Lỡ hẹn Tết đoàn viên

Thứ Hai, 20/09/2021 11:06

|

(CAO) Trăng Trung thu đã tròn như nhắc nhở một mùa sum họp, thế nhưng giờ đây, Đại úy Phan Thanh Khơi, người cha đang trong hoàn cảnh 'gà trống nuôi con' vẫn miệt mài làm việc tại chốt trực.

3 tháng nay, các chốt trực phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh (TPHCM) trở thành ngôi nhà thứ hai của Đại úy Phan Thanh Khơi.

Bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, mỗi ngày anh đều có mặt để thực hiện nhiệm vụ. Nào là kiểm soát người và phương tiện qua lại, ngăn người có nguy cơ nhiễm Covid-19 vào cộng đồng, phòng chống tội phạm... nhiệm vụ nào anh cũng làm nhanh nhẹn và thuần thục. Những bữa cơm vội vã nơi chốt trực đã thành nếp sinh hoạt quen thuộc với anh và đồng đội nhiều tháng nay.

Bữa trưa vội vã của Đại uý Khơi cùng các đồng đội. Ảnh: Tiến Dũng

Thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, tập trung nhiều bệnh viện, khu cách ly điều trị Covid-19. Do đó Đại úy Khơi và đồng đội không tránh khỏi việc tiếp xúc với những người mang mầm bệnh. Đồng chí Khơi còn đối mặt nhiều nguy cơ lây nhiễm hơn nữa khi phải thường xuyên giải quyết những vụ việc phức tạp về ANTT trong khu vực cách ly.

“Ít nhất 2 lần đồng chí Khơi tham gia khống chế đối tượng ngáo đá trong khu vực công cộng và một lần vào khoa điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 thuộc Bệnh viện Covid-19 Bình Chánh khống chế đối tượng gây rối” - Trung tá Trần Thanh Sang - Trưởng Công an thị trấn Tân Túc cho biết.

Đại uý Khơi thường xuyên xuống địa bàn nắm bắt tình hình... Ảnh: Tiến Dũng
Anh thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tại các chốt trực. Ảnh: Tiến Dũng

Đầu tháng 9/2021, nhờ được tăng cường lực lượng, Đại úy Khơi không phải tham gia trực chốt. Tuy vậy, khối lượng công việc cũng không giảm là bao, từ đảm bảo ANTT, công tác an sinh xã hội đến phòng chống dịch, nắm bắt tư tưởng người dân trên địa bàn đảm trách… Gánh nặng công việc chất chồng, dẫu vậy ngày ngày bước chân anh vẫn in dấu trên từng con đường, khu phố, vẫn có mặt kịp thời mỗi khi người dân cần đến.

Con đường nào ở địa bàn cũng có dấu chân người cán bộ mẫn cán. Ảnh: Tiến Dũng

Ông Huỳnh Văn Lương (người dân TT.Tân Túc, huyện Bình Chánh) cho biết: “Anh Khơi về dưới đây dân mến, dân thương lắm. Khi có chuyện gì xảy ra ở khu phố, bất chấp chuyện lớn chuyện nhỏ anh Khơi đều giải quyết hết. Ảnh không có nghĩ đêm hay là ngày, nhiều lúc anh vừa hết ca trực chống dịch mệt mỏi, mới về cơ quan nghỉ mà người dân điện thoại anh vẫn vui vẻ xuống địa bàn”.

Ông Huỳnh Tấn Trọng (ngụ cùng thị trấn) tiếp lời: “Anh đến tận dân, đặc biệt là những hộ nghèo, hộ khó khăn để động viên, rồi có những phần quà gì vận động được hay của thị trấn, anh mang đến trao tận tay người dân”.

Ngôi nhà vắng bóng người trụ cột cũng vì thế mà buồn hơn. Ảnh: Tiến Dũng

Với công việc, với nhân dân, anh được nhiều người khen ngợi là vậy. Nhưng, với gia đình nhỏ của mình, anh tự thấy chưa tròn trách nhiệm.

Kể từ khi anh nhận lệnh đóng quân tại đơn vị, bữa cơm gia đình vốn đã thường xuyên thiếu vắng bóng anh vì những công tác đột xuất lại càng trở lên lạnh lẽo. Bé Quỳnh Anh - món quà vô giá người vợ quá cố để lại - mà anh luôn tự nhủ phải dành nhiều thời gian để chăm sóc, nhiều tháng nay anh cũng đã giao trách nhiệm ấy lại cho người mẹ lớn tuổi của mình.

“Ở nhà có 2 bà cháu buồn lắm, Quỳnh Anh hỏi sao lúc này ba con ít về quá nội, hai ba tháng nay cha con không được ăn cơm ở nhà rồi bà nội. Nhớ thằng Khơi mà nghe cháu nói vậy nữa bà nội buồn muốn rơi nước mắt” - bà Nguyễn Thị Sáu - mẹ Đại úy Khơi xót xa khi nghe những câu hỏi về cha của con trẻ.

Ba tháng ròng tại đơn vị, anh đã tập quen dần với việc thiếu hơi ấm gia đình, nhưng đêm nay đối với anh thật dài. Trăng tháng 8 tròn vành vạnh báo hiệu Tết đoàn viên đang về. Đôi lúc những trăn trở về gia đình, về người mẹ già và đứa con kém may mắn… chiếm trọn suy nghĩ, khiến anh đứt mạch công việc. Có lẽ đây cũng là cảm xúc chung của nhiều chiến sĩ chứ không riêng gì của anh.

Trách nhiệm người cha nặng gánh hơn vì anh kiêm cả phần của người mẹ. Ảnh: Tiến Dũng

“Bà xã mình mất vì bệnh tim lúc cháu còn đang học lớp mẫu giáo. Mình luôn muốn dành nhiều thời gian để bù đắp lại những thiếu thốn trong tình cảm của bé vì sức khỏe bé cũng không tốt, bị bệnh suyễn từ nhỏ. Nhưng công việc nhiều lúc phải trực nhiều…”. Anh tâm sự, rồi thở dài: “Không biết 2 bà cháu ở nhà ra sao, ăn uống ngủ nghỉ như thế nào, con tôi sắp vào năm học mới, rồi dịch này tôi cũng lo…”.

Lựa chọn giữa gia đình và công việc không bao giờ là dễ dàng. Đặc biệt, đối với một người đàn ông trong hoàn cảnh 'gà trống nuôi con' như anh Khơi thì đó là sự hi sinh, đánh đổi. “Cũng cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, để khi mùa dịch này qua rồi, cha con, bà cháu sẽ được ăn những bữa ăn gia đình vui vẻ với nhau” - nén cảm xúc anh tự nhủ.

Nhìn hộp bánh trung thu mà gia đình nhờ người đặt gửi đến, anh Khơi như được tiếp thêm sức mạnh bởi tình yêu thương cùng sự trưởng thành của con gái sau nhiều ngày xa cách. “Cha là tuyến đầu chống dịch, cha tiếp xúc với F0 rất nhiều, con rất thương cha. Con mong ước dịch mau hết để cha được về nhà với con” - bé Quỳnh Anh nhắn nhủ.

Đã nhiều ngày hai cha con chỉ được chuyện trò qua điện thoại. Ảnh: Tiến Dũng

Đã nhiều Trung thu trôi qua Quỳnh Anh không có mẹ, Trung thu năm nay em lại không có cha cạnh bên. Nhưng em sẽ ngoan bởi em hiểu rằng cha mình đang ngày đêm chiếu đấu với dịch bệnh để người người có được sự bình an, quây quần sum họp.

Niềm tin về một ngày mai tươi sáng hiện hữu trong đôi mắt trong trẻo của Quỳnh Anh: “Hết dịch, rồi cha sẽ về”. Niềm tin của Quỳnh Anh có lẽ cũng là sự mong mỏi của nhiều đứa trẻ có cha mẹ đang tham gia chống dịch nơi tuyến đầu.

Tết đoàn viên năm nay cha em lỡ hẹn là để trọn vẹn cho những dịp sum họp sau này.

“Hết dịch, ba mẹ sẽ về với con!”
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang