Nhìn sao, dò đáy biển, xuôi ngược Hoàng Sa - Trường Sa:

Bài cuối: Kình ngư ở cửa biển Đà Diễn

Chủ Nhật, 03/03/2024 16:36

|

(CATP) Tôi bám theo câu chuyện về ngư dân ở cửa biển An Dũ, thị xã Hoài Hương, tỉnh Bình Định vào tận vùng biển Phú Yên để viết tiếp câu chuyện kình ngư ra tận đảo Hoàng Sa. Nhưng nơi này tôi lại bắt gặp những kình ngư khác, như lão ngư dân Nguyễn Viết Phương (SN 1944), dân làng thường gọi là Ba Phương. Ba Phương giờ sống đời nghèo, còn ngư dân đi bạn với ông, trải nghiệm những tháng năm liều lĩnh thì đều trở thành thuyền trưởng giỏi.

Đi tắt giữa biển

"Ai một thời liều mạng, ngang dọc trên biển, cứ nhìn sao trên trời để định hướng? thì cứ tới gặp ông ngư dân Ba Phương!" - bà con ngư dân ở vũng neo đậu Đông Tác (thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) cho biết. Con người mà tôi gặp có mái tóc bạc, dáng người gầy gò, nói giọng "xứ nẫu" vần ê thành vần ơ. Ba Phương cười khà khà, có lúc giọng chùng xuống vì yếu hơi, rồi kể về cuộc đời chìm nổi của mình ở vùng đất từng diễn ra những trận tảo thanh khét tiếng của các đơn vị Lữ đoàn dù 173 của Mỹ, Trung đoàn 47, các đơn vị Bảo An, Nghĩa Quân, Phụng Hoàng, Thiên Nga...

Trước năm 1975, từ cửa biển Đà Diễn, Ba Phương đã bám theo thuyền của gia đình đi đánh bắt ở vùng lộng. Mãi tới năm 1986, Ba Phương mới có điều kiện làm chủ thuyền và lên kế hoạch để đi xa. Ông Lê Tình là ngư dân đi bạn, ban đầu cũng dạn dĩ, nhưng rồi lại run lẩy bẩy, nhìn trời nước mênh mông và nói với Ba Phương, nếu chạy từ cửa biển Đà Diễn ra đảo Bạch Long Vĩ ở tận Hải Phòng mà đi kiểu này thì chỉ có nước chết.

Lý do là nếu đi từ cửa biển Đà Diễn và men theo sát bờ ra miền Bắc thì chiếc ghe nhỏ đi mất 6 ngày 6 đêm. Ba Phương nói rằng, cứ dòm sao mà đi, đi cắt ngang biển thì chỉ mất có 3 ngày 3 đêm. Vậy là 5 ngư dân ngồi trên tàu khóc. Ai cũng nói "Ba Phương liều quá, đi gì thăm thẳm giữa biển, không chịu bám theo lộ trình đi sát bờ để hóng bóng núi".

Ngư dân Nguyễn Viết Phương. Ảnh: VĂN CHƯƠNG

Chiếc máy lắp dưới thuyền là loại 2 pit-ton, công suất 22 mã lực, ngư dân gọi là con Yanmar đầu bạc. Ba Phương chấm tọa độ, cho ghe chạy cách bờ 30 hải lý, đi thẳng sang Cù Lao Xanh của tỉnh Bình Định, bắt cù lao Ré (đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Ba Phương tính toán "đoạn khó đi là ra tới Huế, vùng biển này phải ép kim la bàn 330 độ, trừ sóng gió, đi tiếp rồi theo hướng kim la bàn 320 độ, xuống dần kim 300 độ thì ghe sẽ tới đúng đảo Bạch Long Vĩ nằm trong khu vực Vịnh Bắc Bộ.

Thời đó, Ba Phương đi biển và làm nghề câu giàn, hừng Đông thả câu một lần, gần tối thả câu một lần. Giàn câu có tới mấy chục ngàn lưỡi, ghe chạy dọc giàn câu thì phải đi 5 giờ đồng hồ mới hết. Mỗi lần kéo giàn câu thì mất gần cả một ngày. Công việc trên biển quăng quật cả ngày lẫn đêm. Vừa câu vừa đánh lưới chuồn để lấy cá làm mồi câu. Có lúc 9 giờ đêm kéo câu, 3 giờ sáng ăn bữa cơm rồi lại tiếp tục đánh cá.

Năm 2005, Ba Phương hạ nề, đóng chiếc tàu cá vào loại lớn nhất ở cửa biển. Tàu cá có thân vỏ dài gần 16 mét, đóng bằng 30 khối gỗ căm xe, thuộc nhóm gỗ lim, loại cây cao 30 mét nên có thể chịu được nước mặn vài chục năm không mục. Mọi người tới xem chiếc ghe của Ba Phương được đóng chắc chắn, thân tàu được vít chặt với 6.000 cây bu-loong, thay vì đóng kiểu truyền thống là dùng chốt tre. Tàu lắp máy lớn, có công suất 362 mã lực, loại 6 pit-ton.

Những ngư dân đi bạn từng nhiều phen liều lĩnh với Ba Phương, phần lớn sau này đều trở thành thuyền trưởng giỏi. Năm 2023, vũng neo đậu Đông Tác chật kín những con tàu chuyên đánh bắt xa khơi, không mấy ai còn nhắc đến ông Ba Phương gầy gò từng một thời đi biển ngắm sao trên trời để định hướng mà đi.

Bà Huỳnh Thị Ngợi và cháu là ngư dân Huỳnh Văn Thắng. Ảnh: VĂN CHƯƠNG

Ba thế hệ bám biển

Cuộc đời của Ba Phương đi qua cũng góp phần tạo cảm hứng cho ngư dân ở vùng biển này vươn khơi, ra Hoàng Sa, Trường Sa. Góp phần vào văn hóa bám biển tại địa phương còn có đội ngũ ngư dân được gọi là "chạy giặc".

Năm 1966, ngư dân ở làng chài An Dũ chạy tránh vùng chiến sự, dạt vào cửa biển Đà Diễn và dừng tại vũng neo đậu Đông Tác (nay thuộc phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên). Bà Huỳnh Thị Ngợi (94 tuổi) nhớ lại, vào cửa biển Đà Diễn, nhiều người nói về nghề cá chuồn cồ đang có thu nhập cao. Đó là nhóm ngư dân ở cửa biển An Dũ. Nhưng chạy ngược ra đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, sau đó từ nơi này đi tiếp thêm 2 ngày 2 đêm nữa là tới bãi Cát Vàng (Hoàng Sa).

Bà con của bà Ngọt và nhiều ngư dân khác nghe nghề cá chuồn thì cũng rất thích thú. Vì loại cá này rất chịu muối, nên tươi được lâu và trở thành mặt hàng có thể vận chuyển vài ngày lên miền núi. Nhưng từ cửa biển Đà Diễn mở ra hướng Hoàng Sa thì đường đi quá xa xôi. Vậy nên, ngư dân bàn bạc tiếp tục theo nghề mành đèn, lưới chuồn rắc (đánh cá chuồn nhỏ gần bờ), còn người không có ghe thì làm nghề lưới quát (đứng trên bờ đánh cá biển).

Ngư dân Phú Yên đánh lưới vây trên biển. Ảnh: VĂN CHƯƠNG

Dù đánh bắt gần bờ, nhưng thời đó đi thuyền quá thô sơ, nên thỉnh thoảng làng chài cũng tan nát vì bão tố và không thể nào dự báo trước được. Cuối năm 1974, một trận lốc tố đã nhấn chìm nhiều chiếc thuyền với 38 ngư dân An Dũ. Nhiều người đàn bà trở thành góa bụa, nước mắt lưng tròng. Những cụ già trong làng đặt bài thơ "khóc người thân" để sau này con cháu không quên: "Giáp Dần tôi mới kể ra/Tháng mười trận bão thật là mùng 2/Đồng bào bị chết lai thai/Kẻ tấp bãi Dài, người tấp hòn Nưa/Thân chồng gió đập gió đưa/Mái ghe tan nát thảm chưa ông trời...".

Tưởng chừng sau đại nạn thì nhiều người sẽ bỏ biển, nhưng rồi các ngư dân lại gạt đi nỗi đau, tiếp tục ra biển đánh cá, cố gắng nâng cấp thuyền ngày càng vững chãi hơn. Đến năm 1997, chủ của nhiều tàu đánh cá là con cháu của các ngư dân An Dũ vào vùng biển này từ năm 1966 đã bắt đầu vươn ra vùng biển Hoàng Sa. Ngư dân Huỳnh Văn Thắng (SN 1965), cha của thuyền trưởng Huỳnh Đức Lợi kể về những năm tháng đi khắp vùng biển Hoàng Sa, sau đó vào Trường Sa. Ông Thắng kể chuyện con trai và gạt nước mắt vì mới đây, ngày 22/12/2023, người con trai nắm lái chiếc tàu PY 86121 TS từ Trường Sa trở về thì bất ngờ bị đắm khiến toàn bộ 5 ngư dân mất tích.

Tới vũng neo đậu Đông Tác, gặp và hỏi chuyện các thuyền trưởng, ai cũng nói về việc xuất thân từ gia đình truyền thống bám biển. Ngư dân Nguyễn Thân, thuyền trưởng tàu PY 90046 TS nói về văn hóa bám biển và đúng với điều mà tôi từng đúc kết trong đề tài nghiên cứu về biển, đó là: nơi nào có các thế hệ ngư dân đi biển giỏi, nơi đó sẽ đào tạo ra các thế hệ ngư dân kế cận, vươn khơi, bám biển Hoàng Sa, Trường Sa.

Năm 2017 - 2018, tác giả thực hiện 2 đề tài nghiên cứu khoa học về chủ đề ngư dân bám biển Hoàng Sa, Trường Sa và được Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông, thuộc Học viện Ngoại giao trao giải xuất sắc. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Sâm đã cho rằng, việc nghiên cứu sâu về ngư dân ở các tỉnh miền Trung vươn ra làm chủ biển cả, đi Hoàng Sa, Trường Sa từ thời Pháp thuộc cũng là một luận chứng có giá trị để góp phẩn khẳng định chủ quyền của Việt Nam.
Bài 3: Cả đời gắn với biển khơi
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang