Nhìn sao, dò đáy biển, xuôi ngược Hoàng Sa - Trường Sa:

Bài 2: Đi hết Hoàng Sa từ 34 năm trước

Thứ Tư, 28/02/2024 13:28

|

(CATP) Nghe tin bão trên Biển Đông vào tháng 12/2023, lão ngư dân Võ Mới (SN 1959, quê xã Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi) chỉ vô tấm hải đồ nơi con tàu của gia đình đang đánh bắt cá, rồi ông kể vanh vách chi tiết về những chuyến lênh đênh khắp vùng biển, qua biết bao đảo chìm, đảo nổi: "Tôi đi hết. Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, không sót bất cứ một ngõ ngách nào là chưa từng đến!". Lão từng đi chiếc ghe có động cơ bị liệt 1 phần, ghe chạy lò cò gần nửa tháng từ Trường Sa về tới đất liền.

Đo đáy biển tìm hướng

Năm 1991, chiếc tàu đánh cá có công suất máy 33 CV, do ngư dân Võ Mới làm thuyền trưởng, hải trình hướng về phía quần đảo Hoàng Sa. Ông Mới ra ngoài này vì dân chài ở phía cửa biển xã Bình Châu đồn đãi dữ quá. Người ta nói rằng, hòn đảo Hoàng Sa đang bỏ hoang và Trung Quốc chỉ chiếm giữ vài đảo lớn, ngư dân có thể đi lại tự do. Các ngư dân còn nhấn mạnh về việc có chủ tàu mới đi Hoàng Sa 3 năm đã dư ra được 30 cây vàng.

Con tàu cứ phăm phăm hướng mũi ra khơi và đi xuyên đêm không nghỉ. Sau 30 giờ hành trình nhưng chưa thấy bóng đảo, ông Mới vẫn thả dọi để đo nước rồi đối chiếu lại những ô tròn ghi độ sâu trên hải đồ giấy. Sợi dây dọi đi xuống độ sâu hàng trăm mét vẫn chưa có độ dừng, hoặc chạm đáy, đó là cách duy nhất để ngư dân ước chừng mình đang ở nơi nào.

Thời đó, tàu không có thiết bị định vị vệ tinh. Thế nên khi tàu chạy qua một đêm và sáng hôm sau, thuyền trưởng mới hô anh em trèo lên nóc ca-bin để "mông đảo". Cụm từ này khá vui, nhưng chỉ công việc của nhiều người là trèo lên điểm cao nhất của nóc ca-bin và chổng mông, nhìn đăm đăm ra phía ngoài khơi. Còn chuyện đo nước để đối chiếu với tấm hải đồ giấy là phương pháp kết hợp.

Lão ngư dân Võ Mới kể chuyện cá chuồn cồ Hoàng Sa. Ảnh: Văn Chương

Để đi giữa vùng biển xa thăm thẳm, cách đất liền gần 1 ngày 1 đêm chạy tàu, tốc độ từ 5 - 6 hải lý/giờ, ông Mới lấy que tăm nhang đo từng ô trên hải đồ giấy, mỗi ô tương đương 60 hải lý, sau đó quy ra tốc độ chạy của tàu. Có lúc ông nói "đêm qua nước chảy mạnh và có gió nên phải trừ bớt khoảng cách và cộng thêm thời gian". Con tàu càng đi về phía quần đảo Hoàng Sa thì cá chuồn xuất hiện mỗi lúc một nhiều và bầu trời lại càng thêm bóng chim hải âu chao lượn. Loại cá chuồn gần bờ là cá chuồn rắc, loại nhỏ và nhiều xương. Còn cá chuồn ở Hoàng Sa là cá chuồn cồ, thịt trắng, thơm ngon, ít xương, to bằng cổ tay và bán rất chạy hàng.

Ngư dân Nghĩa An vốn rất giỏi nghề câu. Chỉ cần vài lưỡi câu quăng xuống nước, sau ít phút đã dính cá ngừ đại dương và cá bè đen. Cá bè là thứ được ném trở lại, còn cá ngừ được cắt ra làm mồi câu. Thời đó, biển quá nhiều cá nên ngư dân chỉ lựa chọn cá ngon nhất. Mười lưỡi câu thả sau đuôi chiếc tàu và trở thành mồi nhử cho các loại cá rượt theo và thi nhau đớp. Thứ cá mà ngư dân mong đợi nhất là loại cá nhám ngừ (cá mập). Chưa ra tới đảo nhưng tiếng hò hét đã vang khắp con tàu khi ngư dân kéo lên con cá nặng 60 - 70kg vào sát mạn tàu.

Lạy ông, bà… "mở biển"

Ông Mới lớn lên trong một gia đình có truyền thống bám biển. Thời đó, ai cũng nghèo lắm. Những người thân trong họ của ông kể lại: Năm 1965, ông Võ Lành (SN 1919, cha của ông Mới) là người đi biển theo kiểu không hẹn ngày trở về. Cứ trước ngày đi biển, cả gia đình phải lo cúng vái tứ phương, tới lăng bà Thủy Long, lăng Thần Nam Hải đại tướng quân. Cúng như vậy vẫn chưa đủ, phải đi xem sao, tới nhà thầy bói.

Thời đó, ông Lành thường ngồi dựa lưng vào gốc cây mù u, kể cho con nghe những chuyện từng được đăng trên báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Ông dạy con cố gắng học thêm nghề máy tàu, để phòng khi ra khơi nhỡ máy có sự cố là có thể tự xử lý. Bởi lúc đó chưa có máy thông tin để liên lạc vô bờ.

Giỏ cá nặng của ngư dân đánh bắt xa bờ. Ảnh: Văn Chương

Chiếc đò nhỏ, mảnh mai, chỉ có cái sào để cắm buồm là dài, trông có vẻ hoàn toàn không cân đối với chiếc thuyền mê-nan dài chỉ chừng 12 mét. Người hàng xóm nhắc ông Lành coi giò gà ở ông Hai Tụ, rồi thì phải nên xem thêm ở ông Tư Thảng. Mỗi ông có cách xem giò khác nhau, nếu thế giò là tứ hỷ cách, hoặc kê ba cách thì kéo buồm mà đi khơi, nhắm hướng đảo Hai Trụ, là nơi Pháp từng cắm bia vào năm 1936, trên bia ghi "République francaise/Royaume dAnnam..." - Cộng hòa Pháp, Vương quốc An Nam.

Những chuyến đi biền biệt kéo dài cả tháng trời, trong khi gia đình không có một mẩu tin tức. Những người đàn bà ở nhà hàng ngày ra biển ngồi ngóng, hoặc dựa vào gốc cây mù u nghe các cụ bà kể chuyện kiếm hiệp của Kim Dung, với đồ hình Hồ Đao, hoặc Miêu Nhân Phương... để tháng ngày trôi đi nhanh hơn.

Khi lên 15 tuổi, cậu Mới đã được cha cho tập tành đi biển, tát nước dưới hầm ghe, kéo buồm, nắm dây lèo, đi bạn trên các tàu đánh cá. Đến năm 1991, ngư dân Võ Mới đã tự tin và làm thuyền trưởng tàu đánh cá, đưa ngư dân ra bám đảo Hoàng Sa. Những đêm cầm lái và chạy giữa biển đen ngòm, ông Mới nhớ tới kinh nghiệm cha truyền dạy, giữ thẳng kim la bàn 90 độ, nhưng tai luôn nghe tiếng sóng, mắt quan sát hướng sóng đổ để cho tàu đi đúng hướng.

Những năm tháng ở Hoàng Sa đã để lại hồi ức đẹp đối với ngư dân Võ Mới. Thành quả lao động được ông dồn vào đóng chiếc tàu đánh cá trị giá 45 cây vàng. Từ năm 2000, khi có được tàu lớn hơn, ông bắt đầu chuyển hướng đi về phía quần đảo Trường Sa.

Ký ức cá nhảy

Ngồi trong ngôi nhà khang trang, ông Mới trầm ngâm nhớ lại thời còn nhà tranh: Mỗi phiên đi lưới chuồn vô là có dư tới 3 cây vàng, vợ chồng chờ trời tối thì đu lên mái và nhét đầy dưới những thanh xà nhà, ống tre, mái rạ. Sau này tới hồi đóng tàu, làm nhà thì mới rút mái thả xuống, được cả khay vàng. Cách đây 6 năm, ông thảy hết vốn liếng chơi cú chót, vay thêm 3 tỷ đồng để đóng cặp tàu giã cào cao tốc to gấp mấy lần tàu hồi đi Trường Sa. Cả làng chài Nghĩa An lúc đó cũng đua nhau đóng loại tàu này. Thế nhưng, sau đó thì tất cả đều lâm vào cảnh vỡ nợ, điêu đứng.

Tôi từng nghe nhiều ngư dân kể chuyện thời đi lưới cá chuồn ở Hoàng Sa có thu nhập rất cao. Các ngư dân nói cao, nhưng không ai công khai con số cụ thể. Cho tới khi gặp ông Mới và hồi ức chuyện cũ thì ông nói thiệt rằng, thời đó có rất nhiều thuyền trưởng nhờ quần đảo Hoàng Sa mà giàu lên. Nhiều người cứ một phiên biển là đổ vàng, có người hết chỗ nhét trên nóc nhà thì giấu vào dưới chân giường, thậm chí có khi không nhớ hết chỗ giấu vàng.

Từ sau năm 2000, tình hình đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa khó khăn hơn khi Trung Quốc bắt đầu xua đuổi và tịch thu cá của một số tàu khi đến đánh bắt tại ngư trường này. Vì vậy, đoàn tàu cả hàng trăm chiếc bám giữ đảo Hoàng Sa bắt đầu tản dần, hoặc dạt ra đánh bắt tận ở bãi Maclesfield, nhưng phần lớn ngư dân ở xã Bình Châu thì vẫn bám trụ ở nơi này.

Tiến sĩ Đặng Ngọc Tùng, Phó Chủ nhiệm "Câu lạc bộ Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu" chia sẻ, loạt bài về ngư dân ở các tỉnh miền Trung ra bám biển Hoàng Sa từ thập niên 50, 60, 70, 80 trở về trước có giá trị chứng minh về việc ngư dân Việt Nam qua các thời kỳ vẫn bám giữ ngư trường này, khẳng định việc làm chủ vùng biển thông qua các hoạt động dân sự, đánh bắt cá, đồng thời giáo dục cho các thế hệ con cháu ở làng chài tinh thần bám biển.

(Còn tiếp...)

Bài 1: Từ An Dũ ra Cù Lao Ré và Hoàng Sa 58 năm về trước
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang