(CAO) Ngư dân người Philippines - Randy Megu thường xuyên bất chấp những cơn bão nổi lên ở Biển Đông để ra khơi, nhưng những ngày này ông có một nỗi sợ lớn hơn: Nhìn thấy một tàu hải cảnh của Trung Quốc xuất hiện ở đường chân trời.
5 năm sau phán quyết mang tính bước ngoặt của Tòa án trọng tài thường trực quốc tế (PCA) bác bỏ tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đối với vùng biển nơi Megu đánh cá, người đàn ông 48 tuổi nói rằng các cuộc đụng độ với tàu thuyền của Trung Quốc diễn ra thường xuyên hơn bao giờ hết.
Reuters dẫn lời ngư dân Megu cho biết: “Tôi rất sợ hãi” - khi mô tả cách một tàu Trung Quốc đã theo dõi con tàu của ông trong suốt 3 giờ cách bờ biển khoảng 140 hải lý (260 km) vào tháng 5.
Ông cũng cho biết các ngư dân khác đã báo cáo việc bị đâm vào thân tàu hay bị xịt vòi rồng xua đuổi khi đang làm việc tại nơi họ coi là ngư trường lịch sử của mình - điều mà họ hy vọng sẽ được đảm bảo sau phán quyết của toà PCA ở The Hague năm 2016.
Nhưng Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết và vẫn bảo vệ tuyên bố chủ quyền phi pháp của mình đối với hầu hết diện tích Biển Đông. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Hồi tháng 3, Philippines đã phản đối về việc hơn 200 tàu dân quân Trung Quốc xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), kéo dài 200 hải lý tính từ bờ biển của nước này trên Biển Đông.
Các nhà ngoại giao Trung Quốc cho biết đội tàu của họ trú ẩn khi biển động và không có lực lượng dân quân nào trên tàu.
“Dữ liệu ở đây rất rõ ràng” - Greg Poling thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) cho biết. "Các tàu của cảnh sát biển Trung Quốc và lực lượng dân quân đang ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines nhiều hơn so với 5 năm trước".
Các ngư dân Philippines đánh bắt trên Biển Đông - Ảnh: Reuters
Một cuộc thăm dò dư luận vào tháng 7 năm 2020 cho thấy 70% người dân Philippines muốn chính phủ khẳng định yêu sách của họ ở Biển Đông.
"Chúng tôi kiên quyết bác bỏ các nỗ lực phá hoại hay thậm chí xóa nó (yêu sách) khỏi luật pháp, lịch sử và ký ức tập thể của chúng tôi" - Ngoại trưởng Philippines - Teodoro Locsin cho biết trong một tuyên bố vào tháng trước.
Nước này đã thực hiện 128 cuộc phản đối ngoại giao về các hoạt động của Trung Quốc trong các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông kể từ năm 2016.
Tuy nhiên, Philippines đã không làm được gì khác để thúc đẩy tuyên bố của mình dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, người đã coi mối quan hệ với Trung Quốc là một kế hoạch trong chính sách đối ngoại của mình và nói rằng sẽ là "vô ích" khi cố gắng thách thức nước láng giềng lớn hơn rất nhiều của mình.
Poling nhận định: "Trung Quốc đang kiểm soát nhiều hơn. Điều duy nhất mà chính phủ Duterte có thể chỉ ra là họ chưa để xảy ra sự nào cố lớn...”.
Lực lượng bảo vệ bờ biển và Bộ Quốc phòng Philippines không trả lời yêu cầu bình luận.
Sự hiện diện của Trung Quốc cũng đã gia tăng ở những nơi khác trên Biển Đông. Bắc Kinh tiếp tục củng cố các đảo nhân tạo xây trái phép được làm trên đó các đường băng và thiết đặt các khẩu đội tên lửa đất đối không.
Malaysia trong khi đó đã phàn nàn về hành động của các tàu Trung Quốc. Sự hiện diện của họ cũng gây lo ngại ở Indonesia - mặc dù về mặt lý thuyết, nước này không phải là bên đưa ra yêu sách.
Hoạt động đánh bắt của ngư dân Philippines bị cản trở 5 năm sau phán quyết của Toà PCA - Ảnh: Reuters
Các hoạt động tuần tra của Hải quân Mỹ trên Biển Đông thời gian qua đã thách thức các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc nhưng không có dấu hiệu sẽ ngăn cản được Bắc Kinh triển khai các tàu xung quanh Philippines hoặc các nơi khác.
Trước khi đắc cử vào năm 2016, ông Duterte đã nói rằng ông sẽ ủng hộ các yêu sách của đất nước mình ở Biển Đông.
Ông sẽ từ chức vào cuối nhiệm kỳ 6 năm duy nhất của mình vào năm tới, nhưng việc nói rằng ông có thể trở thành phó tổng thống hoặc được kế nhiệm bởi con gái của mình đã làm dấy lên nghi ngờ rằng các chính sách này sẽ thay đổi.
Các ngư dân của Philippines trong khi đó không thấy có chút hy vọng nào về việc thách thức được các tàu Trung Quốc.
“Bây giờ, cứ như thể chúng ta là kẻ trộm trên chính mảnh đất của mình vậy” - ngư dân Philippines - Christopher de Vera, 51 tuổi cảm thán.