Cá tra Việt Nam cần “cú hích” mới để bứt phá

Thứ Năm, 10/07/2025 14:23

|

(CATP) Ngành hàng cá tra mỗi năm mang về cho đất nước hơn 2 tỷ USD, giải quyết việc làm cho hơn 500.000 lao động mang tính ổn định. Trong hơn hai thập kỷ qua, từ một sản phẩm thủy sản bản địa, cá tra đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia, chinh phục người tiêu dùng ở 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

TỪ TIỀM NĂNG, LỢI THẾ...

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu khốc liệt, cùng những rào cản kỹ thuật ngày càng gia tăng đang đặt ra yêu cầu cấp thiết, ngành cá tra cần có một “cú hích” mới để chuyển mình, bứt phá và phát triển mang tính bền vững. Thực tiễn tại Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) cho thấy, ngành cá tra Việt Nam đã trải qua quá trình phát triển đầy ấn tượng. Năm 1997, các doanh nghiệp ở An Giang bắt đầu xuất khẩu những lô hàng cá tra đầu tiên sang Úc, Singapore, Trung Quốc - Hồng Kông với khối lượng 425 tấn, tổng giá trị khoảng 1,65 triệu USD. Chỉ 3 năm sau, sản phẩm này đã tiếp cận được thị trường Mỹ và chinh phục người tiêu dùng tại đây. Sau 25 năm phát triển tại thị trường khó tính này, đến năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Mỹ đã đạt gần 350 triệu USD, minh chứng cho khả năng “thích ứng” và “nỗ lực” không ngừng của ngành hàng cá tra Việt Nam.

Để có sản phẩm phục vụ xuất khẩu, các doanh nghiệp đã phát triển vùng nuôi tập trung, bảo đảm các quy chuẩn kỹ thuật theo tiêu chuẩn các quốc gia nhập khẩu

Hiện nay, vùng ĐBSCL, đặc biệt là các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long đang chiếm hơn 90% diện tích nuôi cá tra cả nước. Toàn vùng có hơn 5.700 ha mặt nước nuôi trồng, sản lượng đạt hơn 1,4 triệu tấn/năm. Ngành cá tra không chỉ đóng vai trò kinh tế mũi nhọn mà còn góp phần giữ ổn định an sinh xã hội trong khu vực. Tuy nhiên, đằng sau những con số ấn tượng là một thực tế, ngành hàng đang đối diện với hàng loạt khó khăn, thách thức.

Theo ông Doãn Tới - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt: “Ngành cá tra vẫn đang chịu ảnh hưởng lớn bởi quy mô sản xuất manh mún, thiếu liên kết chuỗi, chất lượng giống chưa đồng đều, giá thành đầu vào biến động, công nghệ chế biến còn chậm đổi mới. Đặc biệt, các rào cản thương mại, kỹ thuật từ các thị trường nhập khẩu như Mỹ, EU, Trung Quốc ngày càng siết chặt, tạo áp lực nặng nề lên doanh nghiệp”. Không chỉ vậy, nhiều quốc gia từng là khách hàng nhập khẩu cá tra của Việt Nam, nay đã bắt đầu nuôi cá tra tại chỗ, hoặc nhập khẩu từ các nước khác như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Ai Cập, thậm chí cả Trung Quốc, khiến "sân chơi" này không còn là sự độc quyền của doanh nghiệp Việt Nam.

“Chúng ta từng có thời “một mình một chợ”, nhưng nay thế giới đã đổi khác. Nếu không nhanh chóng đổi mới công nghệ nuôi, kiểm soát chất lượng từ đầu vào đến đầu ra thì rất khó cạnh tranh” - ông Doãn Tới nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, giá thành sản xuất cá tra của Việt Nam vẫn đang cao hơn nhiều đối thủ, trong khi giá bán chịu áp lực giảm. Nguyên nhân đến từ chi phí thức ăn thủy sản, chi phí giống và vận hành hạ tầng, hệ thống logistics chưa tối ưu. Trong bối cảnh đó, muốn giữ vững thị trường, ngành cá tra không thể đi theo hướng mở rộng diện tích đơn thuần, mà cần “nâng chất” toàn chuỗi giá trị.

Các doanh nghiệp tại ĐBSCL triển khai vùng nuôi cá tập trung để sản phẩm đầu vào đạt chất lượng xuất khẩu

... ĐẾN CỦNG CỐ CHUỖI LIÊN KẾT

Ông Lê Trung Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra tỉnh An Giang cho rằng, một trong những điểm yếu cố hữu của ngành cá tra là sự thiếu gắn kết giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến. Hệ quả là tình trạng “được mùa rớt giá”, mất cân đối cung - cầu, làm suy yếu năng lực cạnh tranh chung của ngành.

Để khắc phục, ông Dũng đề xuất phát triển các mô hình liên kết chuỗi, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò “hạt nhân dẫn dắt”, người dân tham gia thông qua hợp đồng bao tiêu, hỗ trợ kỹ thuật. Mô hình này không chỉ giúp kiểm soát chất lượng đầu vào - đầu ra mà còn giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần đầu tư hệ thống truy xuất nguồn gốc, áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học, chuẩn hóa con giống và áp dụng công nghệ chế biến sâu. Sản phẩm không chỉ dừng lại ở fillet đông lạnh mà cần mở rộng sang các dòng hàng giá trị gia tăng như xúc xích cá, chả cá, viên chiên, nước mắm cá tra, collagen từ da cá... Tất cả nhằm nâng cao giá trị và đa dạng hóa thị trường.

Ngành hàng cá tra đã giải quyết cho trên 500.000 lao động có việc làm ổn định

“Chỉ khi ứng dụng công nghệ cao và quản trị hiện đại, cá tra Việt Nam mới có thể đứng vững trước sự cạnh tranh của cá rô phi, cá basa, hay các sản phẩm da trơn nội địa ở các thị trường nhập khẩu” - ông Dũng nhận định.

Thực tiễn cho thấy, một trong những yếu tố khiến cá tra Việt Nam chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của mình là do thiếu chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu bài bản. Ở nhiều thị trường, cá tra Việt Nam vẫn bị dán nhãn “cá da trơn”, thiếu nhận diện nguồn gốc rõ ràng. Điều này ảnh hưởng đến giá bán và khả năng cạnh tranh thương mại. Vì vậy, cần tiếp tục có những chương trình truyền thông quốc gia nhằm quảng bá hình ảnh cá tra Việt Nam với tính năng của sản phẩm sạch, có truy xuất nguồn gốc, đạt chuẩn quốc tế và được nuôi trồng trong điều kiện sinh thái độc đáo của vùng sông Mekong. Bên cạnh đó, ngành cần tận dụng tối đa các cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết như EVFTA, CPTPP, UKVFTA... để mở rộng thị trường, giảm thuế suất, nâng cao giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, việc tận dụng FTA đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn môi trường, lao động, an toàn thực phẩm và quy định về truy xuất nguồn gốc. Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, nếu không cải thiện nhanh về chất lượng và hình ảnh sản phẩm, cơ hội từ FTA cũng khó chuyển hóa thành lợi thế thực tế.

VAI TRÒ “BÀ ĐỠ”

Để ngành cá tra phát triển bền vững, không thể thiếu vai trò định hướng, hỗ trợ và điều tiết từ Nhà nước. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông Hồ Văn Mừng khẳng định: “Chính quyền các cấp cần đồng hành cùng doanh nghiệp và nông dân trong việc khuyến khích xây dựng vùng nuôi tập trung, đầu tư hạ tầng thủy lợi, giao thông phục vụ sản xuất, đồng thời tiếp tục ban hành chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ đổi mới công nghệ, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường”.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tăng cường phòng vệ thương mại, hỗ trợ pháp lý trong các vụ kiện chống bán phá giá, gian lận thương mại tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Ấn Độ... Đây là “tấm khiên” bảo vệ ngành hàng trước những biến động toàn cầu.

Cá tra còn được chế biến trên 50 mặt hàng mang tính giá trị gia tăng

Bên cạnh đó, cần tổ chức các hội chợ chuyên ngành, các chương trình kết nối thương mại, liên kết tiêu thụ sản phẩm cá tra với hệ thống siêu thị trong nước và các kênh bán lẻ hiện đại, nhằm mở rộng thị trường nội địa vốn đang bị bỏ ngỏ, hay nói cách khác là chưa mạnh. Trong bối cảnh người tiêu dùng toàn cầu ngày càng quan tâm đến sản phẩm “xanh - sạch - bền vững”, ngành cá tra Việt Nam cần nhanh chóng thích ứng với xu thế mới. Không thể tiếp tục phát triển theo mô hình tiêu tốn tài nguyên, phát thải lớn, gây ô nhiễm môi trường. Thay vào đó, cần áp dụng mô hình nuôi tuần hoàn, sử dụng thức ăn sinh học, giảm dư lượng kháng sinh, xử lý chất thải bằng công nghệ sinh học...

Việc đầu tư cho công nghệ xử lý nước thải, bảo vệ nguồn lợi thủy sinh, tạo sinh kế cho cộng đồng cư dân ven sông cũng là một phần trong chiến lược phát triển bền vững ngành hàng. Ngành cá tra Việt Nam đang ở một “ngã ba đường”, hoặc tiếp tục với mô hình sản xuất cũ đầy rủi ro và áp lực, hoặc mạnh dạn tạo “cú hích” mới bằng đổi mới toàn diện từ công nghệ, liên kết sản xuất, quản trị đến chiến lược thị trường và thương hiệu. Chỉ khi hội tụ đầy đủ các yếu tố “chất lượng - xanh - bền vững - có trách nhiệm”, sản phẩm cá tra Việt Nam mới có thể giữ vững thị phần quốc tế, trở thành biểu tượng cho nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập và phát triển bền vững của Việt Nam.

Bình luận (0)

Lên đầu trang