(CAO) Hôm 9-7, Reuters đưa tin hãng dược Pfizer lên kế hoạch nộp đơn yêu cầu các cơ quan quản lý Mỹ cấp phép cho tiêm liều vaccine Covid-19 tăng cường do họ bào chế (mũi thứ 3) trong vòng tháng tới.
Động thái này được đưa ra dựa trên bằng chứng về nguy cơ tái nhiễm 6 tháng sau khi được tiêm chủng đủ liều vaccine Covid-19 Pfizer (2 liều) và lo ngại về sự lây lan của biến thể Delta của coronavirus.
Tuy nhiên, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết trong một tuyên bố chung rằng những người Mỹ đã được tiêm chủng đầy đủ không cần tiêm mũi tăng cường vaccine COVID-19 vào thời điểm này.
Một số nhà khoa học cũng đã đặt câu hỏi về sự cần thiết của việc tiêm nhắc lại.
Giám đốc khoa học của Pfizer, Mikael Dolsten, cho biết sự sụt giảm hiệu quả bảo vệ của vaccine Covid-19 của hãng được báo cáo gần đây ở Israel chủ yếu là do những ca nhiễm mới được phát hiện ở những người đã tiêm đủ liều vaccine vào tháng 1 hoặc 2. Bộ Y tế nước này cho biết hiệu quả của vaccine trong việc ngăn ngừa nhiễm bệnh và bệnh có triệu chứng đã giảm xuống còn 64% vào tháng 6.
Dolsten cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Vaccine Covid-19 của Pfizer có hoạt tính cao chống lại biến thể Delta. Nhưng sau 6 tháng có thể có nguy cơ tái nhiễm khi các kháng thể được tạo ra nhờ tiêm vaccine sẽ suy yếu”.
Pfizer đã không công bố toàn bộ dữ liệu của Israel nhưng cho biết nó sẽ sớm được công bố.
Pfizer nộp đơn xin cấp phép tiêm liều vaccine Covid-19 nhắc lại - Ảnh: Reuters
Dolsten nói: “Đó là một tập hợp dữ liệu nhỏ, nhưng tôi nghĩ xu hướng là chính xác: Sáu tháng sau, do biến thể Delta dễ lây lan nhất mà chúng tôi từng thấy, nó có thể gây nhiễm và bệnh nhẹ (dù đã tiêm vaccine đủ liều)” - Dolsten nói.
FDA và CDC, trong tuyên bố chung của họ cho biết: "Chúng tôi đã chuẩn bị phê chuẩn cho các liều tăng cường nếu và khi khoa học chứng minh rằng chúng là cần thiết".
Theo Dolsten, dữ liệu của chính Pfizer từ Mỹ cho thấy hiệu quả của vaccine đã bị hao hụt sau 6 tháng tiêm so với các biến thể virus đã lưu hành trước đó.
Ông nhấn mạnh rằng dữ liệu từ Israel và Anh cho thấy rằng ngay cả khi mức độ kháng thể suy yếu, vaccine vẫn đạt hiệu quả khoảng 95% đối với các ca bệnh nặng.
Vaccine Covid-19 được phát triển giữa hãng dược này với đối tác BioNTech SE của Đức, đã cho thấy hiệu quả 95% trong việc ngăn ngừa COVID-19 có triệu chứng trong một thử nghiệm lâm sàng mà các công ty đã thực hiện vào năm ngoái.
Dolsten cho biết dữ liệu ban đầu từ các nghiên cứu của chính công ty cho thấy liều tăng cường thứ ba tạo ra mức kháng thể cao hơn từ 5 đến 10 lần so với sau liều thứ hai, cho thấy rằng tiêm mũi thứ ba sẽ mang lại hiệu quả bảo vệ đầy hứa hẹn.