Bà Rịa - Vũng Tàu: Ngư dân mong được ra khơi

Thứ Hai, 20/09/2021 11:46

|

(CATP) Đến ngày 19-9-2021, để thực hiện công tác phòng chống (PC) dịch, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) vẫn chưa cho phép tàu cá ra khơi đánh bắt xa bờ. Nhiều ngư dân (ND) bức xúc cho rằng, dịch Covid-19 không phải xuất phát từ biển, mà chủ yếu xảy ra tại các cảng cá, nhưng sao lại cấm ND ra biển hành nghề kiếm sống, mà chỉ mới cho phép số ít đánh bắt bằng thuyền thúng gần bờ? Việc này đã làm ảnh hưởng đến đời sống hàng ngàn ND các tỉnh Nam Trung bộ khi hiện đang là mùa đánh bắt ở ngư trường phía Nam.

Niềm mong mỏi của ngư dân

Ngày 16-9, sau khi nghe tin chuẩn bị được đánh bắt trở lại, một số ND huyện Đất Đỏ, tỉnh BR-VT đã chuẩn bị thuyền thúng ra khơi. Chính quyền địa phương cho rằng, việc ND ra khơi khi chưa có quyết định của Ban chỉ đạo PC dịch tỉnh là vi phạm quy định. Theo ông Huỳnh Sơn Thái - Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ, chính quyền đã giải thích cho ND biết, vận động họ không ra khơi đánh bắt cho đến khi có thông báo mới và đang xây dựng phương án để ND ra khơi đánh bắt an toàn. Trước mắt, tỉnh hỗ trợ mỗi hộ ND đánh bắt thuyền thúng, đò, nan 1,5 triệu đồng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.

Trong cuộc họp chiều 8-9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy BR-VT đã thống nhất các huyện Châu Đức, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Côn Đảo áp dụng giãn cách xã hội (GCXH) theo Chỉ thị 15. Đến nay dịch bệnh trên địa bàn có chiều hướng giảm dần và trong số 4 huyện vùng xanh có: Côn Đảo, Châu Đức, Đất Đỏ, Xuyên Mộc. Vậy tại sao người dân ở Đất Đỏ không được ra khơi đánh bắt?

Trước bức xúc của ND, ngày 19-9 tỉnh BR-VT cho phép ND thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ sử dụng thuyền thúng ra biển đánh bắt hải sản (HS) gần bờ sau hơn 2 tháng thực hiện GCXH nghiêm ngặt, không được ra biển đánh bắt. Dù vậy chính quyền cũng quy định ND có thuyền thúng chỉ được hoạt động đánh bắt đi - về trong ngày theo thời gian đăng ký và cam kết; bố trí luân phiên 50% tổng số phương tiện được xuất bến trong ngày và phải được cấp giấy xác nhận. Tất nhiên những thuyền đánh cá xa bờ vẫn còn phải nằm lại. Riêng hoạt động của các cảng trên địa bàn tỉnh vẫn phải chờ phương án mở cửa trở lại, chậm nhất đến ngày 1-10 mới có thể hoạt động.

Thêm một vấn đề thời sự với ngành đánh bắt hải sản ở BR-VT, khi từ ngày 25-8, tỉnh này cấm các tàu cá xuất bến để cơ quan chức năng kiểm soát, truy vết bóc tách F0, F1 tại các cảng cá. Lệnh cấm này khiến 284 tàu cá đang đánh bắt ngoài khơi lúc đó, cùng với gần 2.635 thuyền viên (TV) phải lênh đênh trên biển từ đó, đến nay đã gần 1 tháng. Hiện họ đã cạn kiệt lương thực, nước uống và nhiều nhu yếu phẩm thiết yếu khác, trong khi HS đánh bắt được không thể đưa vào bờ.

Ngày 19-9, ngư dân đánh cá bằng thuyền thúng ở thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ đã được phép đánh bắt gần bờ. Ảnh: PHÚ XUÂN

Trước tình hình này, UBND TP.Vũng Tàu đã có công văn đề nghị Ban chỉ đạo PC dịch Covid-19, UBND tỉnh BR-VT cho phép 72 tàu dịch vụ hậu cần được ra biển tiếp tế, kết hợp chở HS về đất liền. Đến ngày 19-9, UBND tỉnh BR-VT vẫn chưa có quyết định "giải cứu" hơn 300 tàu cá trên. Tình hình càng nguy cấp khi từ ngày 20 đến 21-9 ở Nam bộ có mưa lớn, biển động rất mạnh, nếu áp thấp thành bão thì điều gì sẽ xảy ra với gần 300 tàu cá ấy?

Đến nay, tỉnh BR-VT vẫn chưa cho tàu cá ra khơi đánh bắt. Nhiều ND bức xúc về vấn đề này khi cho rằng dịch Covid-19 không phải xuất phát từ biển, mà xảy ra tại các cảng cá, nhưng sao lại cấm ND ra biển hành nghề kiếm sống? Trên thực tế, hiện nhiều địa phương khác cũng thực hiện Chỉ thị 15, 16 nhưng thực hiện yêu cầu của Chính phủ vừa chống dịch vừa sản xuất an toàn, nhiều địa phương đã cho ND được phép ra khơi đánh bắt; trong số này, TP. Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) quy định, các TV phải có giấy xét nghiệm (XN) âm tính với Covid-19 (7 ngày 1 lần) mới được phép ra khơi. Trong khi bà con ND một số địa phương ở BR-VT cũng thực hiện CT15 lại phải neo thuyền, gác ngư cụ?

Việc quản lý ND ra khơi đánh bắt không phức tạp, vấn đề là quản lý cho được an toàn dịch ở các cảng cá. Vì sao lái xe đường dài chấp nhận test 72 giờ, shipper cũng vậy, trong khi ND đi biển 3 ngày 3 đêm (thuyền thúng, thuyền nhỏ) cũng bằng thời gian đó, lại không? Nhóm ND càng đánh bắt xa bờ càng ít có nguy cơ lây nhiễm từ cộng đồng khi họ làm việc giữa biển khơi, nếu có cũng cũng khó thể lây ra cộng đồng, dễ khoanh vùng truy vết. Còn nếu lo không quản lý nổi, ít ra cũng cho ND đánh bắt gần bờ, sáng sớm đi, chiều tối về, giúp họ sống được với nghề.

Nên chăng cho các tàu cá ra khơi đánh bắt kèm theo túi thuốc an sinh Covid-19 và làm đầy đủ XN, không nên PC Covid một cách máy móc, khi việc nhiều địa phương ở BR-VT đến nay vẫn cấm ND ra khơi đánh bắt, không chỉ ảnh hưởng đến ND trong tỉnh mà còn liên đới đến hàng ngàn ND các tỉnh miền Trung, Nam Trung bộ, khi khu vực này đang là mùa mưa bão, nên vùng biển phía Nam, phía Tây là ngư trường của họ và các cảng cá ở BR-VT là nơi họ thường cập bến mua bán HS đánh bắt được cũng như cung ứng các dịch vụ hậu cần.

Vấn đề là chống dịch ở các cảng cá

Hiện BR-VT đã kiểm soát được dịch về cơ bản, vấn đề còn lại là kiểm soát dịch tại các cảng cá, chủ yếu là các biện pháp phòng tránh lây nhiễm tại chỗ, đặc biệt là kiểm soát người ra vào khu vực này, trong đó có ND. Đặc biệt tổ chức các đội bốc xếp HS "3 tại chỗ" trong cảng, không được phép vào ca-bin tàu cá; chủ tàu, chủ vựa, thương lái phải XN âm tính trước khi vào cảng cá...

Theo Phòng Kinh tế TP. Vũng Tàu, hiện TP này có 2.183 tàu cá hoạt động khai thác thủy sản với 11.396 TV, trong đó 834 tàu cá từ 15m trở lên khai thác xa bờ, 111 tàu làm nghề dịch vụ hậu cần thủy sản. TP.Vũng Tàu có 550 tàu đang nằm bờ với 6.303 TV và 284 tàu đang khai thác trên biển với 2.635 TV. Thành phố Vũng Tàu cũng đã làm tờ trình đề nghị UBND tỉnh BR-VT xem xét, cho chủ trương tàu được xuất bến khai thác HS, đề xuất từ 20-9 giải quyết cho 72 tàu dịch vụ hậu cần thủy sản được xuất bến ra tiếp tế lương thực thực phẩm, nhiên liệu cho 284 tàu cá đang khai thác trên biển, từ 30-9 sẽ xem xét tạo điều kiện cho tàu cá tiếp tục xuất bến đánh bắt.

Cũng theo báo cáo này, nhiều chủ tàu cá phản ánh, thời gian qua thực hiện GCXH để PC dịch, ND đã cạn kiệt vốn, chi phí lo ăn ở cho TV lớn; nhiều chủ tàu không có khả năng trả lãi ngân hàng. Ngoài ra do tàu phải nằm bờ lâu ngày, dẫn đến nguy cơ thiếu nguyên liệu cho cho nhà máy chế biến thủy sản.

Bình luận (0)

Lên đầu trang