinh đại học trên cả nước vào năm này. Sau đó 2 năm, Tưởng Quốc Binh trở thành thủ khoa của tỉnh Hồ Bắc, được vinh danh tại quê nhà khi xuất sắc thi đỗ đại học với số điểm cao nhất.

Vốn đam mê môn Vật lý nên Tưởng Quốc Binh chọn Đại học Thanh Hoa - ngôi trường được mệnh danh là "Havard Châu Á" để tiếp tục theo đuổi niềm yêu thích của mình. Sau này, theo nhiều đồng môn, có thể với người thông minh, tài trí và khôn ngoan như Tưởng Quốc Binh, thời điểm ấy học chuyên ngành này sẽ có nhiều cơ hội tìm việc làm với mức lương ngất ngưởng cùng nhiều đãi ngộ xứng đáng, nên anh đã chọn.

Trở thành gương mặt tiêu biểu của Đại học Thanh Hoa, năm 1984 Tưởng Quốc Binh tốt nghiệp đại học và 2 năm sau nhận bằng thạc sĩ, được giữ lại trường làm giảng viên.

Với Tưởng Quốc Binh, biển học vô bờ, chưa bao giờ là đủ. 10 năm sau, nhờ chương trình liên kết của Đại học Thanh Hoa và Đại học Purdue, anh giành được học bổng sang Mỹ làm nghiên cứu sinh về Vật lý hạt nhân. Năm 2000 Tiến sĩ Tưởng trở về Trung Quốc, tiếp tục giảng dạy tại nơi mình công tác trước đây - Đại học Thanh Hoa và trở thành phó giáo sư trẻ nhất khoa Vật lý của "Havard Châu Á" với mức lương đáng mơ ước: hàng trăm ngàn nhân dân tệ/năm.

Tưởng Quốc Binh

Và không chịu nổi đả kích

Chính trong thời điểm này, suy nghĩ của Tưởng Quốc Binh bắt đầu thay đổi, khi anh từng chứng kiến sự phát triển vượt bậc nơi xứ người, nên quyết định tìm cơ hội ra nước ngoài để phát triển sự nghiệp, mong có thể đổi đời. Chính vì thế, không ít lần Phó giáo sư Tưởng tỏ ra chểnh mảng trong công việc, chẳng còn thiết tha với lĩnh vực nghiên cứu như trước. Kết hôn với đồng nghiệp hơn mình vài tuổi, Tưởng Quốc Binh thuyết phục được cô cùng sang Canada phát triển sự nghiệp, từ bỏ nơi từng là bước đệm nâng đỡ mình.

Thời gian đầu mọi việc vẫn ổn, nhưng chỉ sau vài năm, Phó giáo sư Tưởng dần cảm thấy bất mãn khi môi trường sống không phù hợp, nhất là với cương vị cao trong lĩnh vực tiên tiến bậc nhất, được bao người nể trọng trong nước, nhưng từ "ao nhà” khi ra "biển lớn" mới thấy ngỡ ngàng khi còn nhiều người giỏi hơn mình, không thể tìm được công việc ưng ý khiến Tưởng Quốc Binh càng thêm nản chí.

Bị các trường đại học và viện nghiên cứu từ chối suốt nhiều tháng ròng, lại chẳng được hậu thuẫn từ gia đình, bơ vơ nơi đất khách, Tưởng Quốc Binh đành làm chân thợ sơn tường kiếm sống qua ngày. Từ khoản đãi ngộ bao người mơ ước nơi quê nhà, giờ tứ cố vô thân trên đất khách, vất vả với việc chân tay suốt 6 tháng ròng với mức lương 5.000 đôla Canada đã giáng đòn chí mạng vào tính háo thắng và lòng tự trọng của Tưởng Quốc Binh. Đến lúc này, bình tâm lại, anh mới nhận thấy Canada không phải là miền đất dụng võ để có thể nghiên cứu Vật lý nên quyết định chuyển hướng và tiếp tục lấy bằng tiến sĩ Hóa tại Đại học Toronto.

Trớ trêu thay, sau bao nỗ lực, công việc liên quan đến chuyên ngành đào tạo mới này với Tưởng Quốc Binh cũng chỉ kéo dài được hơn 1 năm. Tiếp tục thất nghiệp trong khi con cái đang tuổi ăn tuổi lớn, một chuyên gia với 2 bằng tiến sĩ trong tay như Tưởng Quốc Binh bắt đầu rơi vào trạng thái bất ổn do sốc nặng.

Bất lực trước gánh nặng cơm áo gạo tiền của gia đình, họ Tưởng tiếp tục làm những công việc tay chân vất vả để mưu sinh. Cuối cùng, sau bao cố gắng, nhẫn nại vẫn cảm thấy mình bị vứt bên lề cuộc sống, trong lúc nghĩ quẩn, Tưởng Quốc Binh đã chọn cách giải thoát tiêu cực: Anh quyết định cắt đứt liên lạc với vợ con, lang thang trên đường phố Toronto trước khi nhảy xuống sông kết liễu cuộc đời mình ở tuổi 44, sau gần 5 năm vật vờ nơi đất khách.

Xót xa cho một nhân tài từng thành công và thất bại trong sự nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng Tưởng Quốc Binh vẫn là người truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ về tinh thần nỗ lực nghiên cứu, học hỏi, luôn biết biến nghịch cảnh thành cơ hội vươn lên. Chính vì thế, hành động tiêu cực của anh vẫn khiến nhiều người trong giới nghiên cứu tiếc nuối, trăn trở.

(Còn tiếp...)

Kỳ 2: Tiến sĩ Toán học tuổi 16 và những năm tháng
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang