Giữa đôi bờ sinh - tử:

Kỳ 3: Làm rõ vụ cụ bà chết trong bồn tắm gây chấn động nước Đức

Thứ Tư, 06/03/2024 19:16

|

(CATP) Sau 13 năm kháng cáo trong lúc ngồi tù, với 3 lần xét xử, tháng 7/2023 Manfred Genditzki - bị cho là hung thủ sát hại cụ bà 87 tuổi trong bồn tắm vào năm 2008 - đã được minh oan nhờ mô hình tính toán mới nhất do các nhà khoa học đề nghị.

Cái chết bí ẩn của một góa phụ

Vụ "giết người trong bồn tắm" xảy ra ở TP.Tegernsee từng gây chấn động nước Đức 16 năm trước. Liselotte Kortum, góa phụ 87 tuổi đã nghỉ hưu, được phát hiện đã chết trong bồn tắm tại căn hộ của mình ở Rottach - Egern hôm 28/10/2008. Đầu giờ chiều hôm đó, ông Manfred Genditzki (58 tuổi) - người phụ trách việc chăm sóc cụ Kortum - đã đón và đưa cụ trở về nhà kèm theo bọc quần áo bẩn sau 5 ngày nằm viện do bị rối loạn tiêu hóa. Thu xếp xong cho cụ bà, khoảng 15 giờ ông vội đi đón vợ con tới thăm mẹ của mình bị ung thư. Khi nữ điều dưỡng theo lịch đến khám sức khỏe cho cụ Kortum lúc 18 giờ 30 đã phát hiện cụ bà nằm gần như úp mặt trong bồn tắm, một chân gác lên thành bồn, trên người vẫn mặc quần áo. Cơ quan điều tra xác định cụ bị ngạt nước và xem đây là vụ tai nạn nên tổ chức tang lễ và hỏa táng thi thể.

Tuy nhiên, gần 6 tuần sau, biên bản pháp y lại thay đổi ý kiến, cho rằng do cụ Kortum có 2 vết đập kín không xuất huyết phía sau đầu nên có thể cụ đã bị đánh. Vì là người cuối cùng tiếp xúc với cụ Kortum nên ông Genditzki bị triệu tập ngay sau đó. Cuộc làm việc đầu tiên tạo ấn tượng cho các điều tra viên (ĐTV) rằng ông này đã chuẩn bị đối phó. Chẳng hạn ngay sau khi rời nhà cụ Kortum, ông đã đi mua socola cho cụ bà. Đúng là ông Genditzki được ủy quyền sử dụng tài khoản 50.000 euro của cụ Kortum và quyết toán sau, nhưng theo ĐTV dường như ông đã cố tình tạo chứng cứ ngoại phạm bởi vì thứ ông mua hôm đó trong nhà cụ Kortum có đầy; nhiều người cũng thắc mắc việc ông để chìa khóa căn hộ của cụ Kortum ở ngoài cửa, rằng ông cố tình làm vậy để cô điều dưỡng trở thành người đầu tiên phát hiện cụ Kortum đã chết thay vì chính ông vào sáng hôm sau, cả việc gần đây ông trả được khoản nợ 8.000 euro chẳng biết là lấy từ đâu ra?

Cuối cùng, cuộc điều tra cáo buộc ông Genditzki biển thủ tiền của cụ Kortum và khi bị phát hiện, đôi bên đã to tiếng, do bị cụ dọa tố cáo nên ông đã đánh vào đầu, cố tình giết chết cụ để bịt đầu mối rồi bế cụ bỏ vào bồn tắm, mở vòi nước tạo hiện trường giả là nạn nhân ngã vào bồn khi giặt đồ. Cáo buộc này khiến mọi người sửng sốt vì ông Genditzki là người chăm sóc cụ Kortum rất tận tình, ai cũng khen.

Ông Genditzki (đứng giữa 2 luật sư) vui mừng nghe tòa án công bố mình vô tội

Mặc dù vậy, sau khi hoàn tất việc đối chiếu lại tài khoản thu - chi của cụ Kortum, cơ quan điều tra đã rút lại tội danh biển thủ và cho rằng ông Genditzki đánh cụ Kortum trong lúc giận dữ, sau đó tìm cách xóa dấu vết hiện trường.

Người tốt được giải oan

Năm 2010, ông Genditzki bị đưa ra tòa sơ thẩm lần thứ nhất với mức án chung thân về tội giết người, dù ông và các luật sư đưa ra nhiều luận cứ cho rằng cụ Kortum bị ngã vào bồn tắm trong lúc cởi bỏ quần áo vào bồn để ngâm người sau khi ông Genditzki ra về. Tuy nhiên, Tòa án Công lý Liên bang Đức đã chấp nhận kháng cáo của ông Genditzki và trả hồ sơ cho Tòa Hình sự Munic khu vực II để xét xử sơ thẩm lại.

Năm 2011, Tòa Hình sự Munic khu vực II xét xử vụ án vẫn tuyên bố ông Genditzki phạm tội giết người và tuyên án chung thân. Phán quyết này đã dội gáo nước lạnh lên dư luận, truyền thông vẫn đang chờ ông Genditzki được trắng án. Chưa hết, năm 2012 Tòa án Công lý Liên bang bác đơn chống án lần thứ 2 của ông gửi lên.

Mặc dù thi hành án nhưng ông Genditzki, gia đình, các luật sư vẫn khẳng định ông vô tội. Cuộc tranh luận trong và ngoài tòa án của giới luật gia, truyền thông, tổ chức xã hội cùng các chính trị gia về vụ án của ông Genditzki kéo dài suốt nhiều năm. Đây là vụ án có quá ít chứng cứ từ bên thứ 3, mỗi sự kiện đều được các bên diễn giải theo cách của mình. Chẳng hạn, vấn đề được tranh luận là tại sao cụ Kortum đem quần áo dơ ngâm vào bồn tắm chứ không bỏ vào chậu, vì như thế sẽ thuận tiện cho cụ hơn và theo logic, người già ở tuổi cụ rất ngại sử dụng bồn tắm. Các ĐTV cũng không thể xác định chính xác thời gian tử vong của cụ Kortum cũng như thời điểm ông Genditzki rời khỏi nhà cụ, hay việc cụ Kortum tự đem quần áo ngâm vào bồn tắm hoặc do chính ông Genditzki đã làm việc đó để tạo hiện trường giả.

Cuối cùng, vấn đề này đã được giải quyết khi một nhóm chuyên gia của Đại học Stuttgart bắt tay vào nghiên cứu và xây dựng mô hình tính toán xem với một người như cụ Kortum có khả năng tự ngã vào bồn tắm (không có bất cứ tác động nào từ bên ngoài) khi tìm cách ngâm đồ bẩn trong bồn và dựa trên thân nhiệt của thi thể nạn nhân khi được phát hiện để tính toán thời gian từ lúc cụ bị ngạt nước trong bồn. Sau 10 năm hoàn thiện (ý tưởng này của các nhà khoa học từng bị Tòa Hình sự Munic khu vực II từ chối trong án sơ thẩm), mô hình đã giúp khẳng định việc cụ Kortum ngã là do tai nạn và thời điểm cụ gặp nạn đã khá muộn sau khi ông Genditzki ra khỏi nhà.

Năm 2022, Tòa Hình sự Munic khu vực I chấp nhận sử dụng các mô hình trên, đồng ý tạm tha cho ông Genditzki và tổ chức xét xử lại với nhiều nhân chứng cùng chứng cứ mới. Kết quả, ông Genditzki được tuyên bố trắng án vào năm 2023 với mức bồi thường 75 euro mỗi ngày trong tù. Như vậy, với tổng cộng 4.912 ngày, tổng số tiền ông nhận được sẽ là 368.400 euro.

Kỳ 2: Chết đuối... trong bồn tắm không nước!
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang