Binh sĩ và nỗi ám ảnh trên chiến trường:

Kỳ 4: Loài thú bay đêm tham gia "hỏa chiến"

Thứ Năm, 01/02/2024 11:06

|

(CATP) Từ thuở bình minh của các cuộc chiến tranh, một số loài chim, thú đã được huy động hỗ trợ tham chiến để chống kẻ thù. Trong số này, cho đến Thế chiến thứ hai, Quân đội Mỹ vẫn sử dụng các "chiến binh" dơi để tiến hành "hỏa chiến", gây thiệt hại cho đối phương...

"Chiến binh" dơi săn mồi trong đêm

Là một trong những loài động vật đặc biệt trên thế giới, đại diện duy nhất biết bay của lớp thú này biết sử dụng sóng siêu âm (trừ một số) để định vị và săn mồi trong đêm tối, thậm chí tầm nhìn của một số loài dơi còn tốt hơn cả người, có thể theo dõi con mồi trong khoảng thời gian dài đồng thời phát hiện được bằng cách phát ra tần số sóng liên tục, chỉ mất khoảng vài giây! Dơi có thể tránh được các vật cản, đặc biệt là cây cối trong quá trình di chuyển nhờ khả năng định vị bằng sóng siêu âm, thu nhận thông tin phản hồi liên tục, trong khi loài này rất chịu khó di chuyển thành đàn để tránh kẻ thù và trong khi chồn bay, sóc bay... chỉ lượn được ở khoảng cách giới hạn, thì dơi có thể giúp ước lượng khoảng xa của chướng ngại vật.

Với tất cả những sự uyển chuyển, linh hoạt ấy, loài này từng được Quân đội Mỹ chọn sử dụng trong Thế chiến thứ hai, nhằm trả đũa trước sự tấn công của Nhật Bản vào Căn cứ hải quân Mỹ ở Trân Châu Cảng (Hawaii) vào sáng chủ nhật, 07/12/1941, đây chính là bước ngoặt quan trọng dẫn đến việc Tổng thống Mỹ khi ấy là Roosevelt quyết định tham gia vào hoạt động quân sự trong Thế chiến thứ hai. Bốn tháng sau, Lầu Năm Góc triển khai kế hoạch ném bom cảm tử vào thủ đô Tokyo của Nhật Bản để trả đũa, dù không gây thiệt hại cho Nhật như Mỹ từng phải hứng chịu, nhưng cũng khiến Thiên hoàng Hirohito phải sững sờ.

Điều đáng nói là trong kế hoạch ném bom cảm tử có hạng mục "hỏa chiến" do một nha sĩ thân cận của Đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt khi ấy đưa ra và được Tổng thống Roosevelt chấp thuận, tiến hành trong Thế chiến thứ hai, với tổng chi phí khoảng 2 triệu USD. Theo đó, những quả bom lửa nhỏ sẽ được gắn vào các con dơi nhằm tạo ra hàng ngàn ngọn lửa lan khắp các thành phố lớn của Nhật Bản để tạo nên đám cháy lớn, khi loài thú bay đêm này tới đậu dưới mái của các tòa nhà, gây những trận hỏa hoạn kinh hoàng trên đất Nhật.

Với khả năng định vị bằng sóng siêu âm, loài dơi đã trở thành "chuyên gia săn mồi" của Mỹ sau thất bại ở Trân Châu Cảng

Theo kế hoạch, phía Mỹ sẽ cho 1.000 con dơi bám trên mỗi quả bom, với thiết bị kích hoạt trang bị cho mỗi con, tất cả được đặt trong một cái vỏ có thể thả rơi khỏi chiến đấu cơ của Mỹ khi đến Nhật và loài thú tinh anh này sẽ tìm những căn nhà ở Nhật, nơi chúng sẽ gây ra trận "hỏa chiến" có một không hai. Tổng cộng hơn 6.000 con dơi đã được sử dụng trong các cuộc kiểm tra, hầu hết đều bất hợp tác bằng cách ôm bom... rơi tự do xuống đất hoặc bay vút lên không trung rồi tỏa đi hướng khác, mặc dù vậy cũng có một số "hoàn thành nhiệm vụ” gây hỏa hoạn cho ngôi làng Nhật Bản...

"Chuyên gia" đánh bại cả công nghệ âm thanh

Có khoảng 1.200 loài dơi trên thế giới, ngoài sự đa dạng về giống loài, dơi cũng phong phú về kích thước, từ dơi Acerodon Jubatus với sải cánh lên đến 1,5m, cho đến dơi Itty Bitty bé nhỏ với sải cánh chỉ vỏn vẹn 15cm. Trong số này có 3 loại hút máu nên bị gắn với hình tượng ma cà rồng, trở thành nỗi ám ảnh với không ít người, nhất là trẻ em. Sở hữu khả năng thay đổi cấu trúc tai nhanh như chớp để có thể tiếp nhận nhiều loại âm thanh khác nhau, tiến bộ hơn bất kỳ công nghệ nào mà loài người từng phát triển, loài này có thể phát ra tần suất siêu âm vượt quá khả năng nghe của con người, có lúc dao động trong khoảng 12-160 kHz, trong khi một ca sĩ với chất giọng soprano chuyên nghiệp có thể cất cao ở khoảng 1,76 kHz.

Đặc biệt theo các nhà khoa học, trong phân dơi chứa rất nhiều diêm tiêu (Kali Nitrate, hợp chất tương đối khan hiếm), thành phần chính trong nhiều loại phân bón, có thể chiết xuất để làm thuốc nổ và ngòi nổ trong chiến tranh. Trong cuộc chiến Nam - Bắc Mỹ, phân dơi trở thành nguồn tài nguyên quan trọng đối với quân đội hai phía. Theo phys.org, quá trình thực hiện thí nghiệm để hiểu rõ hơn về việc các đồ tạo tác cổ thay đổi thế nào khi bị chôn vùi hàng nghìn năm trong trầm tích, các nhà khảo cổ học Australia đã chôn xương, đá, than và các vật dụng khác trong phân dơi, nấu chín để quan sát tác động.

Ngày nay, các chuyên gia quân sự của Lầu Năm Góc tiếp tục nghiên cứu về cơ chế của loài thú bay đêm này với hy vọng có thể giúp ích cho những thiết kế robot do thám trong tương lai.

(Còn tiếp...)

Kỳ 3: Những
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang