(CAO) Hôm 8-7, CNN đưa tin hơn 4 triệu người trên Thế giới đã chết vì Covid-19, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins (Mỹ). Cả thế giới có hơn 185 triệu ca mắc, trong đó trên 170 triệu ca khỏi bệnh.
Tổng cộng, ba quốc gia chiếm hơn một phần ba tổng số ca tử vong trên toàn cầu. Mỹ là quốc gia có số người chết vì Covid-19 cao nhất với 606.000 người, chiếm 15% tổng số ca tử vong trên toàn cầu, tiếp theo là Brazil và Ấn Độ.
Mốc 4 triệu người chết bị vượt qua diễn ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới và tử vong đang giảm ở Mỹ và Châu Âu, những nơi có số lượng đáng kể người dân đã được tiêm phòng.
Tuy nhiên, một số nước đang phát triển, chẳng hạn như Indonesia, vẫn đang phải đối mặt với những đợt bùng phát dịch bệnh ngày càng gia tang khi các nhà chức trách phải vật lộn để đảm bảo đủ vaccine tiêm cho dân.
Biến thể Delta, một dòng của coronavirus có khả năng lây truyền cao hơn và có thể nguy hiểm hơn, cũng đang góp phần làm gia tăng các trường hợp mắc bệnh ở một số quốc gia và khu vực. Ở Mỹ, biến thể Delta hiện chiếm hơn một nửa tổng số ca nhiễm mới, theo ước tính của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).
Những nạn nhân chết vì Covid-19 được chôn ở một nghĩa trang tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil - Ảnh: Getty
Trung bình có 7.900 trường hợp tử vong do Covid-19 được báo cáo mỗi ngày trong tuần qua. Con số này thấp hơn 46% so với mức đỉnh toàn cầu với hơn 14.700 ca tử vong hàng ngày vào tháng 1/2021 nhưng cao hơn 57% so với tốc độ khoảng 5.000 ca tử vong hàng ngày từ thời điểm này năm ngoái.
Số người chết toàn cầu đã vượt quá 1 triệu người vào ngày 18 tháng 9 năm 2020, 191 ngày sau khi Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố dịch Covid-19 là một đại dịch toàn cầu. Phải mất 115 ngày để số người chết trên toàn cầu đạt 2 triệu, 88 ngày để vượt qua 3 triệu và 89 ngày nữa để chạm mốc 4 triệu.
Do khó khăn trong việc theo dõi chính xác sự lây lan của virus, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, nhiều chuyên gia tin rằng số người chết trên toàn cầu vì dịch Covid-19 có thể còn cao hơn đáng kể so với con số được báo cáo chính thức.
Trong một tuyên bố hôm 8-7, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo đại dịch còn "lâu mới kết thúc", ông còn cảnh báo về sự xuất hiện của nhiều biến thể lây truyền, gây chết người nhiều hơn và có nhiều khả năng làm suy yếu hiệu quả của các loại vaccine hiện tại.