Báu vật ở ngôi làng Kon Sơ Lăl

Thứ Tư, 14/02/2024 10:38

|

(CAO) Trong khi nhiều ngôi nhà rông của một số vùng ở Tây Nguyên dần phai nhạt lối kiến trúc xưa, tại làng Kon Sơ Lăl vẫn có một căn nhà rông của người Ba Na với dáng vẻ hoang sơ, lưu giữ nhiều giá trị nguyên bản đang trường tồn cùng thời gian.

Ngôi làng sở hữu báu vật đặc biệt

Cách TP.Pleiku chừng 60km, làng Kon Sơ Lăl (thuộc xã Hà Tây, H.Chư Păh, Gia Lai) như ẩn mình, nằm đơn độc, tách biệt với bên ngoài. Không còn rộn rã xô bồ từ nhiều năm nay, làng Kon Sơ Lăl đã cửa đóng then cài, nhà tranh vách đất rũ lấm rêu phong. Kon Sơ Lăl giờ tĩnh lặng, mộc mạc hoang sơ, mang vẻ đẹp hiền hòa của một “ngôi làng cổ”. Án ngự giữa làng là ngôi nhà rông sừng sững như cây kơ nia già – chứng nhân thầm lặng cho bao nhiêu thăng trầm của bao nhiêu con người nơi đây.

Trước đây, làng Kon Sơ Lăl là một vùng đất trù phú, cây cối tốt tươi, heo đầy đàn và lúa đầy kho. Cuộc sống nương rẫy, săn bắt ở rừng khiến người dân Ba Na ở đây lưu giữ được các nét văn hoá truyền thống.

Hơn 20 năm trước, để đồng bào bớt khổ, con cháu người Ba Na dễ dàng đến trường, một cuộc định canh định cư lớn nhất tại xã Hà Tây đã diễn ra. Người dân đồng thuận di dời để làm ăn dễ hơn, nhất là con cái đi học được thuận lợi hơn. Tuy nhiên, làng cũ và nhà rông vẫn được làng giữ gìn và bảo tồn.

Ngôi nhà rông cũ làng Kon Sơ Lăl.

Theo người dân trong làng, nhà rông Kon Sơ Lăl cũ được xem là kho báu vô giá về văn hoá cũng như giá trị vật chất. Nhà rông cao bằng 3-4 ngọn sào, rộng đến mấy chục bước chân, được dựng bằng cột gỗ trắc cao 5m và to hơn cả người ôm.

Những năm gỗ trắc lên cơn sốt, rất nhiều thương lái khắp cả nước đến gặp trưởng thôn, già làng để hỏi mua nhà rông cho bằng được. Có thương lái ở ngoài Bắc vào trả giá, nếu đồng ý bán các trụ gỗ nhà rông, thì sẽ đưa cho làng gần 3 tỷ đồng và mua cho mỗi hộ 1 xe tay ga. Số tiền lớn thật nhưng nghĩ nhà rông là vô giá nên làng nhất quyết không chịu. Sợ mất nhà rông nên suốt một thời gian dài làng luôn cắt cử 5 đến 6 thanh niên về ngủ lại ở làng cũ để canh giữ.

Nhà rông làng Kon Sơ Lăl sau bao nhiêu năm “trơ gan cùng tuế nguyệt” đã bị cơn hỏa hoạn thiêu trụi. Một ngày cuối tháng 4/2015, cơn giông lốc từ bên kia đỉnh núi kéo sang. Mưa giông kèm theo sấm chớp đánh liên hồi. Một tia sét sáng lòa, đánh thẳng vào ngôi nhà rông giữa làng. Lửa từ nhà này bị gió thổi sáng sang nhà kia, cả làng trở thành ngọn đuốc lớn.

Tiếng kẻng từ ngôi làng đánh dồn dập. Hàng trăm người từ già cho đến trẻ tức tốc về làng cũ dập lửa. Sau nhiều giờ vật lộn với giặc lửa, 11 ngôi nhà sàn cùng với nhà rông chỉ còn lại đống tro tàn. Nhiều người chứng kiến rơi nước mắt.

Niềm kiêu hãnh của Kon Sơ Lăl

Khi những cơn mưa cuối mùa đổ ào trên con đường làng, già Yưuh mời chúng tôi vào căn nhà rông. Già Yưuh lấy ghè rượu cần được cất cẩn thận ở góc nhà rông ra mời khách. Uống 1 hơi hết cang rượu đầu, già Yưuh bắt đầu kể về cái ngày cả làng rộn ràng làm nhà rông.

Sau khi bị hỏa hoạn, già làng triệu tập cuộc họp, bàn về phục hồi dựng lại nhà rông. Tháng 4/2017, với bản vẽ được phác thảo từ trí nhớ của những người già trong làng, ngôi nhà rông được khởi công. Khi nhà rông cũ bị sét đánh, 12 trụ bằng gỗ trắc cháy nhưng vẫn còn phần lõi. Lúc chuẩn bị bắt tay vào làm nhà rông mới, làng bán 12 trụ trắc đã bị cháy sém. Toàn bộ tiền bán được được làng sử dụng vào làm nhà rông mới.

Nhà rông mới tại làng Kon Sơ Lăl.

Dưới sự đốc thúc của già làng, gái trai phải chuẩn bị đầy đủ gỗ, lạt, tre, nứa, cỏ tranh để làm nhà rông. Gỗ lấy về được ngâm kỹ đủ 2 năm dưới suối để chống mối mọt. Tranh phải được phơi khô dưới nắng để giữ được màu sáng, dẻo. Dây mây và lạt được luộc kỹ để đảm bảo độ dẻo. Trong những ngày làm nhà rông, mỗi nhà phải cử ra ít nhất 2 người. Dân làng Kon Sơ Lal quy ước với nhau như thế, nhưng ai ai cũng muốn góp sức.

“Sau gần 2 năm chuẩn bị vật liệu, làng quyết định cất nhà rông tại mảnh đất mới. Từ khi khởi công, cả làng chung sức tập trung làm nhà rông. Có những ngày cao điểm, có hàng trăm người trong làng cùng tham gia. Việc phục dựng nhà rông, luôn có sự giám sát từng chi tiết của các “kiến trúc sư chân đất’, già Yưuh nhớ lại.

Sau mỗi công đoạn quan trọng, dân làng lại mổ lợn, ngâm rượu cần để làm lễ tạ ơn. Có nhiều công đoạn nguy hiểm, đặc biệt là lúc lợp tranh, ghép gỗ. Mỗi khi làm xong công đoạn nguy hiểm, dân làng lại cùng nhau làm lễ, sau đó cùng nhau quây quần dưới công trình ăn mừng cho sự thành công. Vì vậy, dù công trình có hàng trăm chi tiết lớn nhỏ, được làm hoàn toàn thủ công từ những người nông dân nhưng không hề xảy ra tai nạn lao động nào.

46 tuổi nhưng ông Yưuh đã được người dân tín nhiệm bầu làm già làng làng Kon Sơ Lăl.

Vào những ngày đầu năm 2018, công trình nhà rông làng Kon Sơ Lăl hoàn thành trước niềm vui sướng của dân làng. Khi hoàn thành, nhà rông làng Kon Sơ Lăl là một trong những nhà rông bề thế nhất Tây Nguyên. Nhà rông với chiều dài 23 mét, rộng hơn 12 mét và cao tới 20 mét. Tổng số 12 chiếc cột to không bị mối mọt. Nhà rông mới được làm kiên cố từ các vật liệu thiên nhiên, giữ nguyên được thiết kế ban đầu.

Theo ông Khyơn, Thôn trưởng làng Kon Sơ Lăl, làng có 157 hộ, 100% là người đồng bào dân tộc Ba Na. Do dân số đông nên làng mới làm nhà rông thật to để có đủ sức chứa trong những ngày lễ trọng đại. “Vào những ngày đầu năm mới, trong nhà rông bày được 100 hũ rượu ghè để cho toàn bộ dân làng vào mừng năm mới. Phía trước nhà rông, là khoảng sân rộng với sức chứa hơn 600 người, cũng là nơi diễn ra các lễ hội của làng”, thôn trưởng tự hào nói.

Dẫn chúng tôi dạo quanh làng, Thôn trưởng Khyơn cho biết, với người Ba Na, nhà rông là công trình quan trọng nhất trong đời sống văn hóa tinh thần vì đây là nơi diễn ra những nghi lễ quan trọng nhất, đồng thời là biểu tượng của sức mạnh, tình đoàn kết của dân làng.

Chúng tôi rời làng Kon Sơ Lăl khi cơn mưa chiều vừa dứt. Trên kia, những ngọn núi đang tím dần dưới bầu trời cuối năm. Những âm vang của cồng chiêng, điệu múa cùng với ché rượu cần ngân nga tiếp tục được cất lên trên chính ngôi nhà rông mới - nơi được xem như là linh hồn, trái tim của làng Kon Sơ Lăl.

Bình luận (0)

Lên đầu trang