Nhìn sao, dò đáy biển, xuôi ngược Hoàng Sa - Trường Sa:

Bài 4: Từ thuyền giật lùi tới tàu cá vươn khơi

Thứ Sáu, 01/03/2024 18:32

|

(CATP) Dân gian có câu: "Ai về nhắn với nậu nguồn/Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên". Thời đá lạnh chưa phổ biến, con cá chuồn khi trộn muối có thể để được vài tháng nên trở thành mặt hàng vận chuyển khắp các vùng miền. Ngư dân Trần Đình Chơi (Chín Chơi, SN 1948) nói rằng, Đà Nẵng giờ đã lên phố nên ít còn ai nhớ đến câu chuyện cá chuồn và Đà Nẵng là nơi ghe nghề nhộn nhịp nhất ở miền Trung.

Lùi xa thành phố

Tại Bảo tàng tổng hợp TP.Đà Nẵng có một góc triển lãm hình ảnh, hiện vật liên quan tới nghề biển của Đà Nẵng một thời, đó là những chiếc đai lưng có gắn chì để ngư dân đeo vào thắt lưng, lao xuống nước lặn bắt cá. Ông Chín Chơi nói rằng, nhìn sơ là đủ biết mấy chục năm trước, nghề biển khổ cực và con người gặp nhiều rủi ro.

Cuộc đời của Chín Chơi gắn với những chiếc ghe chạy bằng buồm, mái chèo, muối ướp cá trong những chuyến biển dài ngày, chạy giật lùi, vừa đi vừa thả rơm, ống, lờ, kéo cá, rắc muối. Ông thuyền trưởng thì luôn khấn nguyện: "cầu ông bà đưa đẩy cá kéo vô ống, vô rơm, cầu ông bà để biển láng láng một chút". Khi ghe trở về thì dưới khoang là cá chuồn muối mặn, còn trên giàn tre dắt đủ loại cá được xẻ, phơi khô.

Năm 1962, cậu Chơi 14 tuổi và bắt đầu theo cha là ông Nguyễn Đình Đường đi biển. Trước mỗi chuyến đi xa, người cha đều chạy tới miếu Cô Bác "xem" chân con gà cúng để biết hên - xui. Ông Đường lẩm bẩm về thế giò, nào là "tứ hỷ cách, kê ba cách, phù cái cách". Có hôm ngón chân ngoài đè lên ngón cái, có nghĩa là "đề cái cách", chỉ sự hỗn loạn, vậy là ông Đương lầu bầu trong miệng và quyết định hoãn chuyến biển 1 - 2 ngày.

Lão ngư dân Trần Đình Chơi trước miếu Thanh An - Thanh Thủy là nơi thường "xem" giò gà. Ảnh: Văn Chương

Thời đó, ngư dân ở quận Thanh Khê đi lưới chuồn trên chiếc ghe chạy giật lùi. Có hôm xem giò xấu, rơi vào thế "vãn nội cách", tức ngón chân út của con gà cúng cứ chỉ ra ngoài, người xem giò nói "sẽ gặp điều độc hại". Nhưng rồi đang vào lúc gió êm, ngư dân tấp nập chở cá trở về nên chủ thuyền xúc một bao đất rải dưới lòng thuyền, đặt chiếc bếp lò lên rồi nhổ neo (nhưng giấu ngư dân đi bạn chuyện giò gà xấu). Ghe buồm đi giật lùi khoảng 10 - 12 ngày tới ngang đảo Cồn Cỏ và đi về khoảng 3 ngày.

Tới năm 1965, một số thuyền bắt đầu lắp máy thủy. Thuyền được gắn máy, đánh cá chủ động hơn, ông chủ thuyền bắt đầu giảm bớt cường độ khấn vái "xin lạy ông bà cho cá vô lưới, vô lờ". Hồi ức đi giật lùi để đánh cá, rồi sau này trở thành thuyền trưởng được Chín Chơi kể bằng giọng Đà Nẵng: "Chở theo nhiều cái lờ dài khoảng 2 mét và cột trước mũi ghe, cá rúc vô đẻ, túi (tối) thả, sáng kéo lên, mỗi ống kiếm chục kg cá. Ông bà đưa đẩy cá vô, mình có định được chi đâu".

Đi biển giật lùi

Thời đi khơi giật lùi, trên ghe có các loại lưới thô sơ, đó là lưới dệt từ sợi cây gai, nhuộm màu đen; lưới sử dụng sợi vải cotton dệt, sau thuyền là 15 bó củi để nấu ăn, 50 hộc muối để ướp cá (chưa có đá lạnh), đi biển dù có cá nhiều hay ít, cứ thấy củi chụm sắp hết là phải quay trở về.

Chín Chơi nhớ lại thời đi bạn, sau đó sắm được ghe, rồi nâng cấp lên tàu đánh cá, bỏ hẳn ghe mê vào năm 1991. Có tàu lớn, các ngư dân ở Quảng Ngãi ra Đà Nẵng xin đi bạn và nghe Chín Chơi nói: "năm tê sắm cái máy Yanmar 3 lốc đầu bạc, 33 CV, năm tới sẽ sang máy 4 lốc". Ngư dân ở Quảng Ngãi và Quảng Nam cứ nghe Chín Chơi nói máy đầu bạc là mê. Thời đó, Đà Nẵng là thủ phủ nghề biển và Quảng Ngãi là chốn quê, thua sút hơn Đà Nẵng nhiều phương diện.

Tàu cá đóng năm 1991 trị giá 47 cây vàng, Chín Chơi bắt đầu theo tàu rẽ ra biển khơi xa. Giờ ngồi nghĩ lại, ông cười lớn và nói: "hồi nớ chỉ cần 2 cây vàng là mua được cả dãy phố, bây chừ chắc giàu vì đất. Vậy mà có bao nhiêu của cũng đổ hết xuống ghe, sắm máy, mua lưới, rồi theo miết cái nghề cá chuồn, mực khơi".

Chiếc tàu này ban đầu đánh bắt gặp một số khó khăn. Người con trai đóng thêm 1 chiếc tàu lớn nữa để 2 chiếc đi kẹp và Chín Chơi lại tiếp tục nổi danh. Tới năm 1996, lại đổ thêm mấy chục cây vàng để lên đời máy 100 CV của cả 2 tàu. Cặp tàu bắt đầu dịch chuyển hướng về vùng biển Trường Sa.

Ngư dân đánh bắt nghề lưới vây ở vùng biển Hoàng Sa. Ảnh: Văn Chương

Sau năm 1998, ngư dân Quảng Ngãi ồ ạt đổ ra quần đảo Hoàng Sa đánh lưới chuồn, vô Đà Nẵng bán cá nối thành hàng dài. Có người mách nhỏ, "nghề này mỗi phiên chủ tàu kiếm được tới 5 cây vàng, làm 2 năm kiếm cả thùng đạn vàng". Vậy là Chín Chơi lại bám theo nghề mới, chuyển đổi để ra Hoàng Sa, tới tọa độ 110, 111 độ kinh Đông, bao lưới ở các đảo Quang Ảnh, Hữu Nhật, Đá Bắc...

Sau năm 2005, nghe tin về bãi ngầm ở một nơi rất đáng sợ, đó là bãi Macclesfield ở cách đảo Bom Bay, quần đảo Hoàng Sa hơn 74 hải lý, Chín Chơi nấn ná rồi nói anh em ngư dân chấp nhận đi xa, ra tới ngoài đó đánh bắt. Ngư dân ra tới vùng biển này và lần đầu tiên câu được những con cá kiếm có trọng lượng lên tới hàng trăm kilôgam.

Nghề chơi vơi giữa biển

Chín Chơi kể lần thoát chết năm 47 tuổi: "Lần đi lưới chuồn, 11 giờ trưa tui cầm lái, đi miết tới 3 giờ rưỡi sáng thì ông kia dậy để chuyển tài. Chú ra be, rớt nhào xuống nước mà không ai hay. Chú cởi áo quần ra bơi và tự nhủ, mới 47 tuổi chẳng lẽ chết, con cái đầy đó mà mình lại chết coi ra răng (ra sao). Tới lúc trời sáng thì đứa con thức dậy giật mình và quay ghe đi tìm, vớt được".

Thời đi ghe buồm, cậu Chơi được cha dạy, đi ghe là phải có 4 người gác 4 vị trí, tài công ở trước, một ông ở giữa, một ông chánh và một ông sau. Trên đường ra biển, nếu gặp gió nồm thì kéo buồm trở về, tiễu mãn từ ngày 19 đến 21 tháng 4 âm lịch thì hải trình bám dọc bờ, không bung ra khơi sẽ gặp gió. Khi đảo Cồn Cỏ mờ mờ, to ngang cái thúng chai thì phải kéo buồm quay về, vì tới cận là sắp vượt ra khỏi vĩ tuyến 17, là chế độ của miền Bắc.

Giai đoạn nguy hiểm nhất là năm 1985, nghề câu mực thời đó được xem là kiếm gạo khá nhất. Mỗi ngư dân đi câu mực thời gian 20 ngày về có thể kiếm được 3 chỉ vàng, tức gấp 3 lần nuôi 1 con lợn trong vòng 6 tháng.

Nghề câu mực quá nguy hiểm, cứ lâu lâu lại mất một người, vì vậy mỗi khi đi biển là ngư dân cúng, vái lạy liên hồi. Hễ ngoài khơi thấy biển nổi sóng thì Chín Chơi vội chạy vào lấy đĩa muối trộn lẫn gạo trắng, lầm rầm khấn vái, xin ông bà thương tưởng cho ngư dân, sau đó rải xuống biển. Chín Chơi hồi ức, thời ghe máy, trên ghe không có định vị thì ông thuyền trưởng phải biết xem sao đoán hướng, thuộc câu: "Ai mà sinh hạ sinh công, sinh sao bánh lái bên sông Nhơn Hà”.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, nhà nghiên cứu văn hóa đã nhiều lần trả lời báo chí và khẳng định "vai trò của ngư dân các tỉnh miền Trung nói chung và ngư dân Quảng Ngãi nói riêng đã giữ truyền thống bám biển vươn khơi, vừa đánh bắt cá, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo". Trong quá khứ, quần đảo Hoàng Sa là ngư trường rất phong phú. Vì vậy, bà con ngư dân ra đánh bắt bội thu. Ngày nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng ngư dân vẫn không rời bỏ ngư trường này.
Bài 3: Cả đời gắn với biển khơi
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang